Chăm Sóc Mẹ Sau Sinh Mổ
Chăm sóc mẹ sau sinh mổ đúng cách sẽ thúc đẩy nhanh tốc độ phục hồi và hạn chế các rủi ro cho sức khỏe. Cần chú ý đến vấn đề vệ sinh vết mổ, vệ sinh cá nhân, ăn uống, sinh hoạt và ngủ nghỉ điều độ, thăm khám sau sinh đúng lịch hẹn,…
Điều gì sẽ xảy ra sau khi sinh mổ?
Sinh mổ có thể ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần và thể chất của người mẹ trong những tuần sau đó. Cụ thể như sau:
– Ngay sau khi sinh:
Hầu hết phụ nữ sinh mổ đều phải gây tê ngoài màng cứng hoặc tủy sống. Đây là phương pháp làm tê liệt cơ thể nhưng vẫn cho phép người bệnh tỉnh táo.
Sản phụ có thể mất vài giờ để lấy lại cảm giác sau khi gây tê ngoài màng cứng. Bạn sẽ không thể đi lại hoặc dùng phòng tắm nếu không có sự trợ giúp khi mới sinh mổ xong. Hầu hết phụ nữ sẽ được đặt ống thông tiểu trong và giờ sau khi sinh để giúp họ đi tiểu.
Nếu cần gây mê toàn thân thì sản phụ có thể sẽ mất một khoảng thời gian để tỉnh lại. Một người phụ nữ có thể cảm thấy buồn nôn, chệnh choạng, bối rối hoặc sợ hãi khi vừa hết thuốc mê.
– 24 giờ đầu tiên:
24 giờ đầu tiên sau khi sinh mổ cũng có nhiều thách thức tương tự như sinh ngã âm đạo. Sản phụ sau sinh mổ thường sẽ ở lại bệnh viện khoảng 2 – 4 ngày. Các vấn đề cần chú ý bao gồm:
- Cục máu đông: Đây là một trong những rủi ro lớn nhất của sinh mổ. Điều này phổ biến hơn ở những người thừa cân hay bất động trong thời gian dài.
- Chuột rút: Trong 24 giờ đầu, sản phụ thường cảm thấy đau tại vị trí vết mổ. Nhiều phụ nữ cũng có thể bị chuột rút sau khi sinh do tử cung co lại. Cảm giác này tương tự như đau bụng kinh nhưng thường dữ dội hơn.
- Đề phòng nhiễm trùng: Y tá hoặc bác sĩ sẽ theo dõi cẩn thận vết mổ để tìm dấu hiệu nhiễm trùng. Ngay cả khi sinh mổ thì tử cung vẫn cần phải loại bỏ những gì còn sót lại của thai kỳ. Chảy máu âm đạo có thể kéo dài 4 – 6 tuần sau khi sinh, nặng nhất là trong những ngày đầu.
– Những tuần đầu tiên:
Nguy cơ nhiễm trùng cao nhất trong khoảng vài tuần đầu tiên. Tình trạng xuất huyết cũng có nhiều khả năng sẽ xảy ra trong thời gian này.
Vết thương có thể cảm thấy đau nhức trong khoảng 1 – 2 tuần. Cơ xung quanh vết thương cũng có dấu hiệu yếu hơn. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau dùng trong 2 tuần đầu. Sản phụ nên hỏi bác sĩ về sự an toàn khi dùng thuốc giảm đau.
Các triệu chứng có xu hướng thuyên giảm dần sau khi vết mổ lành và tử cung co lại. Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ dùng chỉ tự tiêu. Chúng sẽ tự biến mất mà không cần xử lý sau đó.
– Phục hồi lâu dài:
Việc hồi phục sau sinh mổ cần nhiều thời gian. Một số phụ nữ có thể bị đau cơ hoặc đau vết mổ trong vài tháng. Những người khác có thể phải vật lộn với chứng tiểu không tự chủ do các cơ sàn chậu bị suy yếu.
Hướng dẫn chăm sóc mẹ sau sinh mổ giúp hồi phục nhanh
Như đã đề cập, sản phụ sinh mổ có thể gặp phải rất nhiều vấn đề về cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Đặc biệt, cơ thể sẽ phải mất nhiều thời gian để phục hồi trở lại. Để thúc đẩy tốc độ phục hồi và hạn chế các rủi ro ngoại ý phát sinh, cần chú ý chăm sóc tốt cho sức khỏe.
Chăm sóc mẹ sau sinh mổ cần chú ý đến một số vấn đề sau:
1. Chăm sóc vết mổ
Dù sinh thường hay sinh mổ thì việc chăm sóc và theo dõi sau khi sinh đều rất quan trọng. Tuy nhiên nếu lựa chọn phương pháp sinh mổ thì sản phụ cần đặc biệt chú ý đến vấn đề chăm sóc vết mổ.
Trong những ngày đầu tiên khi vừa mổ đẻ, sản phụ sẽ được các bác sĩ sản khoa chăm sóc và thực hiện các công tác vệ sinh vết mổ hằng ngày. Khi trở về nhà, các mẹ bỉm sẽ bắt đầu cảm thấy đau nhức quanh đáy chậu. Lúc này có thể sử dụng một túi đá để chườm xung quanh vết mổ nhằm làm giảm sưng đau. Tuy nhiên tuyệt đối không được chườm trực tiếp lên trên vết mổ.
Đến ngày thứ ba, vết mổ có thể mở băng và để cho khô tự nhiên. Khi tắm, bạn chỉ nên lau người bằng khăn bông mềm nhúng vào nước ấm để tránh chạm tới vết mổ. Nếu như vết mổ quá đau thì cần nói với bác sĩ để được kê toa các loại thuốc giảm đau phù hợp.
Một số lời khuyên khi chăm sóc vết mổ sau sinh:
- Sử dụng khăn bông mềm để lau người, nhất là khu vực vừa mổ.
- Lau từ phía trước ra phía sau để hạn chế nhiễm trùng.
- Một số loại thuốc giảm đau không kê toa như Motrin (Ibuprofen) có thể hỗ trợ giảm bớt khó chịu từ vết mổ.
- Có thể dùng thuốc xịt gây tê dành cho các mẹ mới sinh.
Khi bước sang tuần thứ hai thì bác sĩ sẽ chỉ định cắt chỉ. Đối với các vết mổ được khâu bằng loại chỉ tự tiêu thì không cần quá trình này. Trường hợp vết mổ đã ổn định thì sản phụ sẽ được về nhà để chăm sóc.
Các mẹ bỉm cần thực hiện chăm sóc vết mổ sau cắt chỉ tại nhà như sau:
- Tắm bằng nước ấm và không nên tắm quá lâu. Tuyệt đối không ngâm cơ thể trong bồn tắm. Điều này có thể làm ướt vết thương, cản trở quá trình chữa lành và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Sử dụng khăn bông có chất liệu mềm và sạch sẽ để thấm khô vết mổ sau khi tắm. Mẹ bỉm không cần phải băng kín vết mổ.
- Luôn giữ và chăm sóc vết mổ khô sạch. Có thể dùng dung dịch betadin hoặc povidine 10% để thoa giúp thúc đẩy quá trình phục hồi và ngăn ngừa nhiễm trùng. Tuy nhiên cần làm theo chỉ dẫn từ bác sĩ.
2. Chế độ dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng lành mạnh được cho là một phần rất quan trọng của việc chăm sóc sản phụ sau sinh mổ. Ăn uống điều độ và khoa học giúp sản phụ sớm hồi phục sức khỏe. Hơn nữa còn đảm bảo có đủ sữa để cho em bé bú.
Chế độ ăn uống của mẹ sau sinh mổ cần đảm bảo bổ sung đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu. Ngoài ra còn phải chú ý cân đối giữa các nhóm thực phẩm và thực hiện việc ăn chín, uống sôi. Lượng thức ăn bổ sung nên vừa phải, tránh ăn quá no.
Một số thực phẩm mẹ bỉm nên bổ sung sau khi sinh mổ là:
- Các thực phẩm chứa hàm lượng sắt dồi dào như lòng đỏ trứng gà, bí đỏ, nho, chuối và các loại hạt.
- Các thực phẩm chứa nhiều protein như thịt bò, thịt gà, thịt lợn, phô mát hay các thực phẩm có nguồn gốc thực vật như đậu phụ, sữa thực vật.
- Bổ sung vitamin E từ hạnh nhân, dầu thực vật, mầm lúa mì, bông cải xanh, rau bina.
- Thực phẩm giúp tăng sữa như móng giò, đu đủ xanh, cháo thịt bò.
- Các loại thực phẩm cần đảm bảo tươi sạch, vệ sinh.
Các thực phẩm mẹ sau sinh mổ cần kiêng bao gồm:
- Thực phẩm gây đầy hơi như sữa đậu nành, tinh bột, các thực phẩm lên men (các loại dưa muối, cải muối hay cà muối,…)
- Các loại quả chua như me, xoài, cóc, khế,…
- Gia vị mạnh và cay như tiêu, ớt,…
- Thực phẩm khiến vết mổ dễ sưng viêm hay để lại sẹo như rau muống, lòng trắng trứng gà, đồ nếp,…
- Các món chiên xào nhiều dầu mỡ
- Các sản phẩm có chứa chất kích thích như bia rượu, thuốc lá, cà phê, nước tăng lực, nước ngọt đóng chai,…
3. Vấn đề vận động trong chăm sóc sau sinh mổ
Việc vận động sau sinh mổ có thể khiến sản phụ đau đớn nhưng không nên vì thế mà nằm quá nhiều trên giường. Ngay sau khi ống thông tiểu được lấy ra thì sản phụ đã có thể bước xuống giường và tập đi bộ trở lại. Trước đó các mẹ vẫn có thể ngồi dậy hoặc cử động tay chân nhẹ nhàng.
Lười vận động sau khi sinh mổ có thể tiềm ẩn một số rủi ro sau:
- Làm cho nhu động ruột chậm hồi phục và tăng nguy cơ bị táo bón.
- Nguy cơ mắc các biến chứng sau phẫu thuật như viêm tắc tĩnh mạch, dính ruột,…
- Làm tăng nghiêm trọng nguy cơ hình thành các cục máu đông ở tay, chân,…
- Gây viêm phổi sau khi phẫu thuật do nằm một chỗ khiến phổi bị ứ đọng.
Hướng dẫn vận động sau sinh mổ:
- Ngày đầu tiên sau sinh mổ: Sản phụ có thể tự xoay trở trên giường và co duỗi chân tay. Ngoài ra có thể ngồi dậy trên giường, trừ các trường hợp nhận được chỉ định đặc biệt.
- Ngày thứ hai: Sản phụ ngồi dậy và đi lại nhẹ nhàng ở trong phòng. Tuy nhiên cần có sự hỗ trợ từ người nhà.
- Ngày thứ ba: Sản phụ có thể tự đi lại nhẹ nhàng trong phòng và đi ra ngoài hành lang.
- Từ ngày thứ tư trở đi: Sản phụ có thể vận động và ăn uống bình thường. Trừ các trường hợp có chỉ định đặc biệt từ bác sĩ chuyên khoa.
Vận động đi bộ ngắn có thể giúp cho các chức năng của cơ thể phục hồi nhanh chóng hơn. Đồng thời làm giảm các nguy cơ gặp phải biến chứng sau sinh mổ. Tuy nhiên nếu muốn tập thể dục trở lại thì mẹ bỉm nên chờ khoảng 4 – 6 tuần sau khi sinh. Đặc biệt với các sản phụ mất quá nhiều máu thì cần chú ý nghỉ ngơi để phục hồi năng lượng trước khi vi chuyển.
Khi sức khỏe đã hoàn toàn hồi phục trở lại, chị em có thể triển khai các bài tập giảm cân sau sinh để nhanh chóng cải thiện vóc dáng. Tuy nhiên cần lựa chọn bài tập phù hợp và tập luyện đúng cách. Có thể tham khảo bác sĩ để được tư vấn về việc xây dựng kế hoạch ăn uống và tập luyện khoa học.
4. Dành thời gian nghỉ ngơi
Dành thời gian nghỉ ngơi cũng là điều rất quan trọng đối với kế hoạch chăm sóc mẹ sau sinh mổ. Trong tuần đầu sau sinh, mẹ bỉm nên cố gắng ngủ bất cứ khi nào có thể ngủ được. Hãy nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt.
Việc ngủ đủ giấc và ngủ sâu sẽ giúp cho sản phụ tái tạo năng lượng và sản xuất sữa tốt hơn. Đặc biệt còn giúp làm giảm nguy cơ bị stress hay trầm cảm sau sinh. Có được những giấc ngủ chất lượng chính là chìa khóa giúp cho sức khỏe nhanh chóng phục hồi.
Nguyên tắc sau sinh là các mẹ bỉm không được nằm với tư thế đầu kê gối cao trong vòng 8 giờ đầu tiên. Điều này giúp máu dễ dàng tuần hoàn đến não. Đồng thời chú ý nằm nghỉ ngơi hoàn toàn sau 6 – 8 giờ đầu để cơ thể kịp hồi sức.
Trong khoảng thời gian chăm sóc trẻ sơ sinh, các mẹ bỉm thường bị mất ngủ, khó ngủ do phụ thuộc vào giờ sinh học của con. Để được nghỉ ngơi nhiều hơn, bạn nên chia sẻ việc chăm sóc con với chồng hoặc người thân trong gia đình.
5. Chăm sóc vú và cho bé bú sữa mẹ sau sinh mổ
Các mẹ sinh mổ thường sẽ lên sữa muộn hơn so với các mẹ sinh thường. Việc cho bé bú sữa mẹ ngay ngày đầu tiên sau sinh mổ cũng rất tốt. Tuy nhiên mẹ nên cho bé bú ở tư thế nằm nghiêng.
Mẹ bỉm cần chú ý chăm sóc vú cẩn thận để hạn chế các vấn đề rủi ro phát sinh:
- Chỉ nên dùng nước sạch để vệ sinh phần đầu vú. Tránh bôi trực tiếp xà phòng hay sữa tắm lên núm vú. Bởi các chất hóa học có thể sẽ làm mất các chất nhầy tự nhiên của da. Từ khó khiến núm vú bị khô và nứt nẻ. Ngoài ra mẹ bỉm không nên chà xát mạnh vùng núm vú khi tắm rửa.
- Luôn rửa tay thật sạch trước khi chạm vào vú. Chú ý thay tấm lót sữa thường xuyên để giữ cho núm vú được khô ráo. Núm vú ẩm ướt có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Mẹ bỉm không nên sử dụng các tấm lót sữa có lớp lót nilon vì rất dễ gây ẩm ướt.
- Sau mỗi cữ bú, mẹ bỉm có thể vắt một chút sữa lên núm vú và quầng sẫm xung quanh núm nhằm bảo vệ da. Sữa mẹ có tác dụng làm ẩm da, đồng thời tạo rào cản chống nhiễm trùng. Cần đợi cho núm vú khô hẳn rồi mới mặc áo nịt ngực.
6. Chú ý đến các dấu hiệu trong thời gian hậu phẫu
Trong khoảng thời gian mới sinh mổ xong, một số vấn đề rủi ro có thể phát sinh nên sản phụ cần cẩn trọng. Hãy theo dõi những dấu hiệu sau và kịp thời tìm kiếm sự hỗ trợ từ bác sĩ khi cần thiết:
- Sốt: Đây là phản ứng thường thấy của cơ thể khi gặp tình trạng nhiễm trùng. Tuy nhiên, sản phụ cũng có thể có dấu hiệu sốt do mặc quá ấm, thiếu nước hoặc nằm than. Cần uống nhiều nước, nếu vào mùa hè thì nên mặc quần áo thông thoáng. Có thể nằm điều hòa nhưng nên có những lúc tắt điều hòa và mở cửa cho phòng thông thoáng.
- Sản dịch: Cho dù bạn sinh mổ thì sản dịch vẫn sẽ chảy ra ngoài âm đạo giống như sinh thường. Đây là dấu hiệu cho thấy rằng tử cung đang phục hồi tốt. Trường hợp không thấy sản dịch chảy sau sinh, sản dịch có mùi hôi hay màu đỏ tươi trở lại thì cần báo ngay với bác sĩ. Bởi đây có thể là dấu hiệu sót nhau, nhiễm trùng hậu sản hoặc băng huyết rất nguy hiểm.
- Vết mổ đau, sưng đỏ hoặc tiết dịch: Vết mổ cần được giữ khô sạch để ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng. Trường hợp vết mổ sưng đỏ, đau hoặc tiết dịch vàng là những dấu hiệu bất thường. Lúc này mẹ bỉm cần đến bệnh viện ngay lập tức.
7. Tái khám sau sinh
Tái khám sau sinh là thời điểm các bà mẹ sau khi sinh em bé từ khoảng 6 – 8 tuần sẽ tới bệnh viện hay cơ sở y tế uy tín để kiểm tra sức khỏe. Đối với các mẹ sau sinh mổ thường là kiểm tra tình trạng vết mổ, tình trạng phục hồi tử cung cũng như tình trạng phát triển của trẻ sơ sinh.
Chăm sóc người mẹ sau sinh mổ được xác định là quá trình liên tục. Trong đó việc tái khám sau sinh mổ là điều rất cần thiết để giúp đảm bảo được sức khỏe của người mẹ, xử lý kịp thời các rủi ro không may xảy ra.
Ngoài ra, khi thăm khám, bạn cũng sẽ được tư vấn và giải đáp mọi thắc mắc về các vấn đề sau sinh hay vấn đề chăm sóc em bé. Tốt nhất bạn nên liệt kê tất cả những điều cần hỏi trước khi tái khám để giúp tiết kiệm thời gian.
Bài viết đã hướng dẫn cách chăm sóc mẹ sau sinh mổ giúp thúc đẩy tốc độ phục hồi các chức năng của cơ thể và tránh rủi ro cho sức khỏe. Trong khoảng thời gian sau sinh, ngoài những cố gắng của mẹ bỉm thì sự hỗ trợ từ phía gia đình là rất cần thiết. Bạn nên san sẻ gánh nặng chăm sóc con cái với chồng và người thân để có thêm thời gian chăm sóc bản thân.
Tham khảo thêm: