Mang Thai Tháng Thứ 6
Mang thai tháng thứ 6 sẽ mang đến cho mẹ những cung bậc cảm xúc khác nhau. Những cú đạp, những chuyển động bên trong bụng đôi khi làm mẹ khó chịu nhưng nó lại là cách thức giao tiếp duy nhất con yêu gửi đến mẹ. Theo dõi cử động của con chính là niềm vui nho nhỏ mỗi ngày của mẹ.
Mang thai tháng thứ 6, thai nhi phát triển ra sao?
Mang thai tháng thứ 6 bé nặng bao nhiêu kg thì đúng chuẩn? – Là thắc mắc của rất nhiều mẹ. Thông qua việc kiểm tra cân nặng cũng như chiều cao của thai nhi ở từng thời điểm, các bác sĩ có thể nói cho mẹ biết bé yêu có đang phát triển tốt hay không.
Theo các chuyên gia, khi đến tháng thứ 6 (tức là 24 tuần), thai nhi sẽ nặng khoảng 600gr và dài 30cm (chiều cao tính từ đỉnh đầu đến gót chân), ngang với chiều dài một bắp ngô. Không chỉ tăng trưởng về kích thước, ở thời điểm này, cơ thể bé yêu cũng có những thay đổi đáng mừng. Điển hình là:
- Tuần thứ 21: Thai nhi nặng khoảng 360g và dài chừng 26,7cm. Lông mày và mí mắt đã bắt đầu xuất hiện. Nếu mẹ đang mang thai bé gái thì ở thời điểm này, vùng âm đạo của bé sẽ được hình thành.
- Tuần thứ 22: Thai nhi dài 27,8cm và nặng khoảng 430g, ước tính tương đương với một quả bí ngô dài. Thông qua hình ảnh siêu âm, mẹ sẽ thấy mắt, mũi, môi của bé ngày càng rõ nét. Tuyến tụy trên cơ thể bé đang phát triển mạnh mẽ.
- Tuần thứ 23: Thai nhi nặng 500g và dài chừng 29cm. Những chuyển động của bé trong bụng mẹ đã rõ ràng hơn rất nhiều. Việc mẹ theo dõi các cử động của thai nhi sẽ đánh giá được tình hình của con. Thính giác của thai nhi gần như đã phát triển hoàn thiện. Mẹ cùng bố hãy thường xuyên trò chuyện với con để con nghe thấy tiếng nói của mỗi người nhé.
- Tuần thứ 24: Như đã đề cập đến ở trên, ở tuần 24, thai nhi nặng khoảng 600g và dài 30cm. Ở thời điểm này, não bộ của thai nhi phát triển nhanh chóng. Phổi cũng đang trong hóa trình hoàn thiện.
Cơ thể mẹ bầu thay đổi như thế nào khi mang thai 6 tháng?
Khi mang thai, cơ thể mẹ bầu sẽ tăng cân một cách nhanh chóng. Tuy nhiên số cân nặng của mỗi mẹ trong suốt thai kỳ tùy thuộc vào cơ địa, sức khỏe cũng như chế độ dinh dưỡng của mỗi người.
Thông thường khi mang thai 6 tháng tăng bao nhiêu kg, các chuyên gia khuyên mẹ cần tăng 450 g mỗi tuần. Điều đó có nghĩa là trong cả tháng 6 của thai kỳ, mẹ bầu cần tăng khoảng 1,6-2,2 kg để đảm bảo sức khỏe và dưỡng chất nuôi dưỡng thai nhi. Mẹ hãy lên một thực đơn ăn uống hợp lý để tránh tình trạng thừa cân quá mức nhẹ.
Bên cạnh sự thay đổi về cân nặng, ở thời điểm này, rất có khả năng mẹ sẽ phải đối mặt với bệnh trĩ. Nếu mẹ bầu đã bị trĩ trước đó thì tình trạng này càng thêm tồi tệ và khiến mẹ phải chịu nhiều đau đớn. Không còn cách nào khác, mẹ đành phải “sống chung với lũ” cho đến khi con yêu chào đời. Mẹ nên ăn bổ sung nhiều chất xơ để giảm thiểu tình trạng này.
Một thay đổi khác của cơ thể mẹ khi mang thai tháng thứ 6 đó là mẹ sẽ thường xuyên bị đau lưng. Cân nặng tăng lên khiến cột sống và các vùng cơ của mẹ phải chịu một sức nặng lớn, từ đó gây đau lưng. Để cải thiện tình trạng này, mẹ nên ngồi đúng tư thế, chăm chỉ đi bộ hoặc tập yoga.
Trong thời gian này, những cơn mất ngủ sẽ thường xuyên tìm đến mẹ. Bầu bầu to vượt mặt, cộng thêm chứng chuột rút, phù chân, đi tiểu nhiều, em bé đạp mạnh, đau lưng khiến mẹ khó có thể có được một giấc ngủ ngon. Mẹ hãy chuẩn bị tinh thần thật tốt để tốt mặt với nó nhé.
Một số thắc mắc của các mẹ khi mang bầu tháng thứ 6
Các mẹ bầu, đặc biệt là những người lần đầu mang thai chắc hẳn sẽ có rất nhiều điều hoài nghi, thắc mắc khi mang thai tháng thứ 6. Dưới đây wikibacsi sẽ tổng hợp một số câu hỏi điển hình của các mẹ trong khoảng thời gian này của hành trình mang thai. Các mẹ hãy đọc thật cẩn thận, nếu cần thiết thì đừng quên ghi chép lại ra giấy và dán lại ở chỗ dễ nhìn thấy nhất nhé.
1. Mang thai tháng thứ 6 cần chú ý những gì?
Khi mang thai 6 tháng, để đảm bảo sức khỏe của mẹ lẫn thai nhi, chúng tôi khuyên mẹ bầu nên chú ý những điều quan trọng dưới đây:
- Nói không với bia rượu, cà phê, thuốc lá. Nếu chồng bạn là người hút thuốc, hãy khuyên anh ấy bỏ thuốc hoặc không được hút ở trong nhà
- Không đi giày cao gót, hạn chế trang điểm
- Hạn chế tiếp xúc với hóa chất có trong thuốc nhuộm, sơn móng tay, thuốc xịt côn trùng
- Quan hệ tình dục khi mang thai cần hết sức nhẹ nhàng và có chừng mực
- Tuyệt đối không làm việc nặng, khuân vác đồ nặng
- Mỗi ngày mẹ nên dành ít thời gian đi bộ, bơi lội hoặc tập yoga
- Không đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu
- Đi siêu âm, khám thai theo đúng lịch hẹn của bác sĩ
- Theo dõi mọi sự thay đổi của cơ thể, nếu có gì bất thường, mẹ cần đi bệnh viện kiểm tra ngay
- Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái để tránh tạo áp lực cho vùng bụng
- Không được có bất cứ tác đồng không cần thiết nào đến vùng ngực và bụng
2. Thai 6 tháng có bỏ được không?
Có bầu 6 tháng, lúc này, thai nhi đã nặng khoảng 450 gr – 650 gr và dài tầm 30 cm. Vì kích thước thai nhi đã lớn, các bộ phận trên cơ thể đã dần hoàn thiện nên việc phá thai ở thời điểm này sẽ ẩn chứa rất nhiều rủi ro lớn. Nếu không cẩn thận, nguy cơ mẹ bị viêm nhiễm, tổn thương tử cung, băng huyết, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, tử vong là rất cao. Vì thế có rất ít trường hợp lựa chọn phá thai khi mang thai tháng thứ 6.
Tuy nhiên, nếu bác sĩ chẩn đoán thai nhi dị tật bẩm sinh, khiếm khuyết một bộ phận nào đó hoặc có khả năng bị thiểu năng trí tuệ, việc phá thai sẽ là điều khó tránh khỏi. Lúc này, các biện pháp uống thuốc hoặc nạo hút thai hoàn toàn không có tác dụng. Bác sĩ sẽ bắt buộc phải dùng thủ thuật để kích sinh sớm.
Biện pháp này đòi hỏi người thực hiện phải có chuyên môn cao, đồng thời trang thiệt bị phải đầy đủ, chính vì thế, mẹ cần chọn lựa bệnh viện hoặc phòng khám uy tín để tránh gặp phải những hệ lụy không mong muốn.
3. Phù chân khi mang thai tháng thứ 6 phải làm sao?
Việc phù chân khi mang thai là hiện tượng bình thường và hầu hết mẹ bầu nào cũng gặp phải. Thông thường từ tháng thứ 6 trở đi, các mẹ sẽ phải đối mặt với sự khó chịu do bị phù chân. Mẹ không nên đứng hoặc ngồi quá lâu một chỗ để giảm thiểu lượng máu dồn về chân quá nhiều.
Đối với các mẹ bầu mắc bệnh mạn về tim, thận, huyết áp cần hết sức lưu ý khi bị phù chân. Những lúc như vậy, mẹ nên nhờ chồng hoặc người thân massage chân, hoặc ngâm chân trong nước ấm khoảng 10-15 phút mỗi ngày. Bên cạnh đó, mẹ nhớ chọn cho mình những đôi giày, dép đế thấp và có đủ rộng thoải mái nhé.
Nếu hiện tượng phù chân kèm theo một số triệu chứng như đau đầu, rối loạn thị giác, mờ mắt, đau bụng thì tốt nhất các mẹ nên đi bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt nhé. Theo các chuyên gia, việc phù chân nặng ở những tháng cuối thai kỳ có thể là dấu hiệu tiền sản giật nên các mẹ đừng chủ quan.
4. Mang thai tháng thứ 6 em bé đạp nhiều liệu có sao không?
Những cú đạp của thai nhi chính là minh chứng rõ nhất về sự tồn tại của một thiên thần bé nhỏ bên trong bụng. Thông qua hoạt động này của con, các mẹ hoàn toàn có thể theo dõi được tình trạng của thai nhi, từ đó kịp thời phát hiện các bất thường.
Mang thai tháng thứ 6 em bé đạp nhiều liệu có sao không? – Câu trả lời là không. Đây là một dấu hiệu cho thấy bé đang phát triển bình thường. Bé đạp nhiều không có nghĩa là lúc sinh ra bé sẽ bị tăng động. Đặc biệt, các mẹ đã từng sinh đẻ trước đó sẽ nhận thấy số lần đạp của thai nhi sẽ nhiều hơn hẳn. Tần số hoạt động của thai nhi cũng thay đổi theo từng giai đoạn nên các mẹ nhớ theo dõi cẩn thận nhé.
5. Bị chuột rút khi mang thai tháng thứ 6 phải làm sao?
Mang thai tháng thứ 6 trở đi, nhiều mẹ bầu bị chuột rút đau đớn ở bắp chân. Tình trạng này có thể xảy ra cả ngày lẫn đêm và khiến mẹ vô cùng khó chịu. Những lúc như thế này, chúng tôi khuyên các mẹ nên bổ sung thêm thực phẩm chứa canxi, tránh đứng hoặc ngồi quá lâu.
Khi bị chuột rút, mẹ hãy căng duỗi cơ ở mức căng nhất có thể, duỗi thẳng đầu gối, túm lấy bàn chân và kéo ngược lại về phía mình. Lặp lại động tác như vậy đến khi cơn chuột rút qua đi.
6. Bầu 6 tháng có sữa non liệu có sớm không?
Việc xuất hiện sữa non là điều bình thường ở các chị em phụ nữ đang mang thai. Đây có thể được xem là những giọt sữa đầu tiên chảy ra khi tuyến sữa của mẹ hoạt động. Không ít mẹ mang thai tháng thứ 6 đã thấy có sữa non. Trong khi đó, thông thường, theo các chuyên gia, sữa non sẽ chảy ra lần đầu vào khoảng tháng thứ 7 của thai kỳ.
Vẫn biết việc sữa non ra sớm hay chậm còn tùy thuộc vào cơ địa cũng như tình trạng sức khỏe của người mẹ. Thế nhưng nếu sữa non xuất hiện trước tháng thứ 7, mẹ bầu vẫn nên đi bệnh viện kiểm tra. Theo các chuyên gia, sữa non chảy ra sớm cũng có thể là dấu hiệu cho thấy thai chết lưu.
7. Bầu 6 tháng có được nhuộm tóc không?
Không chỉ mang thai tháng thứ 6 mà trong suốt thời gian “bụng mang dạ chửa”, các chuyên gia khuyến cáo mẹ bầu tuyệt đối không được đi nhuộm tóc, uốn hay là tóc. Các thành phần hóa chất có trong thuốc nhuộm rất độc hại cho da đầu, nếu hàng kém chất lượng, nguy cơ bị hoại tử là rất cao.
Đối với mẹ bầu, cho dù thuốc nhuộm có xịn đến đâu cũng không tránh được việc khiến thai nhi bị ảnh hưởng. Mẹ đừng nghĩ rằng thuốc nhuộm chỉ ngấm vào da đầu nên không thể tác động đến thai nhi nằm ở bụng. Trên thực tế, các hóa chất một khi đi vào cơ thể mẹ, dù ở bộ phận nào đi chăng nữa, nó cũng khiến con yêu “chịu trận”.
Nguy cơ thai nhi chậm phát triển, dị tật bẩm sinh khi mẹ nhuộm tóc trong thời gian mang thai là rất cao. Kể cả khi cho con bú, các chuyên gia cũng khuyên mẹ không nên nhuộm tóc.
8. Mang thai tháng thứ 6 cần bổ sung gì?
Giống như các tháng trước trong thai kỳ, khi mang bầu tháng thứ 6, các mẹ vẫn cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Mẹ cần cân bằng hàm lượng canxi, axit folic, sắt, protein, DHA dung nạp vào cơ thể mỗi ngày để tránh tình trạng thừa chất này thiếu chất kia.
Bên cạnh bổ sung các chất dinh dưỡng thông qua thực phẩm, mẹ đừng quên uống bổ sung một số thuốc chứa axit folic, sắt, canxi, vitamin để đảm bảo cơ thể luôn đủ dưỡng chất đi nuôi thai nhi. Mẹ cũng cần tích cực ăn hoa quả và rau xanh nhé. Một cốc nước ép trái cây hoặc sinh tố tự làm tại nhà sẽ giúp mẹ bầu giải nhiệt rất tốt.
9. Có bầu 6 tháng uống nước dừa được không?
Có bầu 6 tháng uống nước dừa được không? – Câu trả lời đương nhiên là Có. Tam cá nguyệt thứ 2 chính là khoảng thời gian “vàng” mẹ nên chăm chỉ uống nước dừa để hạn chế tình trạng mất nước, giảm thiểu vấn đề ợ nóng, trướng bụng. Và đặc biệt, theo như lời truyền miệng, mẹ bầu uống nước dừa sẽ giúp thai nhi sinh ra trắng trẻo, hồng hào.
Tuy nước dừa mang đến rât nhiều lợi ích cho mẹ nhưng mẹ cũng không nên uống quá nhiều nhé. Mỗi tuần, mẹ uống khoảng 3-4 quả là được để tránh bị tiểu đường thai kỳ. Đặc biệt, mẹ nhớ không uống nước dừa vào buổi tối, không uống khi cơ thể đang mệt mỏi hoặc vừa đi ngoài nắng về nhé.
Mang thai tháng thứ 6 sẽ trôi qua một cách êm đềm và bình yên nếu mẹ biết cách chăm sóc cơ thể thật tốt, đồng ăn có chế độ ăn uống cũng như nghỉ ngơi thật khoa học. Trong thời gian này, nếu thấy có bất cứ hiện tượng nào bất thường như chảy máu, đau bụng dữ dội, chóng mặt, thị lực suy giảm… các mẹ nên đi bệnh viện kiểm tra nhé.