Đẻ Mổ Có Đau Không?
Đẻ mổ có đau không là thắc mắc phổ biến của nhiều thai phụ khi ngày càng nhiều trường hợp được chỉ định phương pháp sinh sản này để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé. Dưới đây là một số thông tin cơ bản về phương pháp đẻ mổ, các vấn đề liên quan và lưu ý cần biết, thai phụ nên tham khảo để có sự chuẩn bị phù hợp nhất.
Đẻ mổ có đau không?
Trong phương pháp đẻ mổ, bác sĩ sẽ đưa em bé ra khỏi tử cung thông qua vết rạch có sử dụng thuốc tê và kháng sinh dự phòng. Các loại thuốc được sử dụng khi sinh đảm bảo an toàn và hiệu quả cao.
Ngoài ra, trong thủ thuật mổ lấy thai, thai phụ cũng sẽ được gây tê tủy sống, điều này khiến thai phụ bất động và hoàn toàn không có cảm giác gì ở thân dưới. Do đó, trong quá trình đẻ mổ, thai phụ thường không cảm thấy đau đớn hoặc khó chịu. Tuy nhiên thai phụ vẫn giữ được sự tỉnh táo và nhận biết được các thao tác mà bác sĩ thực hiện trong suốt quá trình mổ lấy thai.
Tuy nhiên, sau phẫu thuật lấy thai và khi thuốc tê đã hết tác dụng, thai phụ sẽ bắt đầu cảm nhận được cơn đau lan tỏa. Do đó, trong hầu hết các trường hợp, sau khi sinh mổ, thai phụ chỉ có thể nằm yên trên giường, hạn chế di chuyển hay xoay người để tránh đau đớn.
Bên cạnh cơn đau, thai phụ cũng có thể gặp một số tác dụng phụ, chẳng hạn như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau tức ngực, đau lưng. Các triệu chứng thường phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe tổng thể của thai phụ và dư lượng thuốc trong cơ thể.
Về vấn đề, đẻ mổ có đau không, các chuyên gia cho biết, thông thường sau khoảng 4 – 5 tiếng kể từ lúc sinh mổ, cơn đau sẽ bắt đầu xuất hiện dần dần và nghiêm trọng hơn khi thuốc tan hết. Cơn đau sẽ kéo đài trong 4 – 5 ngày và được cải thiện dần dần, lúc này thai phụ có thể thực hiện một số cử động nhẹ để giúp cơ thể linh hoạt hơn.
Sau khi sinh mổ, mặc dù cảm thấy đau đớn, tuy nhiên sau 48 giờ thai phụ được khuyến khích ngồi dậy, di chuyển nhẹ nhàng để cơ thể phục hồi nhanh chóng hơn. Ngoài ra, vận động thể chất nhẹ nhàng cũng có thể ngăn ngừa một số rủi ro, chẳng hạn như nguy cơ dính ruột.
Cảm giác khi đẻ mổ như thế nào?
Mặc dù không cảm thấy đau đớn khi đẻ mổ, tuy nhiên thai phụ vẫn giữ được sự tỉnh táo trong suốt quy trình. Do đó, thai phụ có thể cảm thấy các thao tác của bác sĩ trong suốt quá trình mổ lấy thai.
Dưới đây là tổng hợp một số cảm giác mà thai phụ thường cảm nhận được trong quá trình đẻ mổ:
1. Cảm giác kéo
Hầu hết thai phụ đẻ mổ đều cảm thấy được khoảnh khắc bác sĩ kéo vết mổ để đưa em bé ra khỏi cơ thể. Thông thường, bác sĩ sẽ có sự thông báo trước khi đưa em bé ra ngoài, điều này nhằm tránh sự lo lắng, căng thẳng của mẹ. Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyến khích thai phụ hít thở sâu để thư giãn và tránh căng thẳng khi em bé được đưa ra ngoài.
2. Khó thở
Một số thai phụ có thể cảm nhận thấy áp lực khi bác sĩ ấn lên phía trên tử cung nhằm đưa em bé ra ngoài an toàn. Tại thời điểm này, thai phụ có thể cảm thấy khó thở nhẹ, tuy nhiên đây chỉ là cảm giác thoáng qua và nhanh chóng kết thúc.
3. Lạnh
Trên thực tế để duy trì môi trường vô khuẩn khi phẫu thuật, phòng phẫu thuật thuật thường được đặt ở nhiệt độ thấp. Điều này có thể khiến thai phụ cảm thấy lạnh trong suốt quy trình.
Ngoài ra, sau khi đẻ mổ, thai phụ thường phải nằm yên trong phòng hồi sức 30 phút và không có quần áo. Điều này cũng có thể khiến thai phụ cảm thấy lạnh.
Thông tin cần biết sau khi đẻ mổ
Trong vài ngày đầu hoặc thậm chí là vài tuần sau khi sinh mổ, người phụ nữ sẽ cảm thấy đau trong mọi hoạt động. Những cơn đau này bao gồm:
1. Đau tại vị trí mổ
Sau khi mổ lấy thai, vết thương sẽ được xử lý bằng thuốc gây mê đặc biệt, do đó thai phụ sẽ không cảm thấy đau. Tuy nhiên sau khi thuốc hết tác dụng, các mô tổn thương sẽ bắt đầu gây đau đớn.
Mức độ của cơn đau bụng thường phụ thuộc vào ngưỡng chịu đựng của mỗi ngày cũng như số lần thực hiện vết cắt để đưa thai nhi ra bên ngoài. Thông thường cơn đau sẽ biến mất sau tuần đầu tiên, tuy nhiên đường khâu vết thương có thể gây khó chịu, ngứa ngáy kéo dài suốt một tháng.
Ngoại ra, đau bụng sau khi sinh mổ cũng xuất hiện do sự tích tụ khí và các chất sản dịch trong cơ thể. Thông thường cơn đau sẽ kết thúc khi lượng khí này được giải phóng.
2. Đau bụng dưới
Thông thường những cơn đau bụng dưới sau khi sinh mổ liên quan đến cơ chế sinh thường của cơ thể. Cơn đau này xảy ra khi tử cung bị co rút, dẫn đến những cơn đau tương tự như đau bụng kinh.
Cơn đau bụng dưới sau khi sinh mổ có thể nghiêm trọng hơn khi mẹ cho bé bú. Tình trạng này xảy ra do một loại hormone tự nhiên, được sản xuất để giúp giảm các cơ bên trong cơ thể phụ nữ.
Nếu cơn đau này không được cải thiện sau 1 – 2 tuần hoặc có xu hướng tái phát, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
3. Đau lưng
Khi mang thai, tải trọng lên cột sống phụ nữ rất lớn, điều này có thể gây chèn ép các dây thần kinh, dẫn đến co thắt cơ bắp và đau đớn.
Đau lưng sau khi sinh mổ có thể liên quan đến các dây thần kinh bị chèn ép. Tuy nhiên cơn đau này cũng có thể xuất hiện như những cơn đau ảo mà cơ thể tạo ra tương tự như khi mang thai.
Đau lưng dưới sau khi mổ lấy thai có thể là các cơ bị kéo căng trong quá trình phẫu thuật. Ngoài ra, một số phụ nữ có thể bị vẹo cột sống hoặc tổn thương cột sống sau khi sinh mổ, điều này cũng dẫn đến đau lưng.
4. Đau khi đi tiểu
Đau khi đi tiểu thường xảy ra khi đặt ống thông tiểu. Cơn đau này thường xảy ra khi ống thông tiểu được đặt không đúng cách hoặc có kích thước quá lớn.
Ngoài ra, đau khi đi tiểu sau khi mổ lấy thai có thể là dấu hiệu viêm nhiễm đường tiết niệu. Trong trường hợp này, nước tiểu thường có mùi đặc biệt nồng và không trong suốt. Ngoài ra, viêm đường tiết niệu cũng có thể gây khó chịu hoặc đau ở vùng thắt lưng.
5. Đau đầu
Thông thường các loại thuốc gây mê được sử dụng khi mổ lấy thai có thể dẫn đến đau đầu. Thông thường, cơn đau này chỉ gây khó chịu nhẹ và nhanh chóng biến mất.
Tuy nhiên cơ thể có thể phản ứng quá mức với thuốc gây mê, điều này khiến cơn đau kéo dài trong vài tuần hoặc vài tháng. Trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể và có kế hoạch khắc phục phù hợp.
6. Đau chân
Cả trong và sau khi sinh con, hầu hết các bà mẹ đều bị đau chi dưới. Đau chân có thể là dấu hiệu bị phù chi dưới hoặc giãn tĩnh mạch chân.
Ngoài ra, mang thai có thể khiến lượng máu tăng lên, trong khi các mạch máu không có thời gian để thích nghi và co giãn để cung cấp máu cho cơ thể. Các mạch máu không thích nghi có thể dẫn đến ứ đọng máu ở các chi dưới, làm máu lưu thông chậm lại và gây đau chân.
Để cải thiện tình trạng này, các chuyên gia khuyến khích, bà mẹ sau sinh có thể đi các loại tất đặc biệt để thúc đẩy sự di chuyển đặc biệt của dòng máu khắp cơ thể, ngăn ngừa ứ đọng máu và giúp giảm đau chân.
7. Đau vùng kín
Thông thường, đau vùng kín sau khi mổ lấy thai xảy ra ở phụ nữ cố gắng sinh con tự nhiên, nhưng không thành công. Trong trường hợp này, cơn đau xảy ra do âm đạo đã bị kéo căng, co giãn quá mức hoặc bị rách.
Hiện tượng căng này sẽ tự qua đị, tuy nhiên để cải thiện cơn đau nhanh chóng, các bà mẹ có thể thực hiện các bài tập Kegel hoặc tư thế yoga đập cánh bướm, điều này sẽ giúp củng cố cơ quan sinh dục và tăng độ đàn hồi. Nếu cơn đau không được cải thiện theo thời gian, hãy trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Kinh nghiệm cải thiện cơn đau sau khi đẻ mổ
Thai phụ thường cần nhiều thời gian để hồi phục hơn sau khi sinh mổ. Dưới đây là một số lưu ý để tăng tốc độ hồi phục, giúp giảm đau và cải thiện tình trạng mệt mỏi.
1. Dành thời gian nghỉ ngơi
Sinh mổ là một cuộc phẫu thuật lớn. Tương tự như bất cứ các phẫu thuật nào khác, cơ thể cần thời gian để chữa lành. Theo dự khiến, thai phụ cần nằm viện 2 – 4 ngày sau khi sinh. Sau đó cơ thể cần 6 – 8 tuần để hồi phục.
Sau khi sinh con là khoảng thời gian bận rộn và khó khăn, vì phải chăm sóc bé cũng như cải thiện sức khỏe của bạn thân. Do đó, nếu cần thiết, các bà mẹ có thể sử dụng dịch vụ chăm sóc sau sinh nhằm hỗ trợ tốt nhất trong thời gian phục hồi. Hãy nghỉ ngơi và ngủ bất cứ lúc nào có thể.
Nếu có thể nhờ người nhà, chồng hoặc bạn bè chăm sóc bé, mẹ nên dành thời gian để nghỉ ngơi. Dù chỉ là một ít phút, điều này cũng giúp cơ thể phục hồi tốt hơn.
2. Cẩn thận trong việc di chuyển
Cẩn thận trong việc đi lại và di chuyển là cách tốt nhất để phục hồi cơ thể sau các chấn thương. Các thai phụ sau khi sinh mổ cần lưu ý một số vấn đề như:
- Tránh đi lên và xuống cầu thang nhiều nhất có thể. Giữ mọi thứ ở gần cơ thể, chẳng hạn như thức ăn và tã lót, để tránh việc di chuyển nhiều.
- Không nâng bất cứ vật gì nặng hơn em bé. Nhờ sự giúp đỡ của chồng, bạn bè hoặc gia đình.
- Bất cứ khi nào cần hắt hơi hoặc ho, hãy hóp bụng lại để bảo vệ vết mổ.
Có thể mất để 8 tuần để quay trở lại các thói quen bình thường. Do đó, bạn nên trao đổi với bác sĩ về thời gian có thể quay trở lại tập thể dục, làm việc hoặc sinh hoạt tình dục.
Tránh tập thể dục quá mức, tuy nhiên bạn có thể đi bộ nhẹ nhàng thường xuyên. Việc vận động sẽ giúp cơ thể mau lành và ngăn ngừa nguy cơ táo bón cũng như hình thành cục máu đông.
3. Giảm đau
Nếu cơn đau vượt quá khả năng chịu đựng, bạn có thể trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc giảm đau khi đang cho con bú.
Tùy thuộc vào mức độ khó chịu, bác sĩ có thể kê các loại thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như acetaminophen hoặc ibuprofen.
Ngoài ra, bạn cũng có thể chườm nóng tại vết mổ để giảm triệu chứng đau đớn và khó chịu tại vết mổ.
4. Chế độ dinh dưỡng phù hợp
Chế độ dinh dưỡng tốt cũng rất quan trọng trong việc phục hồi cơ thể sau khi sinh mổ. Nếu đang cho con bú, bạn vẫn là nguồn dinh dưỡng chính của con. Do đó, hãy đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt, đa dạng nhiều loại thức ăn để giúp thai nhi khỏe mạnh và cứng cáp hơn.
Hãy ăn nhiều rau xanh và trái cây trong quá trình cho con bú. Điều này có thể làm tăng hương vị cho sữa mẹ và giúp trẻ tăng hứng thú với các loại thức ăn này khi lớn lên.
Ngoài ra, hãy uống nhiều nước và bổ sung nhiều chất lỏng. Điều này có thể giúp tăng cường thêm nguồn sữa và tránh táo bón.
5. Cải thiện sức khỏe tinh thần
Sức khỏe tinh thần cũng quan trọng không kém sức khỏe thể chất sau khi sinh con. Sinh con có thể mang đến những cảm xúc tiêu cực mà bạn không bao giờ ngờ tới.
Nếu cảm thấy buồn, thất vọng, lo lắng, mệt mỏi hoặc kiệt sức, đừng bỏ qua cảm xúc của bản thân. Trao đổi những cảm xúc tiêu cực với người thân, gia đình hoặc bác sĩ để được chăm sóc phù hợp nhất.
Đẻ mổ có thể gây đau đớn kéo dài 5 – 7 ngày và cơ thể cần 6 – 8 tuần để hồi phục. Ngoài ra, vết mổ có thể bị chảy máu hoặc tiết dịch kéo dài trong 6 tuần. Nếu cơn đau không được cải thiện sau thời gian này, bạn nên đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp.
Ngoài ra, phụ nữ sau sinh được khuyến khích trao đổi với người thân hoặc gọi ngay cho bác sĩ nếu cảm thấy buồn và tâm trạng không ổn định, đặc biệt là khi có ý nghĩ muốn tổn thương bản thân hoặc em bé.
Tham khảo thêm: