Mang Thai Tháng Đầu Nên Ăn G?
Phụ nữ mới mang thai tháng đầu cần được bổ sung nguồn chất dinh dưỡng dồi dào hơn nhằm đảm bảo thai nhi phát triển tốt và có một thai kỳ khỏe mạnh. Tuy nhiên, không phải thực phẩm nào cũng được khuyến khích sử dụng. Bà bầu cần nắm rõ mang thai tháng đầu nên ăn gì và kiêng gì để xây dựng được thực đơn ăn uống hợp lý, có lợi cho sức khỏe.
Mang thai tháng đầu nên ăn gì?
Các thực phẩm tốt nhất cho phụ nữ mang thai tháng đầu bao gồm:
1. Nhóm thực phẩm chứa nhiều axit folic
Axit folic là dưỡng chất vô cùng quan trọng với thai nhi, đặc biệt là trong những tháng đầu tiên của thai kỳ. Chất này mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe của mẹ cũng như thai nhi như:
- Kích thích sản sinh hồng cầu, ngăn ngừa thiếu máu
- Giảm nguy cơ bị sinh non thiếu tháng hoặc sảy thai
- Kích thích sự phát triển não bộ và hệ thần kinh của thai nhi
- Ngăn ngừa dị tật ống thần kinh, sứt môi hay hở hàm ếch bẩm sinh cùng nhiều dị tật khác cho em bé trong bụng.
Nhu cầu axit folic của phụ nữ mang thai tháng đầu dao động từ 400 – 600 microgam. Ngoài việc bổ sung qua viên uống, bà bầu nên thường xuyên sử dụng các thực phẩm dưới đây để dung nạp nguồn axit folic dồi dào, tự nhiên cho cơ thể:
- Rau xanh: Cải bó xôi, mồng tơi, súp lơ xanh, măng tây,…
- Trái cây: Quả bơ, dưa vàng, cam, quýt, bưởi
- Ngũ cốc nguyên hạt
- Các loại đậu
- Gan động vật
2. Thực phẩm bổ sung omega 3
Bao gồm:
- Cá thu
- Cá ngừ
- Cá tuyết
- Các loại rau có lá màu xanh đậm
- Đậu nành, đậu phụ, dầu đậu nành
- Hạt óc chó
- Hạnh nhân…
Đối với thai nhi, omega 3 tham gia vào quá trình phát triển trí não và thị lực cho bé. Bà bầu có thai tháng đầu nên thường xuyên sử dụng các thực phẩm chứa chất này nhằm đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh và giúp trẻ chào đời thông minh hơn.
3. Mang thai tháng đầu nên ăn trứng gà
Trứng gà chứa hầu hết các dưỡng chất có lợi cho phụ nữ mang thai tháng đầu. Thực phẩm này bổ sung nhiều chất đạm, giúp tăng cường năng lượng, giảm mệt mỏi cho các mẹ bị ốm nghén, đồng thời tham gia vào quá trình xây dựng tế bào mới để phát triển các cơ quan trong cơ thể thai nhi.
Bên cạnh đó, thực phẩm này còn cung cấp nhiều canxi, vitamin D, omega 3. Chúng giúp kháng viêm, phát triển trí não, thần kinh và hệ cơ xương khớp cho bé, đồng thời giảm nguy cơ bị loãng xương, thoái hóa đốt sống cổ, đau nhức xương khớp, viêm khớp trong thai kỳ. Nghiên cứu hiện đại cũng cho thấy, mỗi quả trứng gà được sử dụng có thể cung cấp cho bà bầu đến hơn 13 loại axit amin cùng nhiều loại khoáng tố thiết yếu.
Lượng trứng bà bầu có thể dùng trong tuần là 3 – 4 quả. Tốt nhất chị em nên ăn trứng đã được luộc chín. Tránh ăn sống hoặc ăn trứng ốp la không đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
4. Thực phẩm chứa nhiều chất sắt
Khi mang thai, cơ thể người mẹ cần được bổ sung nhiều chất sắt hơn. Đây chính là vật liệu cần thiết cho quá trình sản sinh hồng cầu, làm tăng lưu lượng máu trong cơ thể mẹ để nuôi dưỡng thai nhi tốt hơn. Tình trạng thiếu sắt khi mang thai tháng đầu có thể khiến mẹ thường xuyên bị chóng mặt, mệt mỏi, thai nhi cũng chậm phát triển về cân nặng và trí não.
Vì vậy, các thực phẩm giàu chất sắt không thể thiếu trong thực đơn của phụ nữ mang thai tháng đầu. Chúng bao gồm:
- Thịt đỏ: Thịt bò, thịt nạc lợn, thì dê…
- Hạt: Hạnh nhân, đậu tương, óc chó, lạc
- Lòng đỏ trứng gà
- Quả chuối
- Rau dền, củ dền
- Bí đỏ
5. Khoai lang
Khi mới mang thai tháng đầu, tử cung bắt đầu giãn nở to để tạo không gian cho thai nhi phát triển. Điều này gây chèn ép vào ruột dẫn đến nhiều vấn đề ở đường tiêu hóa như ăn lâu tiêu, táo bón, đầy bụng. Thường xuyên ăn khoai lang chính là một bí quyết đơn giản để ngăn ngừa táo bón cho bà bầu và giảm thiểu các triệu chứng khó chịu phát sinh ở đường ruột. Với nguồn chất xơ hòa tan dồi dào, thực phẩm này giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn, cải thiện sức khỏe cho đường ruột.
Hơn nữa, khoai lang còn bổ sung nhiều chất bột, axit amin, kali và canxi. Các dưỡng chất này đều góp phần nâng cao sức khỏe tổng thể của mẹ và đảm bảo cho sự phát triển bình thường của thai nhi.
6. Nhóm thực phẩm giàu canxi
Đây chính là gợi ý tiếp theo cho thắc mắc phụ nữ mang thai tháng đầu nên ăn gì. Người mới có thai cần được bổ sung nhiều canxi hơn để củng cố sức khỏe cho xương khớp, giúp tạo ra khung xương chậu vững chắc để nâng đỡ em bé trong bụng. Chất này cũng tham gia vào quá trình phát triển xương khớp, răng và móng cho thai nhi.
Nhu cầu canxi của phụ nữ mang thai tháng đầu khoảng 800mg/ngày. Các bác sĩ thường kê đơn thuốc bổ sung canxi cho mẹ khi đi khám thai. Ngoài ra, chị em nên tăng cường nguồn canxi tự nhiên cho cơ thể thông qua thực phẩm sử dụng trong bữa ăn hàng ngày.
Các thực phẩm giàu canxi tốt cho phụ nữ mang thai tháng đầu bao gồm:
- Sữa
- Phô mai
- Nước hầm xương ống
- Tôm, cua và các loại hải sản
- Đậu nành, đậu xanh, đậu đen
- Hạt hạnh nhân
- Rau xanh…
7. Thực phẩm bổ sung kẽm
Phụ nữ mang thai tháng đầu được bổ sung đầy đủ kẽm sẽ cải thiện được đáng kể các triệu chứng khó chịu khi bị ốm nghén, chẳng hạn như chán ăn, mệt mỏi, nôn ói. Chất này cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ bị nhiễm trùng, động thai.
Đối với thai nhi, kẽm giúp chống suy dinh dưỡng bào thai và giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh. Chính vì lý do này mà trong thực đơn của phụ nữ mang thai tháng đầu không thể thiếu các thực phẩm giàu kẽm. Bao gồm:
- Hải sản: Hàu, cá, tôm, cua…
- Các loại thịt: Thịt lợn, thịt bò
- Đậu
- Sữa tươi
- Sữa chua
- Gạo lứt…
8. Mang thai tháng đầu nên ăn các thực phẩm giàu vitamin C
Bao gồm:
- Cam, quýt, bưởi, chanh
- Dâu tây
- Kiwi
- Rau lá xanh
- Chuối…
Vitamin C rất cần thiết cho phụ nữ mang thai bởi chất này có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch, giảm nguy cơ bị cảm lạnh, cảm cúm và tăng cường sức bền cho thành mạch, giúp máu lưu thông tốt đến bào thai. Hơn nữa, việc mẹ bầu bổ sung đầy đủ nhu cầu vitamin C cho cơ thể trong tháng đầu tiên của thai kỳ còn giúp giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề về thị lực cho trẻ sau này, nhất là bệnh đục thủy tinh thể.
Mang thai tháng đầu nên kiêng gì?
Các thực phẩm có giá trị dinh dưỡng nghèo nàn hoặc có thể gây hại cho sức khỏe, làm tăng nguy cơ sảy thai đều không được khuyến khích sử dụng trong thực đơn của phụ nữ mang thai tháng đầu. Bà bầu nên hạn chế dùng các thức ăn sau:
- Thực phẩm đóng hộp: Đồ hộp chứa nhiều muối, chất bảo quản và một số hóa chất không tốt cho sức khỏe. Do để lâu, chúng đã bị thất thoát một phần chất dinh dưỡng. Chính vì vậy mà phụ nữ mới mang thai tháng đầu được khuyến cáo nên thay thế đồ hộp bằng các thực phẩm tươi sống để đảm bảo cung cấp đầy đủ nguồn dinh dưỡng có lợi cho cơ thể.
- Rau ngót: Loại rau này có tính mát, ăn nhiều sẽ gây lạnh bụng. Hơn nữa, hoạt chất papaverin được tìm thấy trong rau ngót còn có thể làm giãn các cơ nâng đỡ tử cung, đồng thời kích thích bào thai bong tróc ra khỏi niêm mạc tử cung. Nếu ăn quá nhiều có thể gây nguy cơ sảy thai cao.
- Đồ béo: Thịt mỡ, nội tạng động vật, thức ăn nhanh hay các món chiên xào đều chứa nhiều chất béo không lành mạnh. Chúng khiến mẹ bầu bị tăng cân nhanh, làm tăng mỡ trong máu, giảm khả năng tuần hoàn máu đến bào thai, đồng thời ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe tim mạch, xương khớp.
- Các món sống, tái: Thức ăn chưa được nấu chín có thể chứa vi khuẩn, trứng giun hay ký sinh trùng. Bà bầu mang thai tháng đầu nên tránh sử dụng nếu không muốn bị đau bụng, tiêu chảy hoặc nghiêm trọng hơn là dị tật thai nhi.
- Lô hội (nha đam): Lô hội chứa chất gây co bóp cơ trơn. Thực phẩm này có thể kích thích các cơ trong tử cung co bóp mạnh gây sảy thai, động thai.
- Quả dứa (thơm): Trong danh sách các câu trả lời cho thắc mắc mang thai tháng đầu nên kiêng ăn gì còn có dứa. Do chứa bromelain, dứa có thể làm mềm các cơ trong tử cung và khiến cổ tử cung mở rộng, từ đó gây nguy cơ bị xuất huyết, sảy thai cao. Hơn nữa, ăn nhiều dứa còn khiến phụ nữ mang thai tháng đầu bị tăng cân nhanh hoặc mắc chứng tiểu đường thai kỳ.
- Phô mai mềm: Một số loại phô mai mềm được sản xuất trực tiếp từ sữa tươi chưa qua tiệt trùng. Do đó, sản phẩm này có thể chứa listeria. – một loại hại khuẩn thường gây thai chết lưu hoặc dị tật bẩm sinh khi xâm nhập vào bào thai.
- Đu đủ xanh: Thực phẩm này có thể gây sảy thai vì chứa chất làm mềm và kích thích co bóp tử cung. Phụ nữ mang thai tháng đầu không nên ăn nhiều.
- Rau sam: Đây là loại rau kiêng kỵ cho phụ nữ mang thai tháng đầu. Cũng như đu đủ xanh và một số thực phẩm khác, rau sam chứa chất kích thích co bóp tử cung nên bà bầu có nguy cơ cao bị sảy thai nếu thường xuyên ăn.
- Rau chùm ngây: Loại rau này được ca ngợi là một loại siêu thực phẩm vì chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, trong rau lại chứa chất alpha-sitosterol hoạt động như một loại thuốc ngừa thai nên có thể làm mềm các cơ trong tử cung khiến bà bầu không giữ được thai.
- Khoai mọc mầm: Trong khoai mọc mầm có chứa độc tố. Thực phẩm này không được khuyến khích sử dụng ngay cả khi bạn không mang thai.
- Thức ăn cay nóng: Đồ ăn chứa nhiều tiêu, ớt, cơm nếp, củ riềng… Tất cả đều có tính nóng nên có thể khiến bà bầu mang thai tháng đầu bị táo bón nếu ăn nhiều.
- Một số thức uống: Phụ nữ mới mang thai tháng đầu nên tránh sử dụng các thức uống như bia, rượu, nước ngọt có gas, nước dừa, cà phê, trà sữa.
Qua những thông tin bài viết cung cấp, hẳn các mẹ đã biết được mang thai tháng đầu nên ăn gì và kiêng gì để cả mẹ lẫn con đều khỏe mạnh. Mặc dù không cần phải ăn uống kiêng khem quá mức nhưng bà bầu nên cắt giảm bớt những thực phẩm không tốt ra khỏi thực đơn nhằm duy trì được thai kỳ khỏe mạnh.
Có thể bạn quan tâm