Tiêm Phòng Thủy Đậu Trước Khi Mang Thai

Tác giả: Cập nhật: 11:07 am , 28/06/2024 Tham vấn y khoa: Bs. Đỗ Thanh Hà

Thủy đậu vốn là bệnh lành tính đơn giản, dễ chữa đối với cả người lớn và trẻ con. Thế nhưng, riêng phụ nữ mang thai, căn bệnh này lại là mối đe dọa lớn bởi nó có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm cho mẹ và thai nhi như gây sảy thai, sinh non… Chính vì thế việc người mẹ tiêm phòng thủy đậu trước khi mang thai là một điều hết sức quan trọng.

Kiến thức về tiêm phòng trước khi mang thai có lẽ không còn quá xa lạ gì đối với chị em phụ nữ hiện nay. Để bảo vệ sức khỏe của mẹ, ngăn ngừa các tác động, ảnh hưởng không tốt đến sự hình thành, phát triển của thai nhi thì time phòng là điều rất quan trọng. Trước khi mang bầu, phụ nữ nên tiến hành tiêm một số mũi bắt buộc.

Một trong những mũi chích ngừa quan trọng phụ nữ cần thực hiện trước khi mang thai đó là tiêm phòng thủy đậu. Căn bệnh nghe tưởng chừng rất đơn giản này nếu không được phòng tránh và điều trị kịp thời có thể để lại những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng đối với mẹ bầu.

Vậy mẹ nên tiêm phòng thủy đậu trước khi mang thai mấy tháng? Chi phí mỗi mũi tiêm như thế nào và nên tiêm ở đâu cho đảm bảo chất lượng?

Bệnh thủy đậu là gì? Triệu chứng của bệnh ra sao?

Thủy đậu là căn bệnh truyền nhiễm phổ biến mà hầu hết mọi người đều có nguy cơ mắc phải. Các tài liệu y khoa về thủy đậu có ghi chép, bệnh này do virus varicella zoster gây ra. Thời điểm bùng phát bệnh mạnh nhất là vào mùa xuân và bệnh dễ lây truyền qua đường hô hấp hoặc có sự tiếp xúc dịch tiết.

Khi bị thủy đậu “ghé thăm”, bạn sẽ thấy cơ thể mình có một số biểu hiện điển hình như sốt, mệt mỏi, đau đầu, nôn ói, nổi mụn nước có đường kính khoảng 1-3 mm khắp người. Trong vòng 7-10 ngày, nếu điều trị đúng cách, bệnh sẽ nhanh chóng biến mất và không để lại biến chứng nguy hiểm gì.

Bệnh thủy đậu tương đối nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai
Bệnh thủy đậu tương đối nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai

Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, trong thời gian bị thủy đậu, nếu người bệnh dùng quá nhiều đồ ăn có dầu mỡ, hay đưa tay lên gãi các nốt mụn nước, không kiêng triệt để gió và nước thì nguy cơ bị biến chứng là rất cao.

Một số biến chứng điển hình của bệnh thủy đậu phải kể đến là viêm tai, viêm thanh quản, viêm phổi, viêm thận cấp và nặng nhất là viêm não, dẫn đến tử vong. Đặc biệt, phụ nữ mang thai nếu bị thủy đậu sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi, nguy cơ biến dị thai nhi cao. Chính vì thế việc chăm sóc người bệnh trong giai đoạn mắc bệnh là hết sức quan trọng.

Tại sao cần phải tiêm phòng thủy đậu trước khi mang thai?

Chắc hẳn mọi người đều biết rằng khi mang thai, hệ miễn dịch của cơ thể phụ nữ sẽ kém hơn so với bình thường nên các virus, vi khuẩn có hại dễ dàng tấn công và gây bệnh. Bởi vậy, việc tiêm phòng trước khi mang thai nói chung và tiêm vacxin thủy đậu trước khi mang thai nói riêng cần phải được tiến hành một cách nghiêm túc nhất.

Trong trường hợp mẹ bầu bị thủy đậu thì mức độ tác động của nó đến thai nhi như thế nào? Liệu có thể dẫn đến tình huống xấu nhất là mất con hay không? Đây là kiến thức quan trọng, chị em phụ nữ nào đang có ý định sinh con nhất định phải thuộc lòng bàn tay.

Mẹ bầu bị thủy đậu ảnh hưởng như thế nào đến thai nhi?

Trong thời gian mang thai, nếu mẹ không may mắc bệnh thủy đậu thì có thể dẫn đến trẻ bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh.

Mẹ bầu bị thủy đậu sẽ ảnh hưởng lớn đến thai nhi
Mẹ bầu bị thủy đậu sẽ ảnh hưởng lớn đến thai nhi

Khi bị hội chứng này, trẻ sẽ có thể bị sẹo ở trên da, tật đầu nhỏ, mắc bệnh lý về võng mạc, nhẹ cân và nặng hơn là trí tuệ chậm phát triển. Theo các chuyên gia y tế, mức độ tác động sẽ phụ thuộc vào thời điểm nhiễm bệnh của mẹ trong thai kỳ. Cụ thể là:

  • Mẹ bị thủy đậu trong 3 tháng đầu: Nguy cơ sảy thai, thai chết lưu là rất cao
  • Mẹ bị thủy đậu tuần thứ 13-20 của thai kỳ: Nguy cơ trẻ mắc hội chứng thủy đậu bẩm sinh càng lớn, lên đến 2%.
  • Sau tuần 20 của thai kỳ, mẹ có thể thở phào nhẹ nhõm vì ở khoảng thời gian này, bé sẽ không chịu tác động gì từ bệnh.
  • Mẹ bị thủy đậu trước ngày sinh khoảng 5 ngày hoặc mắc bệnh sau khi sinh 1-2 ngày: Ở thời điểm này, các bác sĩ cảnh báo trẻ có nguy cơ bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh cao đến 25%.

Chính vì vậy để giảm thiểu rủi ro trên, chị em phụ nữ đang có kế hoạch sinh con cần tiêm phòng thủy đậu trước khi mang thai tại bệnh viện hoặc các phòng khám uy tín.

Nên tiêm phòng thủy đậu trước khi mang thai mấy tháng?

Nếu bạn đã từng bị thủy đậu khi còn nhỏ thì điều có không có nghĩa là căn bệnh này không “viếng thăm” bạn một lần nữa. Nếu bạn đã tiêm phòng thủy đậu còn nhỏ, điều đó không có nghĩa là trước khi mang thai bạn bỏ qua mũi tiêm chích ngừa này. Hãy nhớ mọi chuyện có thể xảy ra, vì thế bạn nên đi trước một bước để phòng tránh bệnh.

Các chuyên gia sản phụ khoa cho biết bạn không thể tiêm phòng thủy đậu trong thời gian mang thai do đó hãy tiêm ngừa thủy đậu trước khi mang thai khoảng 3 tháng. Theo dữ liệu thu thập được của các chuyên gia y khoa, 90% những người đã tiêm phòng vắc xin thủy đậu sẽ tránh hoàn toàn được nguy cơ mắc phải căn bệnh này.

Tiêm phòng thủy đậu trước khi mang thai là việc làm vô cùng quan trọng
Tiêm phòng thủy đậu trước khi mang thai là việc làm vô cùng quan trọng

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo chị em phụ nữ sau khi tiêm vắc xin ngừa thủy đậu nên “hoãn” việc mang thai lại 1 tháng. Trong thời gian đó, bạn tránh tiếp xúc với những đối tượng mắc bệnh.

Những điều cần biết khi tiêm phòng vacxin thủy đậu trước khi mang thai

Khi quyết định tiêm phòng thủy đậu trước khi mang thai, mọi người hãy ghi nhớ một số điểm quan trọng dưới đây:

Loại vắc xin ngừa thủy đậu nào tốt?

Hiện nay có 2 loại vắc xin thủy đậu được các chuyên gia y tế khuyên dùng là:

  • Vắc xin Varivax thuộc nhà sản xuất Merck Sharp & Dohme – Mỹ. Vắc xin này có giá khoảng 665.000 đồng và cần chích 2 mũi. Mũi 1 cách mũi thứ 2 khoảng 4 đến 8 tuần.
  • Vắc xin Varicella được sản xuất tại Hàn Quốc bởi nhà sản xuất Green Cross có giá khoảng 430.000 đồng. Nếu lựa chọn loại vắc xin này, các mẹ chỉ cần chích một mũi duy nhất.

Các địa chỉ uy tín để tiêm ngừa thủy đậu trước khi mang thai

Hiện nay bệnh viện cũng như các phòng khám mọc lên như nấm cộng với việc vắc xin giả được “tuồn” vào một cách khéo léo khiến hiệu quả phòng tránh không có, thậm chí còn khiến người bệnh gặp phải biến chứng nguy hiểm. Chính vì thế để đảm bảo an toàn khi tiêm phòng thủy đậu trước khi mang thai, các mẹ nên tin tưởng lựa chọn một số địa chỉ đáng tin cậy sau:

  • Bệnh viện Từ Dũ (532 Lý Thái Tổ, Phường 10, Quận 10, TPHCM)
  • Bệnh viện Nhi Đồng 2 (14 Lý Tự Trọng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TPHCM)
  • Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM (699 Trần Hưng Đạo, Phường 1, Quận 5, TPHCM)
  • Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM (532 Lý Thái Tổ, Phường 10, Quận 10, TPHCM)
  • Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Số 78 đường Giải Phóng, Phường Phương Mai, Quận Đống Đa, TP Hà Nội)
  • Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội (70 Nguyễn Chí Thanh – Đống Đa – Hà Nội)
  • Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Số 1-Yecxanh, Quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội)

Một số lưu ý khác khi tiêm phòng thủy đậu trước khi mang thai

Khi tiến hành tiêm vacxin thủy đậu trước khi mang thai, các mẹ cần lưu ý một số điểm sau:

  • Đi kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm phòng
  • Khi đang bị ốm, sốt thì không nên tiêm phòng vắc xin ngừa thủy đậu
  • Sau khi tiêm, bạn nên ở lại bệnh viện hoặc cơ sở y tế 30 phút đến 1 tiếng theo dõi các biểu hiện của cơ thể để tránh bị sốc phản vệ

Bà bầu bị thủy đậu nên làm gì?

Bà bầu bị thủy đậu trong 3 tháng đầu mang thai cần thường xuyên đến bệnh viện để thăm khám và theo dõi tình trạng sức khỏe một cách cẩn thận.

Nếu mẹ chưa từng mắc thủy đậu hoặc chưa tiêm vắc xin ngừa bệnh thì trong vòng 72 giờ sau khi có biểu hiện mắc bệnh, các bác sĩ sẽ tiêm cho mẹ vắc xin VZIG (varicella zoster immune globulin) để ngăn chặn tình trạng phát triển của bệnh. Đồng thời vắc xin này giúp hạn chế đối đa nhất các biến chứng mà bệnh có thể gây ra cho mẹ và thai nhi.

Khi bị thủy đậu, mẹ bầu cần theo dõi sức khỏe cẩn thận
Khi bị thủy đậu, mẹ bầu cần theo dõi sức khỏe cẩn thận

Tuy nhiên, vắc xin này không có tác dụng đẩy lùi hoàn toàn tác động của bệnh nên mẹ cần phải thường xuyên theo dõi sức khỏe. Đồng thời, khi bị thủy đậu, mẹ có thể bị sốt nhưng tuyệt đối không tự ý dùng thuốc kháng sinh. Mọi loại thuốc sử dụng trong thời gian mang thai cần phải có chỉ định của bác sĩ.

Bên cạnh đó, khi mắc bệnh thủy đậu, các mẹ cố gắng nghỉ ngơi, uống nhiều nước, tăng cường bổ sung vitamin C và ăn nhiều thức ăn lỏng dễ tiêu hóa. Nếu không muốn các nốt mụn nước bị nhiễm trùng thì mẹ nên hạn chế đối đa số lần chạm vào nó.

Nói tóm lại, giống như viêm gan B, sởi, quai bị hay rubella, thủy đậu cũng là một trong những mối đe dọa luôn rình rập chị em phụ nữ. Chính vì thế, để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình, đồng thời ngăn chặn tình trạng thai nhi bị dị tật, các mẹ hãy cố gắng tiêm phòng thủy đậu trước khi mang thai ít nhất 3 tháng nhé. Một khi mẹ đã ý thức phòng tránh bệnh tật thì đảm bảo cả quãng thời gian 9 tháng 10 ngày, mẹ sẽ dễ dàng vượt qua và không có bất cứ trở ngại khó khăn nào.

Nguồn tham khảo

Bài viết nhiều người đọc