Thoái Hoá Đốt Sống Cổ Uống Thuốc Gì
Dùng thuốc là phương pháp chính trong quá trình điều trị thoái hóa đốt sống cổ. Sử dụng thuốc đúng cách có thể kiểm soát cơn đau, giảm tình trạng tê bì, cứng cổ và các triệu chứng do chèn ép dây thần kinh. Bài viết sau sẽ giúp bệnh nhân hiểu rõ “Bị thoái hóa đốt sống cổ uống thuốc gì?” và nắm vững các vấn đề cần lưu ý khi sử dụng.
Mục đích sử dụng thuốc trị thoái hóa đốt sống cổ
Thoái hóa đốt sống cổ là bệnh xương khớp khá phổ biến ở người từ 60 tuổi trở lên. Bệnh xảy ra khi thân đốt sống bị suy yếu đi kèm với hiện tượng phình, lồi, thoát vị đĩa đệm hoặc đĩa đệm giảm khả năng đàn hồi. Nguyên nhân gây bệnh đa dạng nhưng thường liên quan đến yếu tố tuổi tác, thói quen sinh hoạt và tính chất công việc.
Tất cả các bệnh xương khớp do thoái hóa nói chung và thoái hóa đốt sống cổ nói riêng đều không thể điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, bệnh có tiến triển chậm nên có thể quản lý bằng cách một số phương pháp.
Trong đó, thuốc được dùng để giảm nhẹ triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Đối với những trường hợp đã bị chèn ép rễ thần kinh, dùng thuốc còn giúp bảo vệ và ngăn ngừa hiện tượng thoái hóa dây thần kinh.
Dù không thể điều trị hoàn toàn nhưng sử dụng thuốc mang đến nhiều lợi ích trong việc kiểm soát bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Chính vì vậy, bệnh nhân thường sẽ được chỉ định thuốc kết hợp với vật lý trị liệu. Trường hợp bệnh nặng đã phát sinh biến chứng sẽ được xem xét can thiệp ngoại khoa.
Mặc dù có hiệu quả giảm đau nhưng lạm dụng thuốc gây ra không ít tác dụng phụ. Do đó, bệnh nhân chỉ nên dùng thuốc khi có chỉ định, đồng thời phải tuân thủ liều lượng và tần suất sử dụng. Bên cạnh đó, nên phối hợp với cách chữa thoái hóa đốt sống cổ tại nhà để tăng hiệu quả và hạn chế tối đa tác dụng ngoại ý.
Bị thoái hóa đốt sống cổ nên uống thuốc gì?
Các loại thuốc được dùng để điều trị thoái hóa đốt sống cổ đều là thuốc giảm triệu chứng. Bác sĩ sẽ ưu tiên các loại thuốc có hoạt tính nhẹ, an toàn và ít tác dụng phụ. Trường hợp không có đáp ứng sẽ được chỉ định thuốc có hoạt tính mạnh hơn hoặc phải dùng kết hợp nhiều nhóm thuốc.
Nếu đang băn khoăn “Bị thoái hóa đốt sống cổ uống thuốc gì?”, bệnh nhân có thể tham khảo thông tin sau để hiểu rõ hơn về các loại thuốc thông dụng:
1. Thuốc giảm đau dùng ngoài
Trường hợp cơn đau có mức độ nhẹ, bệnh nhân có thể dùng các loại thuốc giảm đau dùng ngoài. Ưu điểm của các loại thuốc này là ít tác dụng phụ, phù hợp với nhiều đối tượng và có thể giảm cơn đau có mức độ nhẹ. Thuốc dùng ngoài được bào chế ở nhiều dạng như miếng dán, thuốc xịt hoặc kem bôi.
Thành phần chính của thuốc giảm đau dùng ngoài thường là menthol, methyl salicylate hoặc các hoạt chất kháng viêm không steroid. Mỗi hoạt chất sẽ có tác dụng giảm đau khác nhau nên bệnh nhân cần trao đổi với dược sĩ để được tư vấn loại thuốc phù hợp nhất.
Chống chỉ định thuốc giảm đau dùng ngoài:
- Dị ứng với bất cứ thành phần nào có trong thuốc
- Không dùng lên vùng da có vết thương hở, nhiễm trùng, bị chàm, vảy nến,…
Khi sử dụng thuốc giảm đau dùng ngoài, bệnh nhân có thể kết hợp với một số bài thuốc chữa thoái hóa đốt sống cổ được lưu truyền trong dân gian để tăng hiệu quả.
2. Paracetamol (Acetaminophen)
Paracetamol (Acetaminophen) là thuốc giảm đau không kê toa được sử dụng rất phổ biến. Thuốc có tác dụng hạ sốt và giảm đau nhưng không có tác dụng hạ sốt ở người có thân nhiệt bình thường. Chính vì vậy, bệnh nhân thoái hóa đốt sống cổ có thể dùng Acetaminophen để giảm đau trong trường hợp cơn đau có mức độ nhẹ đến trung bình.
Thuốc có cơ chế làm giảm sinh tổng hợp prostaglandin ở vùng dưới đồi nên có tác dụng giảm đau và chống viêm. Vì chỉ can thiệp vào prostaglandin ở não bộ nên thuốc không có hiệu quả kháng viêm như thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Mặc dù hiệu quả kém hơn nhưng Acetaminophen lại ít tác dụng phụ và phạm vi chỉ định rộng hơn nên được sử dụng rất phổ biến.
Chống chỉ định:
- Dị ứng, quá mẫn với bất cứ thành phần nào trong thuốc
- Tiền sử nghiện rượu
- Có vấn đề về gan, thận và tim mạch
- Thiếu máu nhiều lần
- Thiếu hụt men G6PD
Acetaminophen thường được dùng với liều 500mg/ lần, mỗi liều cách nhau 4 – 6 giờ và tối đa 4g/ ngày. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể dùng liều thấp hơn nếu có đáp ứng. Paracetamol có thể sử dụng mà không cần kê toa. Dù vậy, bệnh nhân chỉ nên dùng từ 5 – 7 ngày trong trường hợp không có toa của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hạn chế tối đa tác dụng phụ.
3. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) là nhóm thuốc điều trị thoái hóa đốt sống cổ được sử dụng phổ biến. Thuốc thường được dùng khi Paracetamol không mang lại hiệu quả. NSAID có tác dụng ức chế COX 1 và 2 dẫn đến giảm sinh tổng hợp prostaglandin tại tất cả các cơ quan trong cơ thể. Vì vậy, NSAID có hiệu quả giảm đau và chống viêm thay vì chỉ giảm đau như Paracetamol.
Thuốc chống viêm không steroid mang lại tác dụng rõ rệt nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ. Do đó, bệnh nhân cần phải trao đổi kỹ lưỡng với dược sĩ/ bác sĩ trước khi dùng. Ngoài ra, nên chú ý dùng thuốc sau khi ăn no để giảm kích thích lên đường tiêu hóa và hạn chế tình trạng đau dạ dày.
Các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) thông dụng bao gồm Aspirin, Ibuprofen, Naproxen, Diclofenac, Piroxicam, Meloxicam,… Nếu cơn đau không quá nghiêm trọng, bệnh nhân có thể dùng NSAID dạng bôi ngoài để hạn chế tác dụng phụ.
Chống chỉ định:
- Dị ứng với bất cứ thành phần nào trong thuốc
- Tiền sử nổi mề đay, phát ban, hen suyễn khi dùng NSAID
- Tiền sử xuất huyết dạ dày hoặc đang bị loét dạ dày tá tràng tiến triển
- Rối loạn đông máu hoặc mắc các bệnh lý khác gây chảy máu kéo dài
- Suy gan, suy thận
- Phụ nữ mang thai và người đang cho con bú
Tác dụng phụ thường gặp khi dùng NSAID là đau dạ dày, phát ban và gia tăng các biến cố tim mạch (đặc biệt là ở người cao tuổi, sử dụng thuốc lá, rượu bia,…).
4. Corticoid
Corticoid được sử dụng khi các loại thuốc trên không mang lại hiệu quả và vùng đốt sống cổ bị sưng viêm nặng do gai cột sống ma sát với dây chằng, mô mềm và các cơ quan xung quanh.
Corticoid có hiệu quả chống viêm, giảm đau tốt nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro nên chỉ được sử dụng trong những trường hợp cần thiết như thoái hóa đi kèm với thoát vị đĩa đệm, hẹp cột sống, trượt đốt sống,… Đối với bệnh thoái hóa đốt sống cổ, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm Corticoid ngoài màng cứng để giảm đau và kháng viêm.
Chống chỉ định:
- Nhiễm khuẩn ngoài da ở vùng đốt sống cổ
- Thận trọng với bệnh nhân nhiễm HIV, nhiễm nấm, cao huyết áp, tiền sử tiểu đường, phụ nữ đang trong thời kỳ hành kinh,…
Tiêm Corticoid ngoài màng cứng chỉ có thể giảm triệu chứng, không thể cải thiện đĩa đệm và thân đốt sống bị tổn thương. Chính vì vậy, bệnh nhân không nên lạm dụng loại thuốc này. Ngoài ra, nên chú ý các biểu hiện bất thường sau khi tiêm để kịp thời thông báo với bác sĩ trong trường hợp cần thiết.
5. Thuốc giãn cơ
Thuốc giãn cơ thường được sử dụng để điều trị triệu chứng đau do nhiều bệnh lý khác nhau như căng cơ, đau vai gáy, đau dây thần kinh liên sườn và các bệnh lý cột sống. Thoái hóa đốt sống cổ kéo dài sẽ dẫn đến hình thành gai xương, sau đó gây chèn ép dây thần kinh khiến cho các cơ bị co cứng hoặc co thắt quá mức. Tình trạng này dẫn đến hiện tượng đau nhức và ê mỏi.
Để giảm các triệu chứng khó chịu, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng một số loại thuốc giãn cơ. Trong trường hợp này, thuốc giãn cơ được dùng phổ biến nhất là Cyclobenzaprine và Tizanidine. Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách ngăn chặn các xung thần kinh được gửi đến não bộ, qua đó giúp giảm đau và các triệu chứng đi kèm.
Chống chỉ định:
- Dị ứng, quá mẫn với bất cứ thành phần nào trong thuốc
- Đang hoặc đã sử dụng thuốc ức chế monoamine oxidase (MAO) trong vòng 14 ngày
- Giai đoạn phục hồi sau nhồi máu cơ tim
- Suy tim sung huyết
- Rối loạn dẫn truyền
- Block tim
- Loạn nhịp tim
Thuốc giãn cơ thường sẽ được dùng ngắn hạn (dưới 3 tuần) để đảm bảo an toàn. Các tác dụng phụ có thể gặp phải bao gồm khô miệng, buồn ngủ, phát ban, đau dạ dày, co giật,…
6. Thuốc giảm đau thần kinh
Thuốc giảm đau thần kinh được sử dụng trong trường hợp gai cột sống cổ chèn ép lên dây thần kinh gây ra cơn đau dai dẳng và mãn tính. Nhóm thuốc này có tác dụng trung ương nên tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Vì vậy, chỉ dùng thuốc giảm đau thần kinh khi có chỉ định của bác sĩ.
Cơ chế giảm đau của thuốc được biết đến thông qua cơ chế phong tỏa kênh canxi. Nhóm thuốc này giúp giảm đau mãn tính, dai dẳng do các bệnh lý cột sống và tổn thương thần kinh ngoại biên ở bệnh nhân tiểu đường.
Chống chỉ định:
- Dị ứng với bất cứ thành phần nào trong thuốc
- Thận trọng với người có tiền sử rối loạn tâm thần, suy giảm chức năng thẩm phân máu, suy giảm chức năng thận
Thuốc giảm đau thần kinh có cơ chế trung ương nên không được dùng dừng đột ngột vì nguy cơ gây co giật. Nếu sử dụng thuốc, bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ. Để giảm nguy cơ co giật, cần dừng thuốc từ từ trong ít nhất 1 tuần trước khi ngưng hẳn.
7. Vitamin nhóm B
Vitamin nhóm B thường được sử dụng để điều trị các bệnh lý thần kinh và cột sống. Các bệnh lý cột sống mãn tính có thể gây chèn ép, làm tổn thương và thoái hóa dây thần kinh. Chính vì vậy, trường hợp mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ sẽ được chỉ định dùng vitamin nhóm B bên cạnh các loại thuốc làm giảm triệu chứng.
Vitamin nhóm B có vai trò quan trọng trong việc phục hồi, tái tạo các tế bào thần kinh và ngăn ngừa hiện tượng thoái hóa. Bên cạnh đó, nhóm vitamin này còn giúp củng cố cơ bắp và thúc đẩy quá trình sản xuất hồng cầu.
Trong quá trình điều trị thoái hóa đốt sống cổ, vitamin nhóm B sẽ được sử dụng với liều cao. Do đó, để đảm bảo an toàn, bệnh nhân chỉ nên dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Không giống với các loại vitamin khác, tự ý dùng vitamin B có thể gây ra không ít tác dụng phụ.
Lưu ý khi dùng thuốc điều trị thoái hóa đốt sống cổ
Các loại thuốc điều trị thoái hóa đốt sống cổ có thể kiểm soát cơn đau, tình trạng tê bì, cứng cổ và một số triệu chứng đi kèm khác. Bên cạnh những lợi ích mang lại, dùng thuốc cũng tiềm ẩn không ít rủi ro và tác dụng phụ. Chính vì vậy trước khi sử dụng, bệnh nhân nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Không tùy tiện dùng thuốc khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
- Nếu không có toa của bác sĩ, chỉ dùng thuốc trong 5 – 7 ngày và tối đa 10 ngày. Trong trường hợp cơn đau không thuyên giảm sau 5 ngày, nên đến ngay bệnh viện để được kiểm tra và tư vấn các phương pháp điều trị chuyên sâu.
- Thuốc có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng ở bệnh nhân có các vấn đề sức khỏe đặc biệt. Do đó, bệnh nhân nên thông báo với bác sĩ/ dược sĩ tình trạng sức khỏe, tiền sử dị ứng và lịch sử dùng thuốc trong vòng 14 ngày để hạn chế tác dụng phụ trong quá trình điều trị.
- Nếu có ý định dùng các bài thuốc dân gian hoặc Đông y chữa thoái hóa đốt sống cổ, nên áp dụng bài thuốc dùng ngoài để tránh hiện tượng tương tác với tân dược. Trong trường hợp có ý định dùng thuốc uống, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ để hạn chế rủi ro và đảm bảo hiệu quả điều trị.
- Không dùng rượu bia và hút thuốc lá trong thời gian dùng thuốc.
- Sử dụng thuốc chỉ giúp giảm nhẹ triệu chứng, không thể cải thiện khả năng vận động hay làm chậm quá trình thoái hóa. Do đó, bệnh nhân nên kết hợp với chế độ tập luyện khoa học và điều chỉnh những thói quen xấu.
Hy vọng qua bài viết trên, bệnh nhân đã hiểu hơn về vấn đề “Bị thoái hóa đốt sống cổ nên uống thuốc gì?” và có thêm kinh nghiệm thực tế khi sử dụng. Như đã đề cập, dùng thuốc chỉ là một phần của kế hoạch điều trị. Do đó, bệnh nhân không nên lạm dụng quá mức mà cần kết hợp thêm với các biện pháp chăm sóc để cải thiện bệnh hiệu quả.
Tham khảo thêm: