Thoái Hóa Đốt Sống Cổ Có Nguy Hiểm Không?
Thoái hóa đốt sống cổ có nguy hiểm không là thắc mắc của rất nhiều người. Bởi đây là bệnh lý xương khớp xảy ra tương đối phổ biến, mặc dù có tiến triển chậm nhưng lại gây ra nhiều triệu chứng khó chịu. Nắm rõ được mức độ nguy hiểm của bệnh sẽ giúp người bệnh chủ động hơn trong việc phát hiện, điều trị cũng như phòng ngừa.
Thoái hóa đốt sống cổ có nguy hiểm không?
Bệnh thoái hóa đốt sống cổ xảy ra khi các sụn bảo vệ khớp bị phá hủy khiến cho cột sống không còn chuyển động trơn tru, cuối cùng gây ra tình trạng sưng và đau cổ. Đây là bệnh lý xương khớp phổ biến ở người cao tuổi khi cơ thể lão hóa tự nhiên. Tuy nhiên một số yếu tố khác như chấn thương, di truyền, tính chất nghề nghiệp, béo phì,… cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Thoái hóa đốt sống cổ là căn bệnh có liên quan tới quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Cho đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn tình trạng này. Do đó rất nhiều người thắc mắc “Bệnh thoái hóa đốt sống cổ có nguy hiểm không?”. Bởi hơn hết, việc hình dung rõ mức độ nguy hiểm sẽ giúp mọi người chủ động hơn trong điều trị cũng như phòng ngừa.
Theo đánh giá của các chuyên gia xương khớp thì bệnh thoái hóa đốt sống cổ có mức độ ảnh hưởng và nguy hiểm hơn so với thoái hóa đốt sống thắt lưng. Mặc dù bệnh tiến triển chậm nhưng nếu không được kiểm soát thì các biến chứng rất dễ xảy ra.
Để hình dung rõ hơn bệnh thoái hóa đốt sống cổ có nguy hiểm hay không thì bạn cần hiểu về các biến chứng tiềm ẩn của bệnh. Bao gồm:
1. Thoát vị đĩa đệm
Thoái hóa đốt sống cổ trong giai đoạn tiến triển nếu không được kiểm soát có thể làm tăng nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm. Đây được cho là biến chứng nghiêm trọng, góp phần gây teo cơ, đau mãn tính, liệt chi trên và khiến bệnh nhân mất khả năng vận động.
Đĩa đệm là phần nằm ở giữa hai đốt sống. Chúng có tác dụng hấp thụ lực cũng như làm giảm áp lực lên cột sống khi vận động. Ngoài ra, đĩa đệm còn giúp làm giảm lực ma sát và tăng mức độ linh hoạt cho cột sống.
Đốt sống cổ bị thoái hóa sẽ khiến cho cấu trúc xương không ổn định. Điều này khiến đĩa đệm bị ảnh hưởng, giảm chức năng và thậm chí là dẫn tới nhân nhầy thoát vị. Từ đó gây chèn ép dây thần kinh, mạch máu và tủy sống.
2. Gai đốt sống cổ
Gai đốt sống cổ cũng là biến chứng thường gặp của bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Tình trạng thoái hóa sẽ khiến cho đốt sống cổ cùng với lớp sụn bị mài mòn. Điều này có thể khiến xương dưới sụn bị biến đổi hình dạng, hơn nữa còn tạo ra khoảng trống bất thường giữa đốt sống.
Lúc này, cơ thể sẽ có xu hướng thúc đẩy các tế bào xương phát triển nhằm lấp đầy khoảng trống và hình thành gai xương. Kích thước gai xương sẽ ngày càng phát triển theo thời gian. Từ đó gây chèn ép vào hệ thống mô mềm, dân thần kinh và mạch máu. Điều này sẽ gây đau nhức và khiến cho khả năng vận động của người bệnh bị hạn chế.
3. Chèn ép rễ thần kinh
Khu vực cột sống cổ có rất nhiều dây thần kinh quan trọng đi qua. Trong đó có các rễ thần kinh chi phối vận động của chi cũng như một số cơ quan quan trọng khác. Thoái hóa đốt sống cổ có thể gây chèn ép rễ thần kinh và khiến cho khả năng vận động của người bệnh bị hạn chế.
Ngoài ra, sự chèn ép rễ thần kinh còn khiến cho bệnh nhân bị đau nhức nghiêm trọng tại vùng cổ vai gáy và lan xuống cánh tay. Từ đó khiến bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn trong việc cử động hoặc thực hiện các hoạt động sinh hoạt hằng ngày.
4. Chứng hẹp ống sống
Thoái hóa đốt sống cổ có thể sẽ khiến cho cấu trúc xương bị thay đổi, thậm chí là hình thành gai xương như đã đề cập. Từ đó gây cản trở lên khoảng trống ở xung quanh tủy sống. Không gian tủy sống bị thu hẹp còn được gọi là chứng hẹp ống sống rất nguy hiểm.
Chứng hẹp ống sống thường gây ra các triệu chứng như tê bì và yếu liệt. Cảm giác tê có thể bắt đầu ở vùng vai gáy sau đó lan xuống hai tay. Nhiều người còn bị đau mỏi, khó chịu ở cổ và bị đau đầu.
Chứng hẹp ống sống còn gây cản trở quá trình lưu thông máu, hệ quả là người bệnh bị thiếu máu não. Hơn nữa nhiều trường hợp còn bị rối loạn tiền đình (bộ phần nằm ở phía sau ốc tai có nhiệm vụ làm duy trì sự cân bằng các hoạt động của cơ thể).
5. Liệt hai tay hoặc bại liệt nửa người
Như đã đề cập, thoái hóa đốt sống cổ có thể gây chèn ép dây thần kinh. Điều này sẽ khiến cho người bệnh có cảm giác khó chịu, tê bì và châm chích ở hai bên cánh tay, lan xuống bàn và các ngón tay.
Đối với các trường hợp nặng hơn thì có thể gây ra yếu cơ và dị cảm. Tình trạng này không được điều trị sớm sẽ dẫn đến rối loạn cảm giác và teo cơ. Từ đó làm gia tăng nguy cơ bị liệt cả hai tay.
Hơn nữa, nếu dây thần kinh bị chèn ép nghiêm trọng và không được can thiệp trong thời gian dài thì áp lực sẽ khiến cho máu lưu thông kém. Đôi khi còn dẫn tới tình trạng ứ trệ khí huyết, các dây thần kinh suy yếu dần và khiến người bệnh đứng trước nguy cơ bị bại liệt nửa người.
6. Các ảnh hưởng khác
Ngoài các vấn đề nêu trên, bệnh thoái hóa đốt sống cổ không được kiểm soát kịp thời và đúng cách còn có thể gây ra nhiều ảnh hưởng khác. Phải kể đến như:
- Hội chứng tăng giảm huyết áp
- Thiếu máu não
- Rối loạn tiền đình
- Mất ngủ
- Đau đầu
- Hội chứng cổ tim
- Ảnh hưởng tới tâm lý
Như vậy có thể thấy rằng, thoái hóa đốt sống cổ là bệnh lý xương khớp nguy hiểm. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách thì bệnh hoàn toàn có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Thậm chí khiến cho người bệnh đứng trước nguy cơ bị liệt hai tay hoặc bại liệt nửa người.
Hạn chế sự nguy hiểm của bệnh thoái hóa đốt sống cổ
Thoái hóa đốt sống cổ là bệnh lý xương khớp nghiêm trọng, người bệnh tuyệt đối không được chủ quan. Việc phát hiện và can thiệp sớm sẽ giúp cho quá trình kiểm soát bệnh diễn ra suôn sẻ hơn. Từ đó hạn chế nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm.
Dưới đây là những điều mà bạn cần làm khi nghi ngờ mình gặp phải các dấu hiệu thoái hóa đốt sống cổ:
1. Thăm khám và điều trị
Mặc dù thoái hóa đốt sống cổ là bệnh lý xương khớp không thể điều trị khỏi nhưng một số phương pháp có thể giúp kiểm soát tiến triển của bệnh để làm giảm các vấn đề ảnh hưởng. Từ đó giúp cho người bệnh có được cuộc sống tốt đẹp hơn.
Điều quan trọng là khi nhận thấy các triệu chứng nghi ngờ mình mắc bệnh thì bạn cần chủ động thăm khám bác sĩ. Bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử, thăm khám và yêu cầu các xét nghiệm cần thiết để đưa ra chẩn đoán xác định. Từ đó có phương pháp can thiệp phù hợp với mức độ bệnh cũng như khả năng đáp ứng của người bệnh.
Một số phương pháp điều trị y tế thường được áp dụng cho chứng thoái hóa đốt sống cổ bao gồm:
- Sử dụng thuốc kê đơn: Bác sĩ có thể kê toa thuốc giảm đau nhằm ngăn chặn các cơn đau cụ thể. Ngoài ra, thuốc giảm co thắt cơ và các thuốc chống trầm cảm ba vòng đôi khi cũng được yêu cầu sử dụng để kiểm soát những cơn đau nghiêm trọng.
- Vật lý trị liệu: Chuyên gia y tế có thể đề nghị người bệnh thực hiện một chương trình tập luyện kéo giãn cơ nhằm cải thiện các triệu chứng. Đồng thời phục hồi khả năng vận động linh hoạt ở vùng cổ. Vật lý trị liệu thường nhằm vào mục đích kéo giãn cột sống. Từ đó giúp cho các cơ ở cổ ít co thắt và hạn chế các triệu chứng thoái hóa trở nên tồi tệ hơn.
- Phẫu thuật: Nếu các triệu chứng tiến triển mãn tính hoặc vượt quá khả năng chịu đựng của bệnh nhân thì bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật. Hai lựa chọn phẫu thuật phổ biến thường là cắt bỏ đĩa đệm đốt sống cổ và hợp nhất cột sống hoặc cắt bỏ cột sống cổ từ phía sau.
Thoái hóa đốt sống cổ là tình trạng rất khó tránh khỏi theo tuổi tác. Mặc dù không có biện pháp điều trị dứt điểm nhưng thăm khám và can thiệp sớm sẽ giúp làm giảm nguy cơ rủi ro. Đồng thời giúp bệnh nhân phục hồi chức năng cổ và lưng trên tốt hơn.
2. Các biện pháp tự chăm sóc
Ngoài việc điều trị y tế thì người bệnh thoái hóa đốt sống cổ được khuyên là nên kết hợp với các biện pháp chăm sóc tại nhà. Dưới đây là một số biện pháp đơn giản giúp hỗ trợ kiểm soát bệnh tốt hơn:
- Nghỉ ngơi khi các triệu chứng bùng phát: Việc hạn chế cử động cổ trong một thời gian ngắn (một buổi hoặc một ngày) có thể là đủ để cơn đau biến mất và tình trạng viêm thuyên giảm.
- Chườm lạnh: Đây là giải pháp tác dụng nhiệt có thể làm giảm viêm và mang lại hiệu quả rất tốt sau các hoạt động gây đau.
- Chườm nóng: Có thể là chườm một miếng đệm nóng xung quanh cổ hoặc ngâm mình trong nước ấm. Mẹo nhỏ này có tác dụng làm giãn cơ và cải thiện các cơn đau một cách hiệu quả.
- Thay đổi hoạt động: Bệnh nhân nên tránh một số hoạt động có khả năng kích thích các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn. Chẳng hạn như động tác xoay cổ, xoắn cổ hay nghiêng đầu sang hai bên.
- Duy trì vận động: Hoạt động thể chất vừa phải có thể giúp cải thiện chức năng khớp, bao gồm cả đốt sống cổ. Đôi khi người bệnh cần nghỉ ngơi để hạn chế cơn đau bùng phát. Tuy nhiên việc kết hợp vận động vào thói quen hằng ngày sẽ giúp cải thiện cơn đau lâu dài có liên quan đến thoái hóa đốt sống cổ.
- Ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn uống rất quan trọng với thể chất nói chung và sức khỏe xương khớp nói riêng. Nên cân bằng dưỡng chất, bổ sung các thực phẩm giàu canxi, vitamin và omega-3 để giúp ích cho quá trình kiểm soát bệnh thoái hóa đốt sống cổ.
Bài viết đã giải đáp thắc mắc “Bệnh thoái hóa đốt sống cổ có nguy hiểm không?” bằng cách làm rõ các biến chứng và ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh. Đây là bệnh lý xương khớp nguy hiểm nên cần chủ động thăm khám và nghiêm túc điều trị cũng như chăm sóc khi nhận thấy các triệu chứng nghi ngờ.
Tham khảo thêm: