Đau Dây Thần Kinh Hông To

Tác giả: Cập nhật: 9:16 am , 28/06/2024

Đau dây thần kinh hông to là tình trạng cơn đau xuất hiện ở vùng thắt lưng, sau đó lan dần xuống chi dưới do dây thần kinh hông to bị nhiễm trùng, chấn thương hoặc chèn ép. Nguyên nhân gây bệnh rất đa dạng nhưng hơn 90% trường hợp có liên quan đến thoát vị đĩa đệm.

bệnh đau dây thần kinh hông to
Đau dây thần kinh hông to là tình trạng cơn đau khởi phát ở vùng thắt lưng do dây thần kinh bị chèn ép, viêm hoặc chấn thương

Đau dây thần kinh hông to là bệnh gì?

Đau dây thần kinh hông to là tên gọi khác của bệnh đau dây thần kinh tọa. Đây là một trong những bệnh thần kinh thường gặp bên cạnh đau dây thần kinh liên sườn. Dây thần kinh hông to là dây thần kinh lớn nhất cơ thể, mỗi người sẽ có 2 dây thần kinh hông to bắt nguồn từ rễ thắt lưng L5 và rễ cùng S1, sau đó chạy dọc xuống hông, đùi, bắp chân và bàn chân.

Đau dây thần kinh hông to là tình trạng cơn đau xuất hiện ở vùng thắt lưng, sau đó lan xuống đùi, bắp chân và bàn chân do dây thần kinh hông to bị viêm, chấn thương hoặc chèn ép. Nguyên nhân gây bệnh rất đa dạng nhưng thường có liên quan đến các bệnh lý cột sống.

Theo thống kê, đau dây thần kinh hông to gặp chủ yếu ở nam giới trong độ tuổi từ 30 – 50 tuổi. Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh lý này có thể dẫn đến nhiều biến chứng như teo cơ, liệt, hội chứng đuôi ngựa,… Thăm khám sớm là biện pháp hiệu quả giúp ngăn ngừa biến chứng, đồng thời có thể rút ngắn thời gian điều trị và tiết kiệm chi phí đáng kể.

Nhận biết đau dây thần kinh hông to

Không giống với cơn đau do các bệnh viêm khớp, cơn đau do bệnh đau thần kinh hông to có đặc điểm khác biệt và biểu hiện lâm sàng có sự khác nhau tùy vào nguyên nhân cụ thể.

bệnh học đau dây thần kinh hông to
Đau dây thần kinh hông to đặc trưng bởi cơn đau xuất hiện ở thắt lưng, sau đó lan xuống mặt ngoài của chi dưới và di chuyển xuống ngón chân

Các dấu hiệu nhận biết đau dây thần kinh hông to:

  • Cơn đau bắt nguồn từ vùng thắt lưng, sau đó chạy dọc xuống mặt ngoài của đùi, cẳng chân, sau đó lan xuống mắt cá chân rồi di chuyển đến ngón chân cái.
  • Tuy nhiên, cũng có những trường hợp cơn đau bắt nguồn từ thắt lưng, sau đó di chuyển xuống mặt ngoài của đùi, đi qua mắt cá chân rồi di chuyển xuống ngón chân út.
  • Thông thường, đau thần kinh hông to sẽ xảy ra một bên nhưng cũng có những trường hợp xuất hiện ở cả hai bên. Một số trường hợp xuất hiện cơn đau ở bên phải, sau đó chuyển sang đau bên trái hoặc ngược lại.
  • Cơn đau thường thuyên giảm khi nghỉ ngơi và tăng lên khi lao động nặng, gắng sức, ho, hắt hơi hoặc khi thay đổi tư thế đột ngột.
  • Ngoài cơn đau, hiện tượng tổn thương, viêm và chèn ép dây thần kinh hông to cũng gây ra một số rối loạn cảm giác như ngứa ran, rát bỏng, tê bì và đôi khi có cảm giác đau nhói như điện giật.
  • Cường độ đau thay đổi, khi thì âm ỉ khi thì đau dữ dội và đôi khi biến mất hoàn toàn trong một khoảng thời gian.
  • Sau một thời gian bệnh tiến triển, chi dưới sẽ xuất hiện tình trạng yếu cơ và giảm khả năng vận động.

Nhìn chung, đau dây thần kinh hông to có đặc điểm khác hẳn so với cơn đau do các bệnh cơ xương khớp khác. Nếu chú ý, bệnh nhân hoàn toàn có thể phát hiện bệnh trong giai đoạn sớm và thăm khám, điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây đau dây thần kinh hông to

Có rất nhiều nguyên nhân gây đau dây thần kinh hông to. Nguyên nhân được chia thành 2 nhóm bao gồm nguyên nhân toàn thân và nguyên nhân tại chỗ.

1. Nguyên nhân toàn thân

Nguyên nhân toàn thân đề cập đến các bệnh lý toàn thân có thể gây tổn thương dây thần kinh hông to dẫn đến sự xuất hiện của cơn đau ở vùng thắt lưng, sau đó lan xuống bờ ngoài của hông, bắp đùi và chân. Nhóm nguyên nhân này tương đối ít gặp và thường do các bệnh lý sau đây:

  • Sốt rét
  • Thương hàn
  • Cúm
  • Lậu
  • Giang mai giai đoạn III

2. Nguyên nhân tại chỗ

Nguyên nhân tại chỗ gặp ở 98% trường hợp bị đau dây thần kinh hông to. Trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất là bệnh thoát vị đĩa đệm và một số bệnh lý ở cột sống.

điều trị đau dây thần kinh hông to
Thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh đau dây thần kinh hông to

Các nguyên nhân tại chỗ có thể gây ra bệnh đau dây thần kinh hông to:

  • Thoát vị đĩa đệm: Thoát vị đĩa đệm thắt lưng là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau dây thần kinh hông to. Đĩa đệm là cơ quan nằm giữa các đốt sống với chức năng giảm xóc và giúp cột sống dễ dàng uốn cong. Hiện tượng thoát vị khiến cho đĩa đệm phình, thoát vị ra bên ngoài gây chèn ép lên dây thần kinh hông to ở vị trí L5-S1.
  • Lao cột sống: Lao cột sống cũng có thể là nguyên nhân gây đau dây thần kinh hông to. Vi khuẩn lao sẽ xâm nhập vào bên trong cột sống gây mủ áp xe, làm mất canxi và hẹp đĩa liên đốt. Hậu quả là đốt sống gây chèn ép, đè nén lên dây thần kinh hông to. Nếu do nguyên nhân này, bệnh nhân thường gặp phải tình trạng sút cân, mệt mỏi và sốt.
  • Trượt cột sống: Trượt cột sống là tình trạng thường gặp ở người trung niên, cao tuổi do thói quen ngồi nhiều hoặc làm các công việc như tài xế, thợ hồ và những công việc thường xuyên phải mang vác nặng. Trượt cột sống ở vùng thắt lưng có thể gây chèn ép dây thần kinh hông to, từ đó tạo ra cơn đau ở vùng đốt sống L5-S1, cơn đau lan dần xuống đùi, bắp chân và bàn chân.
  • Thoái hóa cột sống thắt lưng cùng: Thoái hóa cột sống thắt lưng cùng là tình trạng đốt sống cuối cùng bị thoái hóa. Bệnh lý này đặc trưng bởi tình trạng cả đốt sống, đĩa đệm và các cơ quan xung quanh bị thoái hóa, đồng thời phát triển các xương (gai) trên đốt của cột sống. Thoái hóa cột sống thắt lưng cùng gây chèn ép và làm tổn thương dây thần kinh hông to, từ đó gây đau nhức, tê bì và khó chịu.
  • Chấn thương: Chấn thương cũng có thể là nguyên nhân gây đau dây thần kinh tọa. Tác động vật lý mạnh vào vùng thắt lưng có thể gây tổn thương dây thần kinh trực tiếp hoặc cũng có thể gây thoát vị đĩa đệm, từ đó gián tiếp làm chèn ép dây thần kinh hông to.
  • Viêm cột sống dính khớp: Viêm cột sống dính khớp là bệnh viêm khớp mãn tính chưa rõ nguyên nhân. Bệnh thường gặp ở nữ giới với biểu hiện thường gặp là đau lưng, cơn đau nặng dần về đêm và giảm khi vận động. Viêm cột sống dính khớp có thể là nguyên nhân gây chèn ép dây thần kinh hông to dẫn đến việc phát sinh cơn đau ở vùng thắt lưng và chi dưới.
  • Nhiễm trùng cột sống: Ngoài lao cột sống, các dạng nhiễm trùng cột sống do tụ cầu cũng có thể gây đau dây thần kinh hông to. Trong trường hợp này, dây thần kinh sẽ bị viêm nhiễm nên triệu chứng sẽ khởi phát đột ngột và rõ ràng. Tuy nhiên, đa phần những trường hợp nhiễm trùng cột sống đều có đáp ứng tốt nếu được thăm khám và điều trị đúng cách.
  • U nguyên phát, u di căn: Các khối u ở vùng thắt lưng như u đốt sống, u màng tủy hoặc các u di căn như đa u tủy xương, u lympho,… cũng có thể chèn ép dây thần kinh hông to dẫn đến cơn đau dai dẳng, mức độ đau âm ỉ hoặc dữ dội.
  • Các bệnh lý khác: Ngoài những nguyên nhân trên, đau dây thần kinh hông to còn có liên quan đến một số bệnh lý khác như bệnh Paget, viêm màng nhện vùng thắt lưng, hẹp ống sống thắt lưng,…

3. Các yếu tố nguy cơ

Nguy cơ bị đau dây thần kinh hông to có thể tăng lên khi có những yếu tố nguy cơ như:

điều trị đau dây thần kinh hông to
Thừa cân, béo phì là yếu tố gia tăng nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, đau dây thần kinh hông to,…
  • Thừa cân, béo phì: Thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ gia tăng hầu hết các bệnh cơ xương khớp, đặc biệt là các vấn đề ở vùng thắt lưng. Trọng lượng cơ thể quá cao sẽ gây chèn ép đĩa đệm, đốt sống và dây thần kinh hông to. Ngoài ra, béo phì cũng làm nghiêm trọng mức độ cơn đau và khiến bệnh tiến triển theo chiều hướng tiêu cực.
  • Tư thế xấu: Ngồi quá nhiều, ít vận động, mang vác vật nặng không đúng tư thế,… đều làm tăng áp lực lên đốt sống L5-S1 khiến cho đĩa đệm bị thoát vị, tăng nguy cơ thoái hóa đốt sống và chèn ép dây thần kinh hông to. Ở một số trường hợp, tư thế xấu còn gây lệch, vẹo cột sống.
  • Tuổi tác cao: Tuổi tác cao đồng nghĩa với việc các cơ quan trong cơ thể phải đối mặt với hiện tượng thoái hóa. Chính vì vậy, người trung niên và cao tuổi sẽ có nguy cơ bị đau dây thần kinh hông to cao hơn so với người trẻ.
  • Một số yếu tố khác: Bệnh đau dây thần kinh hông to cũng có thể liên quan đến một số yếu tố khác như tính chất công việc phải ngồi nhiều, thường xuyên sử dụng rượu bia, hút thuốc lá, mắc bệnh tiểu đường hoặc các bệnh lý có thể gây tổn thương dây thần kinh.

Đau dây thần kinh hông to có nguy hiểm không?

Dây thần kinh hông to là dây thần kinh lớn nhất giữ vai trò quan trọng. Tình trạng viêm, chèn ép và tổn thương dây thần kinh này kéo dài sẽ gây ra nhiều biến chứng nếu không được điều trị đúng cách. Ban đầu, bệnh nhân sẽ gặp khó khăn khi cúi người, xoay người, đi lại chậm chạp và gặp phải các vấn đề về giấc ngủ. Cơn đau kéo dài và mãn tính còn gia tăng mức độ căng thẳng, lo âu và làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống.

Nếu để lâu dài, dây thần kinh bị chèn ép sẽ gặp phải tình trạng thoái hóa và suy giảm chức năng. Bên cạnh đó, các cơ dọc theo đường đi của dây thần kinh này cũng sẽ có hiện tượng teo và suy yếu. Trường hợp nặng nhất có thể mắc phải hội chứng chùm đuôi ngựa với các triệu chứng nặng nề như đau dữ dội vùng thắt lưng, mất cảm giác, yếu cơ, tiểu tiện, đại tiện không tự chủ và liệt hoàn toàn.

Tuy nhiên, bệnh nhân không nên quá lo lắng khi gặp phải tình trạng đau dây thần kinh hông to. Nếu được chăm sóc và điều trị tích cực, đa phần đều có đáp ứng tốt và bảo toàn được chức năng vận động. Đối với những trường hợp đau dây thần kinh hông to do ảnh hưởng của các bệnh cột sống mãn tính, điều trị cần được thực hiện lâu dài để phòng tránh biến chứng và di chứng nguy hiểm.

Chẩn đoán đau dây thần kinh hông to

Nếu nghi ngờ bị đau dây thần kinh hông to, bệnh nhân nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp để thực hiện một số kỹ thuật chẩn đoán. Chẩn đoán bệnh tương đối đơn giản và hầu hết đều có xác định thông qua biểu hiện lâm sàng. Tuy nhiên, bác sĩ cần phải xác định được căn nguyên để có biện pháp điều trị hiệu quả nhất.

đau dây thần kinh hông to
Chẩn đoán đau dây thần kinh hông to bao gồm khám lâm sàng, chụp X-quang, MRI, CT,…

Các kỹ thuật chẩn đoán bệnh đau dây thần kinh hông to:

  • Hỏi bệnh, khám lâm sàng
  • Chụp X quang vùng thắt lưng
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT)
  • Chụp nhuộm rễ thần kinh
  • Xét nghiệm công thức máu, nước tiểu,…
  • Điện cơ đồ

Thông qua các kỹ thuật chẩn đoán, bác sĩ có thể xác định được bệnh đau dây thần kinh hông to và nguyên nhân gây bệnh. Ngoài ra, chẩn đoán còn giúp đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh lý này.

Các phương pháp điều trị đau dây thần kinh hông to

Mục tiêu của điều trị đau dây thần kinh hông to là giảm cơn đau và các triệu chứng đi kèm, đồng thời cải thiện chức năng vận động và phòng ngừa biến chứng. Tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị và chăm sóc phù hợp.

Các phương pháp điều trị được áp dụng cho bệnh nhân đau dây thần kinh hông to:

1. Các biện pháp chăm sóc

Các biện pháp chăm sóc giúp giảm bớt áp lực và giải phóng dây thần kinh hông to bị chèn ép. Bệnh nhân sẽ được bác sĩ hướng dẫn cụ thể các biện pháp chăm sóc để đảm bảo quá trình điều trị mang lại kết quả tốt nhất.

Các biện pháp chăm sóc giúp cải thiện đau dây thần kinh hông to:

  • Nên nằm giường cứng để ổn định cấu trúc cột sống. Tránh nằm võng vì thói quen này sẽ làm tăng mức độ chèn ép của đĩa đệm và cột sống lên dây thần kinh hông to.
  • Đối với trường hợp nặng, phải nghỉ ngơi tuyệt đối và tránh lao động trong thời gian điều trị.
  • Trường hợp cơn đau âm ỉ vẫn có thể làm những công việc nhẹ nhàng. Tuy nhiên, phải ngồi đúng tư thế và đi lại sau 1 – 2 giờ làm việc, tránh ngồi lâu khiến dây thần kinh bị chèn ép.
  • Hạn chế những thói quen làm tăng mức độ đau như cúi gập người, xoay người đột ngột, mang vác vật nặng,…
  • Trường hợp thừa cân, béo phì nên điều chỉnh chế độ ăn để giảm mức độ chèn ép lên dây thần kinh. Qua đó có thể cải thiện cơn đau và các triệu chứng đi kèm.
  • Thay đổi những thói quen ảnh hưởng xấu đến tiến triển của bệnh như hút thuốc lá, sử dụng rượu bia,…

2. Sử dụng thuốc

Đau dây thần kinh hông to thường gây đau dai dẳng, mức độ đau âm ỉ đến dữ dội đi kèm với rối loạn cảm giác. Để cải thiện các triệu chứng này, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng một số loại thuốc. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ chỉ định dùng thuốc tái tạo, phục hồi dây thần kinh để phòng ngừa tình trạng cơ quan này bị thoái hóa và giảm chức năng dẫn truyền thần kinh.

điều trị đau dây thần kinh hông to
Bệnh nhân sẽ được chỉ định loại thuốc phù hợp để giảm triệu chứng và cải thiện nguyên nhân gây bệnh

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị đau dây thần kinh hông to:

  • Các loại thuốc giảm đau: Thường dùng nhất là thuốc giảm đau thông thường Paracetamol (Acetaminophen) hoặc thuốc chống viêm không steroid. Trường hợp đau nhiều sẽ được chỉ định dùng Paracetamol kết hợp với các loại thuốc giảm đau gây nghiện hoạt tính nhẹ như Tramadol.
  • Thuốc chống viêm corticoid: Trường hợp đau nhiều và vùng thắt lưng bị viêm, bác sĩ có thể chỉ định tiêm corticoid ở trong màng cứng.
  • Thuốc phong bế rễ thần kinh: Thuốc phong bế rễ thần kinh như Novocain thường được dùng với vitamin B12. Thuốc được tiêm ngoài màng cứng nhằm gây tê vùng thắt lưng, qua đó giảm cơn đau và các rối loạn cảm giác do đau dây thần kinh hông to gây ra.
  • Thuốc giãn cơ: Thuốc giãn cơ cũng có thể được sử dụng để giảm cơn đau và một số triệu chứng do bệnh đau dây thần kinh hông to gây ra. Hai loại thuốc được dùng thông dụng nhất là Tolperisone và Eperisone.
  • Thuốc chống co giật, thuốc chống trầm cảm: Đối với những trường hợp đau mãn tính và bệnh nhân có biểu hiện căng thẳng, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc chống co giật (Gabapentin) hoặc thuốc chống trầm cảm (Amitryptilin). Bên cạnh tác dụng giảm đau, nhóm thuốc này còn giúp cải thiện tình trạng căng thẳng, lo âu ở một số bệnh nhân.
  • Kháng sinh: Kháng sinh được sử dụng trong trường hợp đau dây thần kinh hông to xảy ra do nhiễm trùng. Tùy vào tác nhân cụ thể, bác sĩ sẽ lên kháng sinh đồ phù hợp. Kháng sinh cần được sử dụng cẩn trọng để tránh nguy cơ kháng thuốc và hạn chế tối đa tác dụng phụ.
  • Các nhóm thuốc khác: Ngoài các loại thuốc kể trên, bệnh nhân đau dây thần kinh hông to cũng sẽ được chỉ định dùng một số loại thuốc khác như vitamin nhóm B, thuốc tăng tái tạo bao myelin và thuốc tăng dẫn truyền thần kinh. Các loại thuốc này được sử dụng với mục đích bảo vệ dây thần kinh hông to.

Ngoài thuốc Tây, bệnh nhân có thể dùng các bài thuốc Đông y để cải thiện bệnh đau dây thần kinh hông to. Tuy nhiên, nên lựa chọn bệnh viện hoặc phòng khám Đông y uy tín để đảm bảo hiệu quả. Để hạn chế nguy cơ lạm dụng thuốc, bệnh nhân có thể kết hợp thêm với một số cách chữa đau thần kinh tọa tại nhà.

3. Vật lý trị liệu

Bên cạnh sử dụng thuốc, bệnh nhân cần thực hiện các biện pháp vật lý trị liệu để hỗ trợ giảm cơn đau, giải phóng áp lực lên dây thần kinh hông to và cải thiện khả năng vận động. Đặc biệt, các bài tập phục hồi chức năng mang lại hiệu quả cao và giúp ích rất nhiều trong việc phòng ngừa biến chứng của bệnh.

điều trị đau dây thần kinh hông to
Các bài tập phục hồi chức năng mang lại hiệu quả cao trong điều trị đau dây thần kinh hông to

Các kỹ thuật vật lý trị liệu được áp dụng cho bệnh nhân đau dây thần kinh hông to:

  • Kéo giãn cột sống
  • Thực hiện các bài tập phục hồi chức năng
  • Giảm đau bằng các phương pháp như sử dụng sóng ngắn, tia hồng ngoại, đắp sáp nến,…
  • Châm cứu, xoa bóp

4. Điều trị ngoại khoa

Trong trường hợp điều trị nội khoa không mang lại kết quả, bác sĩ sẽ cân nhắc một số phương pháp ngoại khoa. Các phương pháp có thể được áp dụng bao gồm:

  • Tiêu nhân đĩa đệm bằng thuốc Hexatrione hoặc Iniprol
  • Phẫu thuật lấy nhân đĩa đệm
  • Phẫu thuật cắt gai cột sống
  • Phẫu thuật cắt cung sau cột sống
  • Nẹp vít cột sống trong trường hợp trượt đốt sống

Phẫu thuật thường sẽ được chỉ định khi tiêu nhân không mang lại hiệu quả, cơn đau nặng, đau dữ dội không có đáp ứng với thuốc hoặc đã gặp phải biến chứng hội chứng chùm đuôi ngựa.

Phòng ngừa đau dây thần kinh hông to

Bệnh đau dây thần kinh hông to ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nói chung và khả năng vận động nói riêng. Vì vậy, cần chủ động bảo vệ sức khỏe bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa như sau:

điều trị đau dây thần kinh hông to
Tập thể dục thường xuyên giúp phòng ngừa các bệnh cơ xương khớp nói chung và đau dây thần kinh hông to nói riêng
  • Những bệnh nhân bị thoái hóa cột sống thắt lưng, viêm cột sống dính khớp, thoát vị đĩa đệm, dị dạng cột sống,… cần tích cực điều trị và chăm sóc đúng cách để hạn chế nguy cơ chèn ép lên dây thần kinh hông to.
  • Điều trị dứt điểm các bệnh viêm nhiễm để tránh vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng cột sống, dây thần kinh hông to cùng với các cơ quan lân cận.
  • Thay đổi tư thế xấu, tránh mang vác nặng, hạn chế ngồi nhiều và cần tập thể dục thường xuyên.
  • Với những người làm các công việc gây hại cho thắt lưng như thợ hồ, tài xế,… nên thực hiện các biện pháp bảo hộ lao động và khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường.
  • Tránh thừa cân – béo phì là cách phòng ngừa đau dây thần kinh hông to hiệu quả. Ngoài ra, duy trì cân nặng ở mức ổn định cũng giúp giảm nguy cơ bị rối loạn lipid máu, tiểu đường, cao huyết áp,…
  • Xây dựng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để bảo vệ sức khỏe và giảm nguy cơ mắc bệnh.

Đau dây thần kinh hông to là một trong những bệnh thần kinh thường gặp. Bệnh gây ra nhiều biến chứng nặng nề nhưng vẫn có thể ngăn chặn nếu thăm khám và điều trị sớm. Bên cạnh đó, bệnh nhân bị đau thần kinh hông to do các bệnh xương khớp mãn tính nên có chế độ chăm sóc đặc biệt để quản lý bệnh tốt hơn.

Tham khảo thêm:

Đánh giá bài viết
Chuyên khoa
Bệnh học tham khảo

Bài viết liên quan