Ramipril

Thuốc Ramipril
Hoạt Chất

Ramipril

    Đóng gói: Viên nang

    Loại thuốc: Điều trị bệnh cao huyết áp, suy tim

    Công ty sản xuất: Pfizer - công ty dược phẩm đa quốc gia của Mỹ

    Quốc gia sản xuất: Mỹ

Tác giả: Cập nhật: 2:25 pm , 28/06/2024 Tham vấn y khoa: Bs. Lê Thị Phương

Ramipril là một trong những loại thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) được sử dụng để điều trị cho các bệnh nhân bị huyết áp cao, suy tim. Nhờ có sự tác động của thuốc, người bệnh sẽ giảm thiểu được tối đa nguy cơ bị đột quỵ, đau tim, các vấn đề về thận và đặc biệt là tránh được án tử vong. Thuốc đã được Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê chuẩn vào năm 1991.

Thuốc Ramipril có công dụng gì?

Ramipril thuộc nhóm thuốc có tên gọi là thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE). Bệnh nhân bị huyết áp cao (huyết áp tâm thu lớn hơn 140 mmHG và huyết áp tâm trương lớn hơn 90 mmHg) thường được bác sĩ chỉ định sử dụng loại thuốc này kết hợp với một số tên thuốc khác giúp bình ổn huyết áp về một mức độ an toàn.

Khi được đưa vào bên trong cơ thể, Ramipril sẽ bắt đầu hoạt động và giúp các mạch máu được thư giãn, từ đó giúp hạ huyết áp, đồng thời tăng cung cấp máu lẫn oxy cho tim. Khi huyết áp được điều chỉnh về mức độ ổn định, người bệnh sẽ hạn chế được nguy cơ bị đột quỵ.

Bên cạnh đó, thuốc Ramipril cũng được sử dụng để giảm nguy cơ đau tim, đột quỵ ở đối tượng người bệnh trên 55 tuổi. Không chỉ vậy, thuốc cũng giúp cải thiện khả năng sống sót khi tim của một người không thể bơm đủ máu đến cơ thể (suy tim sung huyết) sau một cơn đau tim.

Thuốc Ramipril sử dụng cho các bệnh nhân bị cao huyết áp
Thuốc Ramipril sử dụng cho các bệnh nhân bị cao huyết áp

Năm 1991, thuốc đã được Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận. Ramipril là thuốc sử dụng theo đơn và bắt buộc phải có hướng dẫn của bác sĩ trước khi sử dụng.

Liều lượng và cách dùng thuốc Ramipril

Thuốc Ramipril được bào chế dưới dạng viên nang với hàm lượng 1.25 mg; 2.5 mg; 5 mg và 10 mg. Tùy vào tình trạng bệnh cũng như sức khỏe của bệnh nhân, liều lượng sử dụng Ramipril ở mỗi người là khác nhau.

1. Liều dùng Ramipril cho bệnh nhân bị cao huyết áp

Tuổi Trường hợp đặc biệt Liều dùng
18-64
  • Nếu dùng thuốc lợi tiểu:

+Liều ban đầu: 1,25 mg uống một lần / ngày

+Liều duy trì:  2,5-20 mg/ngày uống một lần/ngày hoặc chia 2 lần, cách nhau 12 giờ

  • Nếu không dùng thuốc lợi tiểu:

+ Liều khởi đầu: 2.5mg 1 lần/ngày

+ Liều duy trì: 2,5-20 mg/ngày

0-17 – Chưa có thông tin cụ thể
>65 – Liều ban đầu sẽ ít hơn so với các bệnh nhân khác
Gặp vấn đề về thận – 1,25 mg mỗi ngày một lần. Bác sĩ có thể tăng liều lên 5 mg nếu cần để kiểm soát huyết áp.
Hẹp động mạch thận hoặc mất nước – Liều khởi đầu là 1,25mg 1 lần/ngày

2. Liều dùng Ramipril để giảm nguy cơ đau tim, đột quỵ

Tuổi Trường hợp đặc biệt Liều dùng
0-17 – Không có thông tin cụ thể
18-54 – Hỏi ý kiến bác sĩ
55-64 – 2.5mg uống mỗi ngày một lần trong vòng 1 tuần

– Tăng lên 5mg/ngày trong 3 tuần tiếp theo

– Bác sĩ có thể tăng liều lên 10mg mỗi ngày nếu huyết áp quá cao hoặc cơn đau tim thường xuyên xuất hiện

>65 – Bác sĩ có thể sẽ cho bệnh nhân bắt đầu với một liều thấp hơn bình thường
Hẹp động mạch thận hoặc mất nước – Liều khởi đầu là 1,25 mg uống mỗi ngày một lần

3. Liều dùng Ramipril cho bệnh nhân bị suy tim

Tuổi Trường hợp đặc biệt Liều dùng
0-17 – Chưa có thông tin cụ thể
18-64 – 2.5-5mg mỗi ngày, chia 2 lần uống (mỗi lần 1.25mg hoặc 2.5mg)

– Sau 3 tuần, bác sĩ có thể tăng liều

– Liều tối đa trong ngày là 20mg

– Sau 2 giờ sử dụng liều đầu tiên, bác sĩ sẽ theo dõi sức khỏe của bạn để đảm bảo không có gì nguy hiểm xảy ra

>65 – Bác sĩ có thể sẽ cho bệnh nhân bắt đầu với một liều thấp hơn bình thường
Vấn đề về thận – 1,25 mg mỗi ngày một lần. Liều tối đa là 2,5mg uống 2 lần/ngày
Hẹp động mạch thận hoặc mất nước – Liều khởi đầu là 1,25 mg uống mỗi ngày một lần. Bác sĩ sẽ có điều chỉnh liều dùng khi cần thiết

Tác dụng phụ của Ramipril là gì?

Ramipril là loại thuốc ức chế men chuyển ACE nên trong thời gian sử dụng, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ điển hình như:

  • Ho khan, ho lâu ngày: Theo một khảo sát của các chuyên gia y tế tại Ba Lan được tiến hành trên 10.380 bệnh nhân, số lượng người bị ho sau khi sử dụng thuốc Ramipril chiếm tỉ lệ tương đối lớn. Hiện tượng này thường xuất hiện ở đối tượng bệnh nhân là phụ nữ. Sau khi ngừng uống thuốc, những cơn ho cũng dần biến mất.
  • Phù mạch: Một vấn đề mà các chuyên gia y tế vô cùng quan ngại khi cho bệnh nhân sử dụng Ramipril đó chính là tình trạng phù mạch. Sau một thời gian uống Ramipril, không ít người đã phản ánh về việc bị sưng phù ở môi, họng, thực quản, lưỡi. Vấn đề này có thể khiến bệnh nhân bị khó thở và dẫn đến tử vong chính vì thế mọi người cần phải đặc biệt lưu ý.
  • Hạ huyết áp một cách đột ngột: Vẫn biết thuốc Ramipril được sử dụng để bình ổn huyết áp cho những người bị huyết áp cao, thế nhưng nếu dùng quá liều hoặc không đúng cách nó có thể khiến cho huyết áp người bệnh hạ một cách đột ngột và dẫn đến nguy hiểm.
  • Suy thận cấp: Các chuyên gia y tế trên thế giới đã nhiều lần đề cập đến vấn đề thuốc Ramipril có thể gây suy thận cấp cho người dùng, đặc biệt là đối tượng người cao tuổi. Do đó, trong thời gian uống thuốc, mọi người cần thường xuyên đi kiểm tra gan, thận, xét nghiệm máu để sớm phát hiện những vấn đề bất thường nếu có.
Thuốc được sản xuất dưới dạng viên nang
Thuốc được sản xuất dưới dạng viên nang

Một số tác dụng phụ khác của thuốc Ramipril:

  • Buồn nôn và nôn
  • Đau bụng
  • Vàng da
  • Cơ thể thường xuyên mệt mỏi, uể oải
  • Viêm họng, sốt
  • Rối loạn nhịp tim
  • Lượng nước tiểu giảm
  • Đau tức ngực
  • Chảy máu không rõ nguyên nhân
  • Tầm nhìn bị mờ
  • Đổ nhiều mồ hôi
  • Đau cánh tay và các cơ trên cơ thể
  • Chóng mặt, ngất xỉu

Đối tượng nào nên cẩn trọng khi sử dụng Ramipril?

Nếu người bệnh bị cao huyết áp nhưng đồng thời lại gặp phải một số vấn đề sức khỏe dưới đây thì nên cẩn trọng khi sử dụng thuốc Ramipril để tránh tình trạng bệnh trở nên trầm trọng. Tất cả các trường hợp này cần được bác sĩ thăm khám thường xuyên.

  • Đang bị viêm khớp dạng thấp
  • Mắc bệnh thận và đang phải lọc máu
  • Bị suy gan
  • Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú
  • Bệnh nhân trên 65 tuổi
  • Đang uống thuốc điều trị bệnh tiểu đường
  • Bị dị ứng với các thành phần có trong thuốc
  • Có tiền sử mắc bệnh phù mạch (mặt, môi, lưỡi, cổ họng hoặc các bộ phận khác trên cơ thể bị sưng một cách bất thường)
  • Bệnh nhân thường xuyên bị đổ mồ hôi cho dù không hoạt động mạnh
  • Dị ứng với bất kỳ chất ức chế men chuyển khác, ví dụ như benazepril, captopril, enalapril, fosinopril, lisinopril, moexipril, perindopril, quinapril hoặc trandolapril
  • Mắc một số bệnh về mô liên kết, chẳng hạn như hội chứng Marfan (một bệnh di truyền hiếm gặp), hội chứng Sjogren (gây ra do viêm các tuyến nước mắt, nước bọt…)
  • Lượng kali trong máu cao
  • Thường xuyên bị thiếu máu
  • Không dùng thuốc Ramipril cho trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi
Người bị viêm khớp dạng thấp nên cẩn trọng khi dùng thuốc này
Người bị viêm khớp dạng thấp nên cẩn trọng khi dùng thuốc này

Người bệnh nên lưu ý gì khi dùng Ramipril?

  • Không dùng thuốc Ramipril trong vòng 36 giờ trước và sau khi sử dụng thuốc có chứa sacubatril, chẳng hạn như Entresto để điều trị bệnh suy tim mãn tính ở người lớn
  • Nếu bệnh nhân bị cao huyết áp đồng thời cũng mắc tiểu đường, bác sĩ khuyến cáo không nên sử dụng Ramipril vùng với bất kỳ loại thuốc nào có chứa aliskiren (chẳng hạn như Tekturna hoặc Tekamlo)
  • Thuốc có thể được uống trước hoặc sau bữa ăn đều được
  • Nuốt cả viên thuốc hoặc bóc tách viên nang và đổ thuốc bên trong vào một cốc nước lọc hoặc nước ép táo cho dễ uống
  • Thường xuyên kiểm tra huyết áp để xác định hiệu quả của thuốc
  • Uống nhiều nước mỗi ngày trong khi đang sử dụng thuốc Ramipril
  • Nếu người bệnh cần phẫu thuật, hãy nói cho bác sĩ biết về việc bản thân đang dùng Ramipril
  • Tiếp tục sử dụng thuốc ngay cả khi tình trạng huyết áp đã ổn định trừ khi có yêu cầu ngừng dùng thuốc của bác sĩ
  • Tuyệt đối không dùng chung đơn thuốc với bệnh nhân khác
  • Hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá, uống cà phê trong thời gian điều trị bệnh huyết áp cao hoặc suy tim bằng thuốc Ramipril
  • Người bệnh không được tự ý thay đổi liều lượng theo ý muốn của mình vì hành động này có thể làm gia tăng tác dụng phụ của thuốc
Tuyệt đối không cắn, nhai viên thuốc trong miệng
Tuyệt đối không cắn, nhai viên thuốc trong miệng

Ramipril tương tác với những loại thuốc nào?

Trước khi sử dụng Ramipril, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ đầy đủ tên các loại thuốc bổ, thuốc điều trị bệnh, vitamin và thảo dược mà mọi người đang sử dụng. Bởi lẽ Ramipril nếu được sử dụng đồng thời với một số loại thuốc “cấm”, nó sẽ bị giảm tác dụng, từ đó khả năng điều trị bệnh cao huyết áp sẽ trở thành con số 0 tròn trĩnh.

Dưới đây là một số thuốc có thể làm cho Ramipril hoạt động kém hiệu quả hơn:

  • Thuốc giảm đau và chống viêm: Ibuprofen, Indometacin và Aspirin
  • Thuốc điều trị bệnh huyết áp thấp, suy tim và hen suyễn như: Ephedrine, Noradrenaline hoặc Adrenaline
  • Thuốc điều trị suy tim mãn tính: Sacubitril + valsartan
  • Thuốc lợi tiểu: Furosemide, Spironolactone (Aldactone ), amiloride (Midamor)
  • Thuốc giúp hạ axit uric trong máu: Allopurinol
  • Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim: Procainamide
  • Thuốc điều trị bệnh tiểu đường: Vildagliptin, Insulin

Bên cạnh các loại thuốc kể trên, mọi người cũng nên tránh dùng Ramipril đồng thời với một số tên gọi khác dưới đây:

  • Spironolactone
  • Triamterene
  • Amiloride
  • Heparin
  • Racecadotril
  • Prednison
  • Tacrolimus
  • Ciclosporin
  • Baclofen
  • Aliskeren
  • Eplerenone
  • Eprosartan
  • Telmisartan
  • Triamterene
  • Bumetanide
  • Bupivacaine
  • Fenoprofen
  • Fepradinol
  • Meloxicam
  • Morniflumate
  • Nabumetone
  • Naproxen
  • Parecoxib
  • Phenylbutazone
  • Valdecoxib
Ramipril có tương tác với nhiều loại thuốc
Ramipril có tương tác với nhiều loại thuốc

Nên bảo quản Ramipril như thế nào?

  • Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng
  • Tránh những nơi ẩm thấp, có ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào
  • Nếu nhà có trẻ nhỏ, mọi người cần để thuốc tránh xa tầm với của con
  • Thuốc sau khi lấy ra khỏi vỉ nên sử dụng ngay
  • Đọc kỹ hướng dẫn bảo quản có in trên bao bì sản phẩm hoặc hỏi ý kiến bác sĩ

Thuốc Ramipril có giá bao nhiêu? Mua ở đâu?

Thuốc Ramipril hiện có bán tại hầu hết các cửa hàng thuốc trên toàn quốc vì thế mọi người rất dễ dàng để tìm mua. Giá thuốc sẽ có sự chênh lệch ít nhiều tùy thuộc vào từng địa điểm bán nên bệnh nhân có thể tham khảo một vài địa chỉ trước khi quyết định mua.

Thuốc Ramipril không thể giúp chữa khỏi bệnh hoàn toàn, nó chỉ có tác dụng hỗ trợ giúp kiểm soát bệnh ở mức độ an toàn. Tình trạng cao huyết áp cũng như suy tim của mọi người chỉ có thể được ổn định nếu sử dụng thuốc Ramipril đúng theo hướng dẫn của bác sĩ đồng thời kết hợp với chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, tập luyện hợp lý. Khi mắc bệnh, mọi người nên hình thành thói quen đo huyết áp cũng như nhịp tim thường xuyên để nắm bắt được mức độ bệnh tật của chính mình.

Chúc mọi người luôn khỏe mạnh!

Thông tin thuốc trên đây đều được lấy từ nhiều nguồn tin khác nhau, bao gồm các bài báo trên tạp chí y khoa, những bài thuyết trình hội thảo y tế cũng như các trang tin sức khỏe nổi tiếng của nước ngoài.

Wiki Bác Sĩ không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa. Chính vì thế, khi quyết định sử dụng bất cứ loại thuốc nào, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên gia, tuyệt đối không được dùng theo ý thích cá nhân.

Top