Chuẩn Bị Đồ Đi Sinh
Chuẩn bị đồ đi sinh là vấn đề thực sự quan trọng đối với các mẹ bầu vào thời điểm cuối thai kỳ. Mặc dù đây là công việc không quá phức tạp nhưng nhiều yếu tố tác động có thể khiến mẹ gặp phải thiếu sót. Nếu chưa có nhiều kinh nghiệm thì những thông tin từ bài viết dưới đây sẽ giúp các mẹ chủ động hơn.
Khi nào mẹ nên chuẩn bị đồ đi sinh?
Mang thai là một trong những giai đoạn thiêng liêng và nhiều cảm xúc nhất trong cuộc đời người phụ nữ. Càng về những tháng cuối thai kỳ thì mẹ bầu càng mong ngóng sự xuất hiện của con yêu. Để sẵn sàng cho ngày sinh đẻ cận kề thì mẹ bầu và người nhà cần chuẩn bị đồ đi sinh thật kỹ càng.
Theo lời khuyên từ các bác sĩ sản phụ khoa thì mẹ bầu nên chuẩn bị sẵn đồ đi sinh từ tuần thứ 32 đến 35 của thai kỳ. Điều này giúp phòng trường hợp thai nhi có thể chào đời sớm hơn một chút so với dự kiến.
Thời điểm tốt nhất để bắt đầu quá trình chuẩn bị là vào khoảng 28 tuần mang thai hoặc khi bắt đầu tam cá nguyệt thứ ba. Việc chuẩn bị đồ thường không quá phức tạp. Tuy nhiên mẹ bầu lại có nhiều vấn đề cần quan tâm, hơn nữa còn phải tùy thuộc vào thời điểm dự sinh để cân nhắc chuẩn bị đồ đi sinh mùa đông hay mùa hè. Do đó mẹ bầu có thể gặp phải thiếu sót hoặc chưa thật sự chỉn chu.
Đặc biệt với những người mới lần đầu làm mẹ thì việc chuẩn bị giỏ đồ vào thời điểm cuối thai kỳ thực sự là vấn đề lớn. Điều này ảnh hưởng đáng kể tới tâm lý của mẹ sau khi sinh. Sự chu đáo và đầy đủ sẽ giúp cho các mẹ thoải mái, dễ chịu hơn vì bất cứ thứ gì cần thiết cũng luôn sẵn sàng.
Chuẩn bị đồ đi sinh cho mẹ cần những gì?
Để chuẩn bị thật tốt cho lần “vượt cạn” cận kề thì mẹ bầu phải chuẩn bị khá nhiều thứ cho bản thân mình. Việc chia các loại đồ cần chuẩn bị theo từng nhóm sẽ giúp mẹ bầu dễ dàng hơn và tránh bị bỏ sót. Cụ thể như sau:
– Các vật dụng và tài liệu cần thiết:
- Giấy tờ tùy thân có hình: Có thể là chứng minh nhân dân, bằng lái xe, thẻ bảo hiểm. Cần kiểm tra bất cứ giấy tờ thủ tục nào bạn nên mang theo trước khi tới bệnh viện hoặc trung tâm sinh đẻ.
- Kế hoạch sinh của bạn: Bạn có thể đã thảo luận với đội ngũ y tế về kế hoạch sinh nở của mình. Tuy nhiên việc in sẵn một vài bản sao cho các bác sĩ và y tá là cần thiết. Điều này giúp mọi người có thể tham khảo trong trường hợp có thắc mắc vào phút cuối.
- Điện thoại di động và bộ sạc: Bạn có thể dùng điện thoại để giữ liên lạc với người thân yêu. Đồng thời sử dụng nó để chụp một vài bức ảnh đầu tiên hay đăng những tin tức đặc biệt trên mạng xã hội. Tốt nhất nên mang theo ổ cắm nhiều phích cắm để phòng trường hợp cần sạc nhiều đồ điện tử cùng một lúc.
– Vật dụng cá nhân:
- Đồ vệ sinh cá nhân: Đừng quên chuẩn bị khăn giấy, bàn chải đánh răng, kem đánh răng, lược, chất khử mùi, dầu gội, dầu xả, dây buộc tóc và máy sấy tóc. Túi đựng đồ vệ sinh dạng treo có thể hữu ích bởi phòng tắm của bệnh viện thường không có đủ không gian để đặt đồ lên quầy. Ngoài ra bạn nên chuẩn bị một túi nhựa để nhét quần áo bẩn vào.
- Băng vệ sinh: Bệnh viện thường cung cấp băng vệ sinh để thấm máu sau khi sinh. Tuy nhiên nếu bạn thích dùng một nhãn hiệu cụ thể thì hãy mang theo của riêng mình. Bạn có thể chuẩn bị khoảng 6 cái băng vệ sinh mama hoặc nhiều hơn.
– Quần áo:
- Một chiếc áo choàng tắm, 1 – 2 chiếc váy ngủ, dép đi trong nhà và tất: Các bệnh viện và trung tâm sinh đẻ thường sẽ cung cấp áo choàng và tất cho bạn sử dụng. Tuy nhiên một số phụ nữ lại thích mang theo đồ của mình. Nếu mang theo váy ngủ, bạn hãy chọn loại có cúc hoặc khóa mở ra phía trước để dễ dàng cho con bú hơn.
- Một vài bộ trang phục thoải mái: Một số bà mẹ thích thay váy ngủ khi họ ở trong bệnh viện, nhất là nếu họ đang chờ khách đến thăm. Nếu bạn sinh mổ thì nên chuẩn bị quần áo rộng rãi để không làm ảnh hưởng tới vết mổ.
- Quần lót cotton mỏng: Mẹ bầu nên chuẩn bị loại tiện lợi, sử dụng 1 lần. Khoảng 20 cái là đủ cho cả trường hợp sinh thường hay sinh mổ.
- Áo lót cho con bú thoải mái: Ngực của bạn có thể bị mềm và sưng lên khi sữa về. Điều này có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong khoảng vài ngày đầu sau khi sinh. Chuẩn bị một chiếc áo ngực tốt sẽ mang lại sự thoải mái. Đồng thời đừng quên thêm miếng lót cho con bú để thấm hút sữa bị rò rỉ.
– Đồ dùng sau khi chuyển dạ:
- Đồ ăn nhẹ: Sau nhiều giờ chuyển dạ, bạn có thể rất đói và cần bổ sung thức ăn. Có thể mang theo bánh quy giòn, trái cây tươi hoặc khô, các loại hạt hay bất cứ thứ gì gọn nhẹ mà bạn nghĩ mình sẽ thích. Nếu bạn sinh mổ thì bác sĩ có thể yêu cầu bạn đợi 8 giờ hoặc lâu hơn trước khi ăn bất cứ thứ gì.
- Mặt nạ che mắt và nút tai: Đây là những thứ đồ nhỏ bé nhưng lại không kém phần quan trọng. Chúng giúp cho bạn dễ ngủ hơn nếu đang phải ở trong căn phòng sau sinh sáng hoặc ồn ào.
- Một sổ ghi chú hoặc nhật ký và bút: Bạn có thể cần theo dõi các lần cho con bú, viết ra các câu hỏi cần hỏi bác sĩ hoặc ghi nhật ký về việc sinh con. Một số mẹ bầu mang theo sổ em bé để có thể ghi ngay thông tin chi tiết về ca sinh.
- Sách hoặc ứng dụng về chăm sóc trẻ sơ sinh: Các y tá hậu sản luôn có mặt để giải đáp thắc mắc và hướng dẫn bạn cách thay tã, bế con, cho con bú hay tắm cho trẻ sơ sinh nếu bạn cần hướng dẫn. Tuy nhiên việc bạn có thêm tài liệu để chủ động tham khảo vẫn sẽ là cần thiết.
- Gối cho con bú: Việc chuẩn bị một chiếc gối được thiết kế đặc biệt sẽ hỗ trợ tốt hơn so với gối của bệnh viện.
Danh sách đồ cần chuẩn bị cho em bé
Bên cạnh việc chuẩn bị đồ đi sinh cho mẹ thì bạn cũng cần chú ý đến chuẩn bị đồ cho bé yêu. Dưới đây là một số thứ mẹ bầu tuyệt đối không được quên:
- Quần áo sơ sinh: Mẹ nên chuẩn bị sẵn cho bé yêu khoảng 3 – 4 bộ quần áo sơ sinh. Mặc dù sau khi sinh và trong suốt thời gian ở bệnh viện thì bé sẽ sử dụng đồ của bệnh viện nhưng việc chuẩn bị đồ sẽ giúp mẹ chủ động hơn khi con yêu tè, ị hay trớ sữa. Tùy thuộc vào mùa trong năm mà mẹ có thể cân nhắc chọn quần áo dài tay hay ngắn tay. Tuy nhiên cần ưu tiên chất liệu lành tính, mềm và thoáng.
- Khăn sữa: Đối với vật dụng này thì mẹ nên chuẩn bị nhiều một chút, khoảng 15 – 20 cái. Đây là vật dụng không thể bỏ sót trong giỏ đồ đi sinh dù là mùa hè hay mùa đông. Nó có thể dùng cho cả mẹ và bé, hơn nữa còn rất gọn nhẹ nên chuẩn bị nhiều một chút là cần thiết. Mẹ có thể chuẩn bị cả loại khăn sữa cỡ nhỏ và cỡ trung.
- Khăn vải lớn: Nên chuẩn bị khoảng 5 – 8 cái. Chú ý ưu tiên loại khăn được làm từ chất liệu vải cotton thấm hút tốt. Khăn vải lớn sẽ được sử dụng để lau cho con sau khi tắm hoặc quấn để giữ ấm cho con. Ngoài ra mẹ cũng có thể sử dụng loại khăn này để che khi cho con bú.
- Bao tay, bao chân: Mẹ nên chuẩn bị cho bé khoảng 2 – 3 đôi bao tay, bao chân. Ưu tiên loại có chun mềm và kích thước rộng để trẻ được thoải mái. Chú ý cắt hết chỉ thừa và lộn mặt trái sau khi giặt rồi mới cho vào túi đồ đi sinh.
- Nón vải mềm: Đối với vật dụng này thì bạn chỉ cần chuẩn bị 1 – 2 cái. Đặc biệt là vào mùa đông sẽ rất cần thiết. Trường hợp sinh vào mùa hè thì mẹ có thể bỏ qua nón vải mềm.
- Tã chéo: Nên chuẩn bị cho bé khoảng 10 chiếc tã chéo. Loại tã này được các bác sĩ khuyên dùng vì tránh gây cảm giác khó chịu cho trẻ. Hơn nữa còn có thể giặt giũ sạch sẽ và tái sử dụng.
- Tã dán: Bên cạnh việc chuẩn bị tã chéo thì mẹ có thể chuẩn bị thêm cho bé 1 túi tã dán. Trường hợp tã chéo giặt phơi chưa kịp khô thì tã dán sẽ rất cần thiết. Ngoài ra mẹ cũng có thể tận dụng tã dán của trẻ để làm miếng lót hút sản dịch.
- Yếm cho trẻ sơ sinh: Bạn nên chuẩn bị cho bé khoảng 5 cái. Đặc biệt là vào mùa đông thì đây là vật dụng rất quan trọng giúp giữ ấm vùng ngực cho bé. Hơn nữa, yếm còn giúp cho cơ thể con không bị ướt khi bú mẹ.
- Bình pha sữa, sữa bột và phích nước ấm: Một số mẹ bầu có thể chưa về sữa kịp sau khi sinh. Do đó tốt nhất nên chuẩn bị sẵn sữa bột dành cho trẻ trẻ sơ sinh và các dụng cụ pha sữa để sử dụng khi cần thiết.
- Sữa tắm gội cho bé: Mẹ nên lựa chọn sản phẩm lành tính để tránh gây kích ứng cho làn da của trẻ. Một chai sữa tắm cho bé là đủ để dùng trong thời gian lưu viện. Mẹ cũng có thể sử dụng chung sản phẩm này với bé nếu không chuẩn bị sẵn sữa tắm cho bản thân.
- Khăn giấy khô và khăn giấy ướt: Các loại khăn giấy này cũng rất cần thiết trong thời gian lưu viện. Mẹ có thể dùng nó để vệ sinh cho bé hoặc làm sạch bầu ngực cho bản thân.
Bên cạnh các vật dụng nêu trên thì mẹ cũng nên chủ động chuẩn bị cho bé một số loại vật dụng khác. Chẳng hạn như nước muối sinh lý, kem trị hăm da, gạc rơ lưỡi, miếng lót chống thấm, dụng cụ ráy tai cho trẻ sơ sinh,… Tuy nhiên tránh mang quá nhiều đồ đặc bởi một số vật dụng rất dễ dàng mua tại bệnh viện hoặc các trung tâm sinh đẻ.
Lưu ý khi chuẩn bị đồ đi sinh cho mẹ và bé
Như đã đề cập, việc chuẩn bị đồ đi sinh thường không quá phức tạp. Tuy nhiên để tránh tình trạng thiếu sót thì mẹ bầu nên lên kế hoạch cụ thể. Khi đã chuẩn bị được món đồ nào thì cần đánh dấu vào để tiện theo dõi.
Ngoài ra, các mẹ cần chú ý đến một số vấn đề sau:
- Nên lựa chọn các loại quần áo cho cả mẹ và bé có chất liệu lành tính, thông thoáng. Đặc biệt là đồ của bé cần chú ý nhiều hơn bởi làn da của trẻ sơ sinh còn rất mỏng manh, nhạy cảm và dễ bị kích ứng.
- Khi mua đồ mới về, mẹ cần cắt tag, cắt bỏ chỉ thừa và giặt giũ sạch sẽ rồi phơi khô trước khi sử dụng. Khi giặt đồ cho bé nên lựa chọn sản phẩm bột giặt và nước xả lành tính.
- Như các mẹ đã biết, khi đi sinh có rất nhiều đồ dùng cần phải chuẩn bị. Do đó mẹ cần sắp xếp gọn gàng, hãy xếp riêng đồ của mẹ và của bé. Điều này giúp phòng lúc vội vàng sẽ dễ dàng lấy được thứ cần tìm mà không phải lục tung mọi thứ lên.
- Nếu mẹ đã được chỉ định sinh mổ ngay từ đầu thì nên chuẩn bị thêm đồ sao cho đủ dùng trong thời gian nằm viện (thường sẽ là từ 5 – 7 ngày). Bình thường mẹ cũng nên chuẩn bị dư ra một chút nhưng không nên quá “tham lam”, bất cứ cái gì cũng muốn mang theo.
- Một số đồ dùng mẹ bầu có thể dặn dò trước với người thân để nếu chưa kịp mang theo lúc đi sinh thì có thể lấy bổ sung sau. Chẳng hạn như máy hút sữa, phích nước,…
Bài viết đã gợi ý cho mẹ bầu cách chuẩn bị đồ đi sinh rất đầy đủ và chỉn chu. Mong rằng điều này sẽ giúp các mẹ chủ động hơn để có được tâm lý thoải mái nhất khi đi sinh. Từ đó có được quá trình sinh nở thuận lợi, mẹ khỏe bé ngoan.
Tham khảo thêm: