Thuốc Levetiracetam

Thuốc Levetiracetam
Hoạt Chất

Levetiracetam

    Đóng gói: Viên nén, dung dịch uống, tiêm

    Loại thuốc: Dùng cho người hay bị co giật do bệnh động kinh gây ra

    Công ty sản xuất: Tập đoàn UCB – chuyên về hóa chất và dược phẩm sinh học

    Quốc gia sản xuất: Bỉ

Tác giả: Cập nhật: 2:18 pm , 28/06/2024 Tham vấn y khoa: Bs. Lê Thị Phương

Thuốc Levetiracetam đã được Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt vào năm 1999 và được khuyến cáo sử dụng cho các bệnh nhân bị động kinh. Nó hoạt động bằng cách kiểm soát các chất dẫn truyền thần kinh (hóa chất) trong não, từ đó hạn chế các cơn co giật và giúp kiểm soát bệnh ở mức độ an toàn.

Thuốc Levetiracetam có công dụng gì?

Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) cho biết động kinh là một trong những căn bệnh rối loạn thần kinh phổ biến hiện nay và thường có triệu chứng điển hình nhất là các cơn co giật.

Năm 2013, các nhà nghiên cứu từ Đại học Oxford và Đại học College London ở Anh đã báo cáo rằng những người mắc bệnh động kinh có nguy cơ tử vong sớm gấp 11 lần so với người bình thường. Chính vì thế, ngay sau khi phát bệnh, việc điều trị là vô cùng quan trọng.

Khi bị chẩn đoán bệnh, mọi người sẽ được bác sĩ kê thuốc chống động kinh, điển hình là Levetiracetam (Keppa). Theo các chuyên gia y tế, Levetiracetam thuộc nhóm thuốc có tên gọi là thuốc chống co giật. Nó hoạt động bằng cách kiểm soát các chất dẫn truyền thần kinh (hóa chất) trong não, từ đó hạn chế các cơn co giật và giúp kiểm soát bệnh ở mức độ an toàn.

Thuốc Levetiracetam dùng cho các bệnh nhân bị động kinh
Thuốc Levetiracetam dùng cho các bệnh nhân bị động kinh

Levetiracetam có hiệu quả tương đương với phenytoin trong phòng ngừa co giật sớm sau chấn thương sọ não. Thuốc cũng đã được chấp thuận tại Liên minh Châu Âu như là một phương pháp điều trị cho bệnh động kinh trong trường hợp co giật một phần hoặc co giật cơ tim ở người lớn và thanh thiếu niên từ 12 tuổi trở lên.

Thuốc được sản xuất bởi UCB – một tập đoàn chuyên nghiên cứu về dược phẩm sinh học. Năm 1999, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt cho phép lưu hành rộng rãi thuốc Levetiracetam trên toàn thế giới.

Cách dùng và liều lượng thuốc Levetiracetam

Cách dùng như thế nào?

Thuốc Levetiracetam được sản xuất dưới dạng:

  • Dạng viên nén: 250mg, 500mg, 750mg
  • Dạng dung dịch uống: 100mg/ml
  • Dạng dung dịch tiêm: 5mg/ml, 10mg/ml, 15mg/ml, 100mg/ml

Levetiracetam thường được dùng hai lần một ngày, vào buổi sáng và buổi tối. Với dạng Levetiracetam viên nén phóng thích kéo dài thì người bệnh chỉ cần uống một lần duy nhất trong ngày.

Liều lượng sử dụng thuốc Levetiracetam

Tùy thuộc vào độ tuổi cũng như tình trạng sức khỏe, người mắc bệnh động kinh sẽ có liều lượng sử dụng Levetiracetam khác nhau. Cụ thể là:

  • Người từ 16 tuổi trở lên: Có thể dùng liều 1.000 mg, 2.000 mg hoặc 3.000 mg, chia đều 2 lần/ngày
  • Trẻ em từ 1 đến 6 tháng tuổi: Nên bắt đầu với 14 mg mỗi ngày, chia làm hai liều bằng nhau.
  • Trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi: Dùng Levetiracetam 2 lần/ngày, mỗi lần 10mg
  • Trẻ từ 4 đến 16 tuổi: Nên bắt đầu với hai liều 10 mg bằng nhau mỗi ngày
  • Người 12 tuổi trở lên bị co giật cơ tim: Bắt đầu điều trị Levetiracetam với liều ban đầu là 1.000 mg/ngày, chia làm 2 lần sử dụng/ngày
Thuốc cũng có dạng dung dịch tiêm
Thuốc cũng có dạng dung dịch tiêm

Thuốc Levetiracetam gây ra tác dụng phụ gì?

Theo cảnh báo của các chuyên gia y tế, nếu sử dụng thuốc Levetiracetam không đúng chỉ dẫn hoặc lạm dụng nó, người bệnh có nguy cơ trở nên hung hăng, dễ bị kích động và khó kiểm soát được hạnh động của bản thân. Từ một con người hiền lành, sống lạc quan, vui vẻ, bạn có thể sẽ thay đổi 180 độ trở thành người thường xuyên lo âu, hay tức giận và dễ bị trầm cảm sau khi dùng Levetiracetam.

Năm 2008, FDA đã xem xét dữ liệu từ các nghiên cứu về thuốc và cho thấy mỗi quan hệ giữa nhiều loại thuốc chống động kinh (trong đó có Levetiracetam) và các hành vi tự tử. Theo kết quả, số lượng người bị động kinh dùng Levetiracetam có ý định tìm đến cái chết cao hơn so với những người điều trị bệnh bằng các giả dược khác.

Chính vì thế, trong thời gian giảm thiểu tối đa các cơn co giật do bệnh động kinh bằng thuốc Levetiracetam, người nhà cần phải để mắt nhiều hơn đến bệnh nhân để sớm thông báo cho bác sĩ nếu thấy họ có dấu hiệu bất thường về cả hành vi lẫn tính cách.

Các phản ứng da như hội chứng Stevens-Johnson (một tình trạng bệnh về da hiếm gặp nhưng nguy hiểm), bong tróc da, hoại tử… cũng là tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc Levetiracetam đã được các nhà nghiên cứu thông báo.

Không những vậy, Levetiracetam có thể làm giảm số lượng tế bào chống nhiễm trùng trong cơ thể (tế bào bạch cầu). Nếu người bệnh bị sốt, đau họng, mệt mỏi trong khi dùng loại thuốc này thì cần đến bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ sẽ làm xét nghiệm mấu để theo dõi tình trạng này.

Bên cạnh các rắc rối kể trên, người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ nếu thấy cơ thể xuất hiện một số triệu chứng khác thường dưới đây:

  • Suy giảm trí nhớ
  • Đau cơ hoặc yếu cơ
  • Đau đầu,  chóng mặt
  • Chảy máu bất thường ở mũi, nướu hoặc ho ra máu
  • Khó thở, ngạt mũi, sưng, đau miệng và cổ họng
  • Xuất hiện các vết bầm tím không rõ nguyên nhân
  • Viêm tụy
  • Ức chế tủy xương
  • Hen suyễn
  • Viêm xoang
  • Tầm nhìn kém
  • Rụng tóc
  • Chán ăn
  • Buồn ngủ
  • Tiêu chảy
  • Huyết áp tăng
  • Nhiễm trùng

Đối tượng nào nên cẩn trọng khi sử dụng Levetiracetam?

Theo các chuyên gia y tế, nếu người bệnh thuộc các trường hợp dưới đây thì việc kê đơn thuốc Levetiracetam sẽ cần phải được cân nhắc rất kỹ. Thậm chí, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe bệnh nhân, thuốc Levetiracetam có thể sẽ không được chỉ định sử dụng cho các đối tượng này.

  • Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú
  • Bị dị ứng với các thành phần có trong thuốc
  • Bệnh nhân đang mắc bệnh tâm thần hoặc có tiền sử với tình trạng này
  • Có biểu hiện của chứng bệnh trầm cảm
  • Đối tượng người bệnh dưới 4 tuổi
  • Đang dùng thuốc điều trị bệnh thận hoặc đang tiến hành lọc máu, chạy thận nhân tạo
  • Thường xuyên bị thiếu máu
  • Người bệnh thường xuyên bị rối loạn cảm xúc, nhiều lần có ý nghĩ tự tử
  • Bệnh nhân trên 65 tuổi
  • Mắc bệnh suy gan
Phụ nữ có thai không nên dùng thuốc này
Phụ nữ có thai không nên dùng thuốc này

Người bệnh cần lưu ý gì khi dùng Levetiracetam?

  • Nuốt cả viên thuốc khi uống với một cốc nước đầy
  • Với những người gặp khó khăn khi nuốt cả viên thuốc khi có thể bẻ nó làm đôi hoặc nghiền nát rồi trộn với thức ăn
  • Những người có vấn đề về gan có thể được bắt đầu với liều Levetiracetam thấp hơn
  • Levetiracetam có thể được uống trước hoặc sau khi ăn đều được
  • Với Levetiracetam dạng dung dịch, người bệnh cần nhớ lắc đều nó trước khi sử dụng
  • Những người bị động kinh thường sẽ dùng Levetiracetam hoặc các loại thuốc khác trong suốt cuộc đời của họ. Nếu levetiracetam không còn hiệu quả hoặc gây ra tác dụng phụ, bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ để đổi thuốc nếu cần
  • Người bệnh không được tự ý thay đổi liều dùng hoặc ngừng sử dụng thuốc mà không thông báo cho bác sĩ
  • Sau khi uống Levetiracetam, người dùng có thể sẽ bị chóng mặt, đau đầu và buồn ngủ do đó mọi người tránh làm việc nặng hoặc lái xe
  • Thuốc nên được uống cố định một khung giờ mỗi ngày để tránh tình trạng quên liều
  • Nếu lỡ quên liều, mọi người cần uống ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên nếu thời điểm đó quá gần với mốc thời gian sử dụng liều tiếp theo thì người bệnh có thể bỏ qua liều đã quên, không dùng 2 liều cùng một lúc
  • Levetiracetam có thể được kết hợp cùng với một số loại thuốc chống động kinh khác nhưng vấn đề này cần có chỉ định của bác sĩ

Levetiracetam tương tác với những loại thuốc nào?

Một trong những điều quan trọng người bệnh nhất định phải biết đó là Levetiracetam có sự tương tác nhất định với một số loại thuốc và điều này đương nhiên làm ảnh hưởng đến tác dụng cũng như cách thức hoạt động của thuốc, từ đó khiến sức khỏe người dùng có những chuyển biến xấu. Chính vì thế mọi người cần phải thông báo ngay cho bác sĩ nếu như trong tủ thuốc của mình có sự hiện diện của bất kỳ một tên gọi nào dưới đây:

  • Zyrtec
  • Alleroff
  • Benadryl
  • Sominex
  • Diphenhist
  • Wal-Dryl
  • Uraidone
  • Orlistat
  • Hydramine
  • Efavirenz
  • Entacapone
  • Banophen
  • Dicopanol
  • Silphen
  • Alprazolam
  • Diazepam (Vali)
  • Vecuronium
  • Rapacuronium
  • Rocuronium
  • Levocarnitine
  • Onabotulinumtoxina
  • Ibuprofen
  • Acalabrutinib
  • Altretamine
  • Brexanolone
  • Brivaracetam
  • Deutetrabenazine
  • Cyanocobalamin
  • Dexmethylphenidat
  • Succinylcholine
  • Mefloquine
  • Methotrexate
  • Mirtazapine
  • Butalbital
  • Zolpidem
  • Pramipexole
  • Pregabalin
  • Ropinirole
  • Rotigotine
  • Rufinamid
  • Scopolamine
  • Tapentadol
  • Tolcapone
  • Thalidomide
  • Zolpidem
  • Zopiclone
Thuốc Levetiracetam có tương tác với nhiều loại thuốc khác
Thuốc Levetiracetam có tương tác với nhiều loại thuốc khác

Bảo quản thuốc Levetiracetam như thế nào?

  • Levetiracetam cần được bảo quản ở nhiệt độ phòng, dưới 35 độ C
  • Không để thuốc ở những nơi ẩm ướt, nấm mốc
  • Thuốc sẽ dễ bị hỏng nếu để ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào
  • Tránh xa tầm tay của trẻ em
  • Nên đọc kỹ hướng dẫn bảo quản thuốc có in trên bao bì sản phẩm hoặc hỏi bác sĩ

Nên mua Levetiracetam ở đâu? Giá bao nhiêu?

Thuốc Levetiracetam loại 500mg có giá khoảng 800.000- 955.000 đồng một hộp 50 viên. Tùy vào từng địa điểm bán, thuốc sẽ có một mức giá khác nhau. Để tránh tình trạng nhập nhèm giá cả, người bệnh nên tìm mua thuốc trực tiếp tại bệnh viện hoặc các cửa hàng thuốc lớn.

Các chuyên gia y tế cho biết Levetiracetam không thể giúp bệnh nhân bị động kinh khỏi bệnh hoàn toàn. Thuốc chỉ có tác dụng hạn chế các cơn co giật, từ đó giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng người bệnh. Trong thời gian dùng thuốc, người nhà cần theo dõi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và lưu ý để mắt đến từng hành động cũng như lời nói của họ để sớm nhận ra các vấn đề bất thường nếu có.

Chúc mọi người luôn khỏe mạnh!

Thông tin thuốc trên đây đều được lấy từ nhiều nguồn tin khác nhau, bao gồm các bài báo trên tạp chí y khoa, những bài thuyết trình tại hội thảo y tế cũng như các trang tin sức khỏe nổi tiếng của nước ngoài.

Wiki Bác Sĩ không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa. Chính vì thế, khi quyết định sử dụng bất cứ loại thuốc nào, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên gia, tuyệt đối không được dùng theo ý thích cá nhân.

Xem thêm: Thuốc Keppra® chữa bệnh động kinh sử dụng như thế nào? Giá bán bao nhiêu?

Top