Rụng Trứng Là Gì?
Rụng trứng là một giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt bên cạnh thời kỳ hành kinh, giai đoạn nang trứng và hoàng thể. Thực tế, rất nhiều nữ giới chưa thực sự hiểu rõ rụng trứng là gì, diễn ra như thế nào và những vấn đề xoay quanh hiện tượng này.
Rụng trứng là gì? Xảy ra vào thời điểm nào?
Rụng trứng (Ovulation) là hiện tượng sinh lý của nữ giới xảy ra một lần trong một chu kỳ kinh nguyệt. Hiện tượng này thực chất là tình trạng nang noãn trưởng thành được buồng trứng giải phóng vào ống dẫn trứng. Nếu trứng “gặp gỡ” tinh trùng trong thời điểm này sẽ xảy ra hiện tượng thụ thai và hình thành hợp tử. Hợp tử sẽ di chuyển từ từ xuống tử cung để làm tổ và tiếp tục phát triển thành bào thai.
Trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt, nữ giới sẽ rụng trứng một lần và thường chỉ một nang trứng. Trước khi rụng, những hormone trong cơ thể sẽ thay đổi nhằm giúp nang trứng trưởng thành đạt đủ kích thước 20 – 22mm. Sau khi được giải phóng, trứng chỉ có thể tồn tại trong tử cung khoảng 12 – 24 giờ đồng hồ. Nếu không xảy ra thụ thai, trứng sẽ bị ly giải, sau đó sẽ được đào thải cùng với niêm mạc tử cung vào thời kỳ hành kinh.
Rụng trứng thường sẽ xảy ra vào giữa chu kỳ kinh nguyệt. Đối với vòng kinh chuẩn 28 ngày, rụng trứng sẽ rơi vào ngày thứ 14 của chu kỳ. Trong trường hợp vòng kinh thưa, thời điểm rụng trứng sẽ có sự chênh lệch. Để xác định ngày rụng trứng, lấy tổng số ngày của chu kỳ kinh nguyệt trừ cho 14 hoặc 15 ngày.
Tuy nhiên, thời điểm rụng trứng có thể xảy ra sớm hơn hoặc muộn hơn vài ngày so với dự đoán. Hơn nữa, hiện tượng này cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố khác như tinh thần, sức khỏe, thể trạng,…
Quá trình rụng trứng xảy ra như thế nào?
Rụng trứng là một giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt. Để xảy ra hiện tượng này, cơ thể cần điều chỉnh nồng độ của hormone thông qua hệ trục tuyến yên – vùng dưới đồi – buồng trứng. Hiện tượng rụng trứng sẽ được cơ thể “chuẩn bị” ngay sau khi kết thúc kinh nguyệt.
Vùng dưới đồi – cơ quan nằm ở bên trong não bộ có chức năng “giao tiếp” với tuyến yên. Sau khi nhận được tín hiệu từ vùng dưới đồi, tuyến yên sẽ sản xuất hormone FSH (follicle stimulating hormone) nhằm kích thích buồng trứng sản xuất nang trứng (tối đa 20 nang).
Mỗi nang trứng sẽ bao gồm 1 noãn và cơ thể sẽ liên tục tiết hormone để giúp nang trứng trưởng thành. Thông thường đến ngày thứ 10 của chu kỳ sẽ có duy nhất một nang noãn trưởng thành. Sau đó, vùng dưới đồi sẽ sản xuất hormone gonadotropin (GnRH) nhằm kích thích tuyến yên sản sinh hormone tạo hoàng thể (hormone luteinizing/ hormone LH).
Hormone LH luôn có nồng độ thấp trong suốt chu kỳ kinh nguyệt và chỉ tăng lên trước – trong thời kỳ rụng trứng. Khi hormone đạt đỉnh, trứng sẽ rụng ngay sau đó khoảng 12 – 24 giờ đồng hồ. Lúc này, buồng trứng sẽ phóng noãn vào khoang phúc mạc và được hút vào ống dẫn trứng. Trứng sau khi rụng sẽ cố định tại đây để “gặp gỡ” tinh trùng. Sau 12 – 24 giờ kể từ khi rụng trứng, nang noãn sẽ bị ly giải nếu không xảy ra hiện tượng thụ tinh.
Sau khi trứng rụng, hormone LH và estrogen sẽ suy giảm. Bù lại hormone progesterone tăng cao nhằm làm dày niêm mạc tử cung để chuẩn bị cho quá trình thụ tinh. Khi không xảy ra thụ tinh, niêm mạc tử cung sẽ bong tróc và được đào thải ra bên ngoài cùng với nang noãn thông qua âm đạo (kinh nguyệt).
Các triệu chứng gặp phải khi rụng trứng
Trong thời gian trước và trong khi rụng trứng, nữ giới sẽ có một số biểu hiện do thay đổi hormone. Dựa vào những biểu hiện này, bạn có thể xác định thời điểm dễ thụ thai và dự đoán được ngày hành kinh (sau 14 ngày kể từ thời điểm rụng trứng). Hơn nữa, hiểu về những phản ứng sinh lý cũng sẽ giúp nữ giới tránh tâm lý lo lắng, hoang mang khi đối mặt với những thay đổi của cơ thể.
Các triệu chứng có thể gặp phải khi rụng trứng:
- Tăng thân nhiệt nhẹ (37 độ C)
- Âm đạo tiết dịch trong suốt, dai và không có mùi
- Vùng kín ẩm ướt
- Tăng ham muốn tình dục
- Có đốm máu nhỏ trong chất nhầy hoặc ra dịch nhầy có màu hồng/ nâu do máu bị hòa tan với dịch tiết âm đạo
- Đau âm ỉ ở vùng bụng dưới (thường sẽ đau một bên)
- Đau mỏi thắt lưng
- Đau đầu, đau nửa đầu
- Đầy hơi, chướng bụng
Những triệu chứng này đều có liên quan đến sự thay đổi hormone. Do đó sau khi rụng trứng, những triệu chứng này sẽ biến mất do nồng độ hormone trở lại trạng thái cân bằng. Ngoài ra, mức độ của các triệu chứng cũng có sự khác biệt tùy theo cơ địa của từng người.
Rụng trứng cho biết điều gì?
Rụng trứng là phản ứng sinh lý xảy ra ở nữ giới từ độ tuổi dậy thì. Hiện tượng này cho thấy cơ thể đã hoàn thiện chức năng sinh sản và có thể mang thai. Thời điểm và các dấu hiệu rụng trứng sẽ giúp bạn xác định được những vấn đề sau đây:
1. Dự đoán thời điểm dễ thụ thai
Trước và trong khi rụng trứng là thời điểm dễ thụ thai hơn so với những ngày khác trong chu kỳ. Vì sau khi được giải phóng, nang noãn có thể tồn tại từ 12 – 24 giờ. Sau thời gian này, trứng sẽ bị ly giải và đào thải sau 10 – 14 ngày (ngày hành kinh).
Mỗi chu kỳ kinh nguyệt chỉ xảy ra một lần rụng trứng. Do đó, trước và trong khi rụng trứng là thời điểm có khả năng thụ thai cao nhất. Tinh trùng sau khi thâm nhập vào tử cung có thể tồn tại được trong 5 này. Vì vậy, các cặp đôi nên quan hệ tình dục trước khi rụng trứng 5 ngày và sau khi sau khi rụng trứng 1 ngày để tăng khả năng mang thai.
2. Xác định khoảng thời gian “an toàn”
Thời điểm dễ thụ thai sẽ rơi vào trước và trong ngày rụng trứng. Sau đó khoảng 1 – 2 ngày vẫn có khả năng thụ thai do trứng có thể tồn tại từ 12 – 24 giờ trong vòi trứng. Vì vậy, không ít cặp đôi xác định ngày rụng trứng để dự đoán khoảng thời gian “an toàn”.
Sau khi trứng rụng từ ngày thứ 3 trở đi, tỷ lệ mang thai là rất thấp do trứng đã bị ly giải. Từ thời điểm này cho đến khi có kinh nguyệt, các cặp đôi có thể quan hệ tình dục để tránh mang thai ngoài ý muốn. Sau khi kết thúc kỳ kinh, mức độ thụ thai sẽ tăng lên do tinh trùng có thể tồn tại bên trong tử cung 5 – 6 ngày và bản thân nang trứng cũng đang trong quá trình trưởng thành.
Hiểu rõ thời điểm rụng trứng sẽ giúp các cặp đôi thoải mái hơn khi “ân ái” mà không cần sử dụng các biện pháp phòng ngừa. Nhìn chung, cách này mang lại hiệu quả khá cao. Tuy nhiên để chắc chắn, tốt nhất các cặp đôi vẫn nên sử dụng các phương pháp tránh thai hiệu quả hơn như bao cao su, sử dụng thuốc ngừa thai,…
3. Cảnh báo một số bệnh lý
Rụng trứng là hiện tượng sinh lý xảy ra ở cơ thể nữ giới. Tất cả những dấu hiệu bất thường xoay quanh hiện tượng này đều phản ánh được phần nào sức khỏe sinh sản của nữ giới. Trong đó, thường gặp nhất là tình trạng không rụng trứng trong một thời gian dài dẫn đến vòng kinh thưa và thậm chí là vô kinh.
Không xảy ra hiện tượng rụng trứng hoặc rụng trứng gây đau dữ dội có thể cảnh báo những vấn đề sức khỏe sau:
- Stress
- Rối loạn nội tiết tố do ăn uống, sinh hoạt không hợp lý, suy buồng trứng,…
- Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
- Lạc nội mạc tử cung
- Mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục
Theo dõi ngày rụng trứng và kinh nguyệt hằng tháng sẽ giúp chị em phụ nữ phát hiện được những vấn đề bất thường của cơ thể. Qua đó kịp thời thăm khám và tiến hành điều trị để phòng ngừa những biến chứng nặng nề.
Một số thắc mắc xoay quanh hiện tượng rụng trứng?
Rụng trứng là một phần của chu kỳ kinh nguyệt và chỉ diễn ra trong khoảng vài phút. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho hiện tượng này, hệ trục vùng dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng đã bắt đầu “làm việc” ngay sau khi kỳ kinh kết thúc. Xoay quanh rụng trứng có rất nhiều vấn đề phát sinh. Dưới đây là thông tin giải đáp một số thắc mắc xoay quanh hiện tượng này:
1. Có thể rụng nhiều hơn một trứng trong một chu kỳ kinh nguyệt không?
Thông thường, vùng dưới đồi sẽ truyền tín hiệu kích thích tuyến yên sản sinh hormone GnRH. Hormone này thúc đẩy buồng trứng sản xuất nang trứng (tối đa khoảng 20 nang). Trong đó, chỉ có 1 nang trứng trưởng thành vào ngày thứ 10 của chu kỳ và tiếp tục phát triển để chuẩn bị cho quá trình phóng noãn.
Tuy nhiên trên thực tế, vẫn sẽ có một số trường hợp rụng từ 2 – 3 nang trứng. Những trường hợp này có thể mang thai đôi, thai ba nếu quan hệ tình dục vào thời điểm dễ thụ thai. Hiện tượng rụng 2 – 3 nang trứng thường do nồng độ hormone GnRH và LH nội sinh cao. Nhưng đôi khi cũng có thể do tiêm kích trứng trong quá trình thực hiện các phương pháp hỗ trợ sinh sản. Đây cũng là lý do những trường hợp thụ tinh nhân tạo sẽ có khả năng sinh thai đôi, thai ba cao hơn so với bình thường.
2. Có phải ngày rụng trứng là thời điểm duy nhất có thể mang thai?
Ngày rụng trứng là thời điểm có khả năng thụ thai cao. Thụ thai có thể xảy ra nếu quan hệ ngay sau khi trứng rụng và 12 – 24 giờ sau đó. Tuy nhiên, ngày rụng trứng không phải là thời điểm duy nhất có thể mang thai.
Tinh trùng sau khi thâm nhập vào tử cung có thể sống được từ 5 – 6 ngày. Do đó, quan hệ vào 5 – 6 ngày trước khi rụng trứng đều có tỷ lệ thụ thai cao. Đặc biệt, thời gian trước khi rụng trứng 1 – 2 ngày là thời điểm “vàng”. Lúc này, tinh trùng sẽ “chờ sẵn” ở tử cung và tiến hành thụ tinh ngay sau khi nang noãn được giải phóng khỏi buồng trứng.
3. Trứng rụng có đều không?
Về cơ bản, nữ giới sẽ rụng trứng 1 lần trong một chu kỳ và thời điểm rụng trứng là giữa chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, cũng sẽ có những trường hợp rụng trứng không đều do stress, suy nhược cơ thể, thiếu chất dinh dưỡng hoặc do ảnh hưởng của bệnh lý.
Trứng rụng không đều biểu hiện rõ nhất qua dấu hiệu là không có kinh nguyệt kéo dài và vòng kinh thưa. Khi nhận thấy triệu chứng bất thường, bạn nên sắp xếp thời gian để phòng khám/ bệnh viện sớm để được chẩn đoán và điều trị nếu cần thiết.
4. Những yếu tố ảnh hưởng đến hiện tượng rụng trứng
Rụng trứng bị chi phối bởi hệ trục vùng dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng. Hệ trục này tạo ra hormone tùy theo giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt để kích thích rụng trứng và hành kinh. Tất cả những tác động lên hệ trục vùng dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng đều ảnh hưởng đến hiện tượng rụng trứng và thời điểm xảy ra kinh nguyệt.
Rụng trứng có thể xảy ra sớm hoặc muộn hơn do một số yếu tố như căng thẳng quá mức, mất ngủ, suy nhược cơ thể, suy nhược, dinh dưỡng không hợp lý, hút thuốc lá, béo phì, mắc các bệnh nội tiết, sử dụng thuốc trì hoãn kinh nguyệt, tuổi tác,… Do đó, nữ giới có lối sống không lành mạnh thường bị rối loạn kinh nguyệt và khả năng mang thai cũng giảm đi đáng kể so với những người có lối sống khoa học.
Rụng trứng là hiện tượng sinh lý ở nữ giới từ tuổi dậy thì cho đến trước giai đoạn mãn kinh. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ hơn về hiện tượng này và có thể chủ động phát hiện những dấu hiệu bất thường của cơ thể. Để biết chính xác ngày rụng trứng, có thể sử dụng app dự báo hoặc dùng que thử rụng trứng.
Tham khảo thêm: