Trẻ Sinh Non 36 Tuần
Trẻ sinh non 36 tuần tuổi sẽ phải đối mặt với chứng vàng da, hội chứng suy hô hấp, nhẹ cân và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Trong trường hợp này, gia đình cần trang bị kiến thức để có thể chăm sóc trẻ đúng cách.
Sự phát triển của thai nhi ở tuần thứ 36
Thông thường, thai nhi khỏe mạnh sẽ chào đời vào tuần thứ 39 – 41. Đây là thời điểm thai nhi đã phát triển hoàn chỉnh nên có thể nuôi dưỡng ở bên ngoài cơ thể mẹ mà không cần sự hỗ trợ của bất cứ thiết bị nào. Những trường hợp sinh sớm hơn tuần thứ 38 được gọi là sinh non.
Trong đó, trẻ sinh non 36 tuần được xác định là sinh non ở mức trung bình. Bởi chỉ còn 2 – 4 tuần là thai nhi đã phát triển để có thể tự hô hấp, tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng trong sữa mẹ. So với những trường hợp sinh non 34 tuần và 35 tuần tuổi, những trường hợp sinh non ở tuần thứ 36 sẽ ít gặp phải các biến chứng hơn.
Thai nhi 36 tuần tuổi đã phát triển gần như hoàn chỉnh với cân nặng khoảng 2.7 kg và dài 47 – 50cm. Vào tuần thứ 36, thai nhi đã xoay ngôi nên ngay cả trong trường sinh non, mẹ vẫn có thể sinh thường thay vì sinh mổ. Trong giai đoạn này, thai nhi sẽ chậm tăng trưởng vì gần như đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc chào đời. Đây là thời điểm thai nhi phát triển thính giác, thị giác rất nhạy nhưng hệ tiêu hóa vẫn chưa phát triển hoàn chỉnh.
Nhìn chung, thai nhi 36 tuần tuổi về cơ bản đã hoàn thiện đầy đủ các cơ quan nhưng vẫn chưa sẵn sàng để nuôi dưỡng ở bên ngoài cơ thể mẹ. Chính vì vậy, thai nhi phải chờ thêm 2 – 4 tuần để có thể chào đời. Trường hợp bé sinh non 36 tuần tuổi có nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe nên cần được chăm sóc đặc biệt.
Trẻ sinh non 36 tuần tuổi có nguy hiểm không?
Sinh non ở tuần thứ 36 tuần tuổi là tình trạng khá phổ biến. Xét về mức độ, trường hợp này được xác định là sinh non ở mức độ trung bình nên mức độ ảnh hưởng sẽ thấp hơn so với trường hợp sinh cực kỳ sớm và sinh rất sớm (trước tuần 32).
Thai nhi sinh ra ở tuần thứ 36 ít gặp phải các biến chứng như sinh non ở tuần thứ 35 hay những trường hợp sinh sớm hơn. Dù vậy, cơ thể con vẫn chưa phát triển hoàn chỉnh để có thể hô hấp, tiêu hóa, bài tiết ở môi trường bên ngoài. Do đó, đa phần những trẻ sinh ra ở tuần thứ 36 sẽ được chăm sóc đặc biệt sau một thời gian mới có thể trở về nhà.
Không chỉ riêng thai nhi, sinh non cũng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của sản phụ. Đa phần sản phụ sinh non đều chậm phục hồi sức khỏe hơn những trường hợp đẻ đủ tháng. Bên cạnh đó, mẹ cũng có nguy cơ bị mất sữa, ít sữa, sữa loãng, mất sữa đột ngột,…
Sinh non dù ở thời điểm nào cũng đều tiềm ẩn rủi ro. Tuy nhiên, nguy cơ sẽ giảm đi nếu tuổi thai lớn hơn. Chính vì vậy, mẹ sinh non ở tuần thứ 36 không nên quá lo lắng. Nếu biết cách chăm sóc, mẹ hoàn toàn có thể giúp bé phát triển thuận lợi và khỏe mạnh không thua kém các trẻ sinh đủ tháng.
Các vấn đề thường gặp ở trẻ sinh non 36 tuần tuổi
Thai nhi 36 tuần tuổi đã có sự phát triển gần như hoàn chỉnh. Tuy nhiên, vì chào đời sớm hơn 2 – 4 tuần so với dự kiến nên trẻ sẽ gặp phải một số vấn đề sức khỏe hiện tại và lâu dài. Hiểu rõ những vấn đề trẻ sinh non 36 tuần tuổi phải đối mặt sẽ giúp mẹ sau sinh ý thức hơn về việc chăm sóc sức khỏe của bé.
Dưới đây là những vấn đề thường gặp ở trẻ sinh non vào tuần thứ 36:
1. Trẻ sinh non 36 tuần dễ bị vàng da
Vàng da là tình trạng khá phổ biến ở trẻ sơ sinh. Trẻ sinh đủ tháng và sinh non đều có thể gặp phải tình trạng này nhưng nguy cơ cao hơn ở trẻ sinh non. Nguyên nhân gây ra tình trạng vàng da là do tích tụ bilirubin (chất được tạo thành từ quá trình phá vỡ và giải phóng tế bào hồng cầu).
Vì gan của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh nên không thể đào thải bilirubin trong máu dẫn đến hiện tượng vàng da sinh lý. Tình trạng này thường sẽ được cải thiện sau khi sinh khoảng vài tuần. Với trẻ sinh non 36 tuần tuổi bị vàng da, bác sĩ sẽ chỉ định chiếu đèn để cải thiện.
2. Chậm tăng cân
Trẻ sinh non 36 tuần tuổi chưa hoàn thiện hệ tiêu hóa nên khả năng hấp thu dinh dưỡng thường kém. Chính vì vậy, trẻ thường chậm tăng cân hơn so với trẻ sinh đủ tháng. Để cải thiện tình trạng này, mẹ cần phải đợi trẻ phát triển và hoàn thiện chức năng tiêu hóa. Sau đó, nên tăng cường bổ sung vitamin, khoáng chất, protein và các vi chất dinh dưỡng cần thiết để nâng cao sức khỏe toàn diện.
3. Hội chứng suy hô hấp
Rủi ro lớn nhất khi sinh non ở tuần thứ 36 là trẻ mắc hội chứng suy hô hấp (RDS). Theo thống kê, hội chứng này xảy ra chủ yếu ở bé trai với tỷ lệ tử vong là 0.8%. Hội chứng suy hô hấp thường xuất hiện ngay sau khi sinh và muộn nhất là 7 ngày sau sinh.
Hội chứng này xảy ra do thiếu hoạt diện bề mặt ở phổi khiến cho chức năng của phổi bị tổn thương hoặc chưa hoàn thiện. Nguy cơ mắc hội chứng suy hô hấp tăng lên khi sinh non, sinh thiếu tháng. Do đó, trẻ sinh non ở tuần thứ 36 có thể phải đối mặt với tình trạng này.
4. Các vấn đề sức khỏe khác
Ngoài những vấn đề trên, trẻ sinh non 36 tuần tuổi có thể phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe khác như:
- Bệnh còn ống động mạch (PDA)
- Nhiễm trùng huyết
- Chưa hoàn thiện chức năng điều chỉnh thân nhiệt
- Gặp khó khăn khi bú sữa mẹ
- Nhẹ cân
- Tử vong
5. Tác động xấu đến sự phát triển trong tương lai
Trẻ sinh non 36 tuần sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe. Bên cạnh những ảnh hưởng hiện tại, tình trạng sinh non cũng làm gia tăng các vấn đề sức khỏe trong tương lai như:
- Hệ miễn dịch kém, thường xuyên mắc các bệnh hô hấp
- Rối loạn tiêu hóa dai dẳng
- Bại não
- Giảm khả năng tiếp thu, kết quả học tập kém. Một số ít trẻ sinh non ở tuần thứ 36 cần được giáo dục đặc biệt do tư duy kém và có vấn đề về trí nhớ
- Tăng nguy cơ bị rối loạn hành vi, cảm xúc ở giai đoạn thanh thiếu niên và trưởng thành
Có thể thấy, trẻ sinh non 36 tuần tuổi tiềm ẩn nhiều rủi ro và biến chứng lâu dài. Tuy nhiên, nguy cơ sẽ giảm đi đáng kể so với những trẻ sinh sớm hơn.
Cách chăm sóc trẻ sinh non 36 tuần
Trẻ sinh non 36 tuần tuổi cần phải được chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện cho đến khi hoàn thiện các cơ quan. Sau đó, gia đình có thể đón bé về nhà và tự chăm sóc. Tương tự như những trường hợp sinh non khác, gia đình cần săn sóc đặc biệt cho bé trong ít nhất 2 năm đầu đời để kịp thời phát hiện các vấn đề bất thường.
Cách chăm sóc trẻ sinh non 36 tuần tuổi:
1. Chăm sóc tại viện
Khi thai phụ có dấu hiệu sinh non, các bác sĩ nỗ lực để trì hoãn chuyển dạ. Tuy nhiên nếu không thành công, bác sĩ sĩ tiến hành đỡ đẻ để phòng tránh biến chứng. Trẻ sinh non ở 36 tuần tuổi sẽ được chăm sóc trong lồng ấp.
Trong lồng ấp, trẻ sẽ được hỗ trợ thở oxy và tiêm tĩnh mạch nhằm cung cấp chất dinh dưỡng. Sau khoảng 3 – 4 tuần, các cơ quan quan trọng sẽ được hoàn thiện. Lúc này, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe cụ thể để cho trẻ về nhà. Trẻ sinh non chỉ được xuất viện khi có thể tự hô hấp, tự bú sữa mẹ và duy trì thân nhiệt ổn định mà không cần sự hỗ trợ của máy móc. Ngoài ra, trẻ phải đạt được số cân lý tưởng mới có thể xuất viện.
2. Tự chăm sóc bé sinh non 36 tuần tại nhà
Trẻ chỉ được xuất viện khi đã phát triển hoàn chỉnh và có thể nuôi dưỡng như trẻ sinh đủ tháng. Do đó, gia đình không cần quá lo lắng khi chăm sóc trẻ sinh non 36 tuần. Tuy nhiên, vì trẻ sinh sớm hơn 2 – 4 tuần nên bố mẹ cần theo dõi chặt chẽ sự phát triển của con để kịp thời phát hiện các vấn đề bất thường.
Hướng dẫn chăm sóc trẻ sinh non 36 tuần tuổi:
- Nuôi con bằng sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu tiên. Với trẻ sinh non, mẹ nên cố gắng cho trẻ bú ít nhất 8 tháng để trẻ hoàn thiện các cơ quan và có hệ miễn dịch khỏe mạnh.
- Đối với trẻ sinh non, hệ tiêu hóa thường sẽ kém hơn so với trẻ sinh đủ tháng. Trước khi cho trẻ ăn dặm, mẹ nên thông báo với bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
- Trẻ sinh non thường không biết cách ngậm núm vú và bú mẹ trực tiếp nên mẹ cần kiên trì khi chăm sóc trẻ.
- Nên cho trẻ ngủ nhiều hơn so với trẻ sinh đủ tháng.
- Cho trẻ tiêm vaccine phòng ngừa để bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của tác nhân gây bệnh. Ngoài các mũi tiêm bắt buộc, mẹ nên cho trẻ sinh non tiêm thêm một số loại vaccine bổ sung vì hệ miễn dịch của trẻ kém hơn so với những trẻ khác.
- Cho trẻ kiểm tra thị giác và thính giác để kịp thời phát hiện các vấn đề bất thường.
Phòng ngừa sinh non ở tuần thứ 36 bằng cách nào?
Sinh non dù ở thời điểm nào cũng đều tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ. Do đó, phụ nữ đang mang thai cần trang bị những biện pháp phòng ngừa sinh non để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và em bé.
Các biện pháp phòng ngừa sinh non ở tuần thứ 36:
- Từ tuần thứ 35 trở đi, mẹ nên khám thai 1 lần/ tuần để được đánh giá tổng thể sự phát triển của thai nhi và phát hiện sớm các yếu tố bất thường.
- Giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, ăn uống điều độ và ngủ đủ giấc.
- Chú ý chuyển động của thai nhi, phát hiện kịp thời dịch nhầy âm đạo và các triệu chứng bất thường.
- Chuẩn bị sẵn đồ đạc vì cơn chuyển dạ có thể đến vào bất cứ thời điểm nào.
Trẻ sinh non 36 tuần tuổi có sức khỏe kém hơn trẻ sinh đủ tháng và nguy cơ phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe lâu dài. Tuy nhiên, mẹ không nên quá lo lắng về vấn đề này vì thai nhi ở tuần thứ 36 đã phát triển gần như đầy đủ. Điều quan trọng nhất là mẹ nên giữ tinh thần thoải mái và ăn uống điều độ để có thể chăm sóc trẻ một cách tốt nhất.
Tham khảo thêm: