Ibuprofen là thuốc giảm đau, chống viêm được sử dụng phổ biến trên lâm sàng. Loại thuốc này được bào chế ở dạng viên uống, viên đặt trực tràng và thuốc bôi ngoài nhằm đáp ứng được nhu cầu sử dụng đa dạng. Vì có thể dùng mà không cần kê toa nên việc chủ động trang bị kiến thức về thuốc là vô cùng cần thiết.
Ibuprofen là thuốc gì?
Ibuprofen thuộc nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có hai tác dụng chính là chống viêm và giảm đau. Loại thuốc này có thể sử dụng ngắn hạn mà không cần kê toa. Thuốc có nhiều dạng bào chế như kem bôi ngoài da, viên nang, viên nén và viên đạn đặt trực tràng.
Thông tin cơ bản về Ibuprofen:
Tên hoạt chất: Ibuprofen
Phân nhóm: Thuốc chống viêm không steroid
Dạng bào chế: Viên nén, viên nang, đạn đặt trực tràng và kem bôi ngoài da
Hàm lượng: Kem bôi ngoài da thường 5 – 10%, viên uống có hàm lượng từ 100 – 400mg và viên đạn đặt trực tràng có hàm lượng 500mg
Cơ chế tác dụng của thuốc Ibuprofen
Ibuprofen là thuốc chống viêm không steroid (NSAID) thông dụng được sử dụng trong nhiều trường hợp khác nhau. Loại thuốc này là dẫn xuất từ axit propionic với tác dụng chính là chống viêm và giảm đau, thuốc cũng có tác dụng hạ sốt nhưng hiệu quả không quá mạnh.
Cơ chế của thuốc là ức chế COX 1 – 2, từ đó làm giảm sinh tổng hợp prostaglandin synthetase và giảm nồng độ thromboxan, prostaglandin cùng với các sản phẩm khác của COX (cyclooxygenase). Prostaglandin chính là chất trung gian trong phản ứng viêm. Bằng cách ức chế chất này cùng với các sản phẩm của COX, thuốc mang lại tác dụng kháng viêm và giảm đau hiệu quả.
Tuy nhiên, Ibuprofen có gây ức chế tổng hợp prostaglandin ở thận dẫn đến tình trạng giảm dòng máu đến thận và ứ nước. Do đó, bệnh nhân suy thận, suy gan, suy tim và có các rối loạn về máu phải được giảm liều lượng khi sử dụng.
Tác dụng giảm đau của thuốc thường phát huy sau 20 – 30 phút sử dụng. Tuy nhiên, tác dụng chống viêm xuất hiện muộn hơn, khoảng 2 ngày sử dụng. Thuốc còn có tác dụng hạ sốt nhưng hiệu quả kém hơn Indomethacin và mạnh hơn Aspirin.
Cho đến thời điểm hiện tại, Ibuprofen được xem là thuốc chống viêm không steroid (NSAID) an toàn nhất. Vì vậy, loại thuốc này được sử dụng rất phổ biến trên lâm sàng.
Thuốc Ibuprofen dùng trong trường hợp nào? Chỉ định
Với tác dụng chính là kháng viêm và giảm đau, Ibuprofen được sử dụng trong trường hợp đau nhẹ đến trung bình. Đặc biệt, thuốc được sử dụng phổ biến trong những trường hợp sau đây:
Thống kinh (đau bụng kinh)
Đau đầu do cảm lạnh, cảm cúm
Sau khi thực hiện cắt mép âm hộ và các thủ thuật về răng
Đau do viêm khớp dạng thấp thiếu niên, viêm khớp dạng thấp, đau do chấn thương
Có thể được dùng trong trường hợp đau do ung thư và đau sau đại phẫu để giảm liều lượng của thuốc giảm đau gây nghiện (opioid)
Hạ sốt trong trường hợp tăng thân nhiệt do các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp
Ibuprofen còn được sử dụng trong nhiều trường hợp không được đề cập trong bài viết. Tuy nhiên nếu có ý định dùng thuốc với mục đích khác, bạn nên thông báo với bác sĩ/ dược sĩ để được tư vấn cụ thể.
Chống chỉ định
Ibuprofen được đánh giá là thuốc chống viêm không steroid an toàn nhất hiện nay. Tuy nhiên, với cơ chế giảm sinh tổng hợp prostaglandin, thuốc vẫn có thể gây ra các tác dụng phụ. Chính vì vậy, thuốc chống chỉ định với những trường hợp sau:
Dị ứng, mẫn cảm với bất cứ thành phần nào trong thuốc
Tiền sử dị ứng với Aspirin và các loại thuốc chống viêm khác (nổi mề đay, viêm mũi dị ứng, bùng phát cơn hen cấp sau khi sử dụng,…)
Bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc chống đông coumarin
Suy gan, suy thận
Tiền sử loét dạ dày tá tràng, xuất huyết tiêu hóa hoặc đang bị loét dạ dày tá tràng tiến triển
Rối loạn chảy máu
Có các vấn đề về tim mạch
Bệnh nhân hen suyễn thường xuyên bị co thắt phế quản
Phụ nữ mang thai 3 tháng cuối thai kỳ
Bệnh nhân mắc các bệnh tạo keo
Người bị suy tim sung huyết có hiện tượng giảm khối lượng tuần hoàn do tác dụng của thuốc lợi tiểu hoặc do suy giảm chức năng thận
Prostaglandin giữ nhiều vai trò quan trọng trong cơ chế. Tác dụng giảm sinh tổng hợp prostaglandin của Ibuprofen có thể gây ra nhiều tác dụng ngoại ý. Vì vậy trước khi dùng thuốc, bạn nên thông báo với dược sĩ/ bác sĩ về các vấn đề sức khỏe, những loại thuốc đang sử dụng và tiền sử dị ứng thuốc.
Cách sử dụng – liều dùng thuốc Ibuprofen
Ibuprofen hấp thu tốt ở ống tiêu hóa nên chủ yếu được dùng ở đường uống. Ngoài ra, một số trường hợp đau tại chỗ có thể dùng kem bôi để giảm tác dụng phụ lên dạ dày và đường ruột. Thuốc dạng đặt trực tràng chủ yếu được dùng cho người không thể dùng thuốc đường uống (trẻ em, người bị suy hô hấp). Thuốc được hấp thu ở trực tràng nên nguy cơ tổn thương ống tiêu hóa cũng giảm đi đáng kể.
Cách sử dụng thuốc Ibuprofen:
Viên nén, viên nang: Uống trực tiếp với nước lọc, không nhai hoặc nghiền nát viên thuốc
Kem bôi ngoài da: Làm sạch vùng da cần điều trị và để khô, sau đó thoa một lớp kem mỏng lên trên. Không thoa lên vùng da có vết thương hở hoặc có các vấn đề da liễu như chàm, viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng, nổi mề đay.
Đạn đặt trực tràng: Đặt thuốc trong ngăn mát tủ lạnh từ 10 – 15 phút, sau đó bóc vỏ và nhét phần đầu nhọn vào hậu môn. Kẹp chặt mông để thuốc đi sâu vào bên trong và không bị rơi ra ngoài.
Liều lượng sử dụng thuốc Ibuprofen sẽ phụ thuộc vào mục đích sử dụng (giảm đau, hạ sốt hay kháng viêm). Ngoài ra, bác sĩ/ dược sĩ cũng sẽ điều chỉnh liều lượng tùy theo độ tuổi của từng trường hợp cụ thể.
Liều dùng Ibuprofen với mục đích giảm đau:
Dùng 1.2 – 1.8g/ ngày, chia thành 3 – 4 lần uống
Liều duy trì 0.6 – 1.2g/ ngày
Liều tối đa 2.4 – 3.2g/ ngày trong trường hợp đau nhiều và không có đáp ứng với liều thông thường
Liều dùng Ibuprofen với mục đích giảm sốt:
Liều lượng 200 – 400mg/ lần
Mỗi liều cách nhau 4 – 6 giờ
Liều dùng tối đa 1.2g/ ngày
Liều dùng Ibuprofen cho trẻ em:
Có thể sử dụng để giảm đau hoặc hạ sốt
Liều 20 – 30mg/ kg thể trọng/ ngày chia thành 3 – 4 lần uống
Liều tối đa 40mg/ kg/ ngày chia thành nhiều liều nhỏ (thường được dùng trong điều trị viêm khớp dạng thấp thiếu niên)
Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu dùng cho trẻ dưới 7kg và liều tối đa dành cho trẻ dưới 30kg là 500mg/ ngày
Liều dùng trên áp dụng cho thuốc đặt và thuốc uống. Trường hợp dùng thuốc bôi ngoài, có thể sử dụng 3 – 4 lần tùy vào triệu chứng. Thuốc bôi ngoài không có khả năng hấp thu và không gây triệu chứng toàn thân nên không có quy định cụ thể về liều lượng.
Lưu ý: Bệnh nhân suy thận, suy gan sẽ được điều chỉnh liều để tránh tích lũy thuốc quá nhiều.
Thận trọng khi dùng thuốc giảm đau, chống viêm Ibuprofen
Ibuprofen là loại thuốc giảm đau, chống viêm được sử dụng phổ biến. Là loại thuốc NSAID an toàn nhất nên Ibuprofen có phạm vi chỉ định rộng. Tuy nhiên trước khi sử dụng loại thuốc này, bạn cần chú ý một số vấn đề sau:
Người cao tuổi thường có chức năng gan, thận suy yếu. Chính vì vậy, cần thận trọng khi dùng Ibuprofen cho người già. Nếu sử dụng, chỉ nên dùng liều thấp trong thời gian ngắn để hạn chế tác dụng phụ.
Tương tự như các loại thuốc chống viêm không steroid khác, Ibuprofen gây ức chế tập kết tiểu cầu nên có thể gây chảy máu kéo dài. Để hạn chế tác dụng không mong muốn, không nên dùng Ibuprofen với các loại thuốc chống đông máu và các thảo dược có tác dụng hoạt huyết.
Ibuprofen gây ức chế prostaglandin – thành phần có tác dụng co bóp tử cung. Do đó, thuốc không được dùng trong 3 tháng cuối thai kỳ vì gây ức chế co bóp tử cung và tăng các biến chứng trong quá trình sinh nở.
Ibuprofen và các loại thuốc chống viêm không steroid có thể gây suy hô hấp và tăng áp lực phổi nặng ở trẻ sơ sinh. Lý do là vì thuốc gây đóng sớm ống động mạch trong tử cung, tăng thời gian chảy máu và ức chế chức năng tiểu cầu. Vì vậy, chỉ sử dụng Ibuprofen cho phụ nữ mang thai khi thực sự cần thiết và chống chỉ định tuyệt đối trong 3 tháng cuối thai kỳ.
Ibuprofen có bài tiết vào sữa mẹ nhưng không đáng kể. Chưa có ghi nhận cho thấy loại thuốc này gây ra tác dụng phụ ở trẻ bú mẹ. Dù vậy, phụ nữ đang cho con bú cũng cần chú ý khi dùng loại thuốc này.
Ibuprofen gây giảm sinh tổng hợp prostaglandin – chất bảo vệ niêm mạc dạ dày và đường ruột. Do đó, sử dụng thuốc có thể gây đau dạ dày, tăng nguy cơ loét và xuất huyết tiêu hóa. Để hạn chế tác hại lên cơ quan tiêu hóa, nên uống thuốc sau khi ăn và hạn chế dùng rượu bia cùng với các thực phẩm gây hại cho dạ dày trong thời gian điều trị.
Bảo quản thuốc theo đúng hướng dẫn và không dùng thuốc đã quá hạn hoặc có dấu hiệu hư hỏng.
Tác dụng phụ của thuốc Ibuprofen
Mặc dù được đánh giá là loại thuốc chống viêm không steroid an toàn nhất nhưng Ibuprofen vẫn gây ra nhiều tác dụng phụ. Trong đó, 5 – 15% trường hợp gặp phải các tác dụng không mong muốn về đường tiêu hóa. Tuy nhiên, phần lớn các tác dụng ngoại ý do Ibuprofen đều có thể thuyên giảm sau khi ngưng dùng thuốc.
Với các tác dụng phụ thường gặp, không nhất thiết phải xử trí vì tình trạng sẽ thuyên giảm ngay sau khi ngưng thuốc. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, bạn vẫn nên thông báo với dược sĩ/ bác sĩ để được tư vấn hướng xử trí kịp thời.
Tương tác thuốc
Ibuprofen có thể tương tác với khá nhiều loại thuốc khác nhau. Do đó, không nên tự ý phối hợp các loại thuốc nếu chưa có chỉ định của bác sĩ. Dưới đây là một số loại thuốc đã được xác định có tương tác với Ibuprofen:
Các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) khác: Sử dụng Ibuprofen với các loại NSAID khác có thể làm tăng tác dụng phụ. Vì vậy, không tự ý phối hợp Ibuprofen với NSAID để tăng hiệu quả giảm đau, hạ sốt. Trong trường hợp không có đáp ứng, nên thông báo với bác sĩ để được thay thế bằng loại thuốc giảm đau có hoạt tính mạnh hơn.
Kháng sinh nhóm quinolon: Ibuprofen có thể làm tăng các tác dụng phụ của kháng sinh nhóm quinolon đối với hệ thần kinh trung ương, dẫn đến tình trạng co giật và động kinh. Nếu đang sử dụng kháng sinh này, cần thông báo với bác sĩ để được chỉ định loại thuốc giảm đau khác.
Methotrexate: Ibuprofen làm tăng độc tính của Methotrexate. Khi sử dụng đồng thời, cần chú ý tác dụng phụ để kịp thời có phương án xử trí.
Magnesi hydroxyd: Magnesi hydroxyd làm tăng sự hấp thu ban đầu của Ibuprofen. Do đó nếu dùng đồng thời, bác sĩ/ dược sĩ sẽ chỉ định giảm liều Ibuprofen. Hoặc có thể thay thế Magnesi hydroxyd bằng Nhôm hydroxyd.
Furosemid và các loại thuốc lợi tiểu: Ibuprofen có thể làm giảm tác dụng bài xuất natri của các loại thuốc lợi tiểu và Furosemid. Vì vậy, hai nhóm thuốc này không được khuyến cáo sử dụng đồng thời.
Digoxin: Ibuprofen được chứng minh có thể làm tăng nồng độ Digoxin trong huyết tương. Vì vậy nếu dùng đồng thời, cần giảm liều Digoxin để hạn chế tác dụng ngoại ý.
Ngoài những loại thuốc trên, Ibuprofen cũng có thể tương tác với một số loại thuốc khác. Để đảm bảo an toàn, bạn nên thông báo với bác sĩ/ dược sĩ các loại thuốc đang sử dụng. Trường hợp phát sinh tương tác thuốc, nên thông báo ngay với bác sĩ để được hỗ trợ.
Quá liều và cách xử trí
Dùng Ibuprofen quá liều sẽ gây ra các triệu chứng tương tự như tác dụng phụ nhưng mức độ nghiêm trọng hơn. Trong đó thường gặp nhất là các triệu chứng ở hệ tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn, nôn mửa và nôn ra máu (do xuất huyết dạ dày).
Khi gặp phải các triệu chứng này, bạn nên đến ngay bệnh viện để được xử trí kịp thời. Hoặc cũng có thể chủ động đến bệnh viện nếu nhận thấy đã sử dụng thuốc quá liều lượng khuyến cáo.
Xử trí khi dùng Ibuprofen quá liều:
Điều trị triệu chứng và nâng đỡ thể trạng
Rửa dạ dày, gây nôn và dùng than hoạt hoặc thuốc tẩy muối nhằm tăng đào thải và bất hoạt thuốc. Trường hợp cần thiết có thể dùng thuốc lợi tiểu.
Nếu bệnh nhân có triệu chứng nặng, bác sĩ sẽ chỉ định truyền máu hoặc thẩm tách máu.
Thuốc Ibuprofen có giá bao nhiêu? Mua ở đâu?
Thuốc Ibuprofen có thể sử dụng mà không cần toa của bác sĩ nên có bán tại hầu hết các nhà thuốc tư nhân trên toàn quốc. Ibuprofen được sản xuất với nhiều thương hiệu khác nhau nhưng nhìn chung có già thành khá hợp lý.
Theo khảo sát, giá mỗi viên sẽ dao động từ 5 – 8.000 đồng. Giá bán cụ thể phụ thuộc vào hàm lượng, dạng bào chế và thương hiệu. Trong đó, các loại thuốc được sản xuất trong nước sẽ có giá thành rẻ hơn.
Ibuprofen là loại thuốc giảm đau, chống viêm được sử dụng phổ biến. Hy vọng qua những thông tin trong bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ hơn về công dụng, liều lượng và tác dụng phụ có thể gặp phải. Ngoài ra, nên đọc kỹ hướng dẫn in trên bao bì và trao đổi với dược sĩ để đảm bảo an toàn khi sử dụng.