Viêm Phần Phụ Sau Sinh
Viêm phần phụ sau sinh thường xảy ra sau khoảng 8 – 10 ngày kể từ thời điểm sinh nở. Các triệu chứng của bệnh khởi phát đột ngột, rầm rộ nhưng có thể điều trị dứt điểm nếu phát hiện sớm. Trong khi đó, những trường hợp chủ quan sẽ phải đối mặt với nguy cơ tắc vòi trứng và vô sinh – hiếm muộn.
Viêm phần phụ sau sinh là bệnh gì?
Viêm phần phụ sau sinh là tình trạng viêm nhiễm các cơ quan thuộc phần phụ bao gồm dây chằng rộng, buồng trứng và vòi tử cung (vòi trứng). Thông thường, tình trạng viêm nhiễm sẽ bắt đầu từ vòi trứng sau đó lan ra các cơ quan xung quanh. Theo thống kê, bệnh lý này gặp nhiều ở nữ giới trẻ tuổi – đặc biệt là những người vệ sinh cá nhân kém, thiếu hiểu biết về sức khỏe tình dục và quan hệ không an toàn.
Ngoài ra, sau khi sinh nở cũng là yếu tố thuận lợi gia tăng nguy cơ bị viêm phần phụ. Bên cạnh các triệu chứng đau nhức, sốt, mệt mỏi, bệnh lý này còn ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản nếu không được điều trị kịp thời. Tương tự như các bệnh phụ khoa khác, viêm phần phụ thường tiến triển cấp tính và mãn tính.
Ở phụ nữ sau khi sinh, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến viêm phần phụ là do nhiễm khuẩn hậu sản. Ngoài ra, những trường hợp không điều trị dứt điểm các bệnh phụ khoa thường gặp như viêm cổ tử cung, viêm âm đạo, âm hộ,… cũng có thể dẫn đến bệnh lý này.
Nhận biết bệnh viêm phần phụ sau khi sinh
Viêm phần phụ sẽ bùng phát cấp tính, sau đó chuyển sang giai đoạn bán cấp và mãn tính. Trong đó các triệu chứng ở giai đoạn bán cấp thường không rõ rệt nên ít được đề cập. Mặc dù bệnh ở giai đoạn bán cấp và mãn tính có triệu chứng ít nghiêm trọng hơn so với giai đoạn cấp nhưng khó điều trị, dai dẳng và có thể đe dọa đến sức khỏe sinh sản.
Các triệu chứng của bệnh viêm phần phụ sau sinh ở giai đoạn cấp tính:
- Cơn đau xuất hiện đột ngột ở vùng bụng dưới, mức độ đau tăng lên khi đi lại và thường đau cả hai bên (chiếm 90%)
- Vùng bụng bị kích thích dẫn đến tình trạng mót rặn, tiểu khó, tiểu không hết nước tiểu (chiếm khoảng 15 – 25% trường hợp).
- Rối loạn kinh nguyệt (chiếm khoảng 50%)
- Buồn nôn, nôn mửa
- Sốt 38 – 39 độ C
- Cơ thể mệt mỏi, rét run
- Sản dịch có mùi hôi
- Các triệu chứng thường xuất hiện sau khi sinh khoảng 8 – 10 ngày
Viêm phần phụ cấp tính có thể điều trị dứt điểm nếu thăm khám và can thiệp điều trị sớm. Bệnh thường bùng phát ngay sau khi sinh nở, sảy thai, viêm âm đạo cấp do vi khuẩn lậu hoặc sau khi thực hiện các thủ thuật như đặt vòng, lấy vòng, nạo hút thai,…
Các triệu chứng của bệnh viêm phần phụ sau sinh ở giai đoạn bán cấp:
- Đau âm ỉ ở thắt lưng và hạ vị, mức độ đau không quá nghiêm trọng nhưng thường dai dẳng
- Rong kinh
- Sốt nhẹ từ 37.5 – 38 độ C
- Đau ở vùng trực tràng
Những trường hợp không điều trị sớm sẽ khiến viêm phần phụ sau sinh tiến triển mãn tính. Ở giai đoạn mãn tính, bệnh nhân sẽ gặp phải các triệu chứng như:
- Đau ở hai bên hố chậu và thường đau nhiều hơn ở một bên
- Cường độ cơn đau có sự thay đổi theo thời gian và mức độ đau tăng lên khi làm những công việc nặng, khi nằm hoặc nghỉ ngơi cơn đau thuyên giảm dần
- Rong kinh hoặc ra máu bất thường trước và sau khi hành kinh
- Khí hư có mùi hôi, đôi khi lẫn máu và mủ
Các triệu chứng của bệnh viêm phần phụ rất dễ nhận biết – đặc biệt là trong giai đoạn cấp. Khi nhận thấy những biểu hiện bất thường, bệnh nhân nên thăm khám sớm để được điều trị kịp thời. Tránh trường hợp bệnh tiến triển mãn tính và dai dẳng gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
Nguyên nhân gây viêm phần phụ sau sinh
Nguyên nhân trực tiếp gây viêm phần phụ sau sinh là do nhiễm vi khuẩn. Thông thường, các vi khuẩn này sẽ gây viêm nhiễm âm đạo, cổ tử cung, sau đó lan đến vòi trứng và lây nhiễm toàn bộ phần phụ.
Đa phần các tác nhân gây bệnh đều lây truyền qua đường tình dục. Tuy nhiên ở phụ nữ sau khi sinh, vi khuẩn cũng có thể xâm nhập vào đường máu, sau đó nhiễm khuẩn ngược dòng từ âm đạo rồi đi vào cổ tử cung và phần phụ.
1. Tác nhân gây bệnh
Viêm phần phụ ở phụ nữ sau sinh thường xảy ra sau khi nhiễm các loại vi khuẩn như:
- E. coli
- Mycoplasma hominis
- Streptococcus agalactiae
- Helicobacter influenza
- Bacterial Vaginosis
- Chlamydia trachomatis
- Lậu cầu (Neisseria gonorrhoeae)
Ở phụ nữ sau khi sinh, các tác nhân này có thể lây nhiễm vào cơ quan sinh dục thông qua đường tình dục. Hoặc cũng có thể xâm nhập vào đường máu trong quá trình sinh nở, sau đó gây viêm nhiễm âm đạo, cổ tử cung và phần phụ.
2. Yếu tố nguy cơ
Viêm phần phụ sau sinh chỉ xảy ra khi có những yếu tố thuận lợi như:
- Nhiễm trùng hậu sản: Nhiễm trùng hậu sản là yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm âm đạo, viêm cổ tử cung và đôi khi phát triển thành viêm phần phụ. Nguy cơ nhiễm trùng tăng lên ở những sản phụ vỡ ối sớm, chuyển dạ kéo dài và không xử trí tốt các nhiễm khuẩn đường sinh dục trước sinh. Ngoài ra, quá trình chăm sóc trước, trong và sau khi sinh không đảm bảo cũng gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
- Không điều trị dứt điểm viêm âm đạo: Viêm âm đạo là bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ sau sinh. Bệnh thường có liên quan đến rối loạn nội tiết tố và vệ sinh vùng kín kém. Viêm âm đạo là bệnh khá lành tính và ít khi đe dọa đến sức khỏe. Tuy nhiên, sức khỏe của sản phụ chưa được phục hồi cộng với không điều trị đúng cách sẽ khiến cho vi khuẩn xâm nhập vào bên trong tử cung gây viêm phần phụ.
- Sinh hoạt tình dục quá sớm, không an toàn: Phụ nữ sau khi sinh cần kiêng quan hệ tình dục khoảng 2 – 3 tháng để tử cung phục hồi hoàn toàn. Quan hệ tình dục quá sớm hoặc quan hệ không an toàn có thể tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập vào bên trong gây viêm nhiễm cổ tử cung, vòi trứng, dây chằng rộng,…
- Một số yếu tố khác: Ngoài ra, nguy cơ bị viêm phần phụ sau sinh cũng có thể gia tăng khi có những yếu tố như sức khỏe sản phụ kém, sản dịch ra quá nhiều trong một thời gian dài, vệ sinh vùng kín kém,…
Viêm phần phụ sau sinh nguy hiểm không?
Viêm phần phụ là một trong những bệnh phụ khoa có mức độ nghiêm trọng. Khác với các bệnh phụ khoa thường gặp như nấm âm đạo hay viêm cổ tử cung, viêm phần phụ gây ra các triệu chứng có mức độ nặng và đe dọa trực tiếp đến sức khỏe sinh sản của nữ giới.
Nếu không được điều trị, tình trạng viêm nhiễm ở phần phụ có thể lan rộng dẫn đến biến chứng áp xe phần phụ, viêm phúc mạc đáy chậu, viêm tấy lan tỏa đáy chậu, viêm phúc mạc toàn thể,…
Ngoài ra, tình trạng viêm nhiễm kéo dài còn gia tăng nguy cơ tắc vòi trứng, qua đó dẫn đến nguy cơ vô sinh – hiếm muộn hoặc thai ngoài tử cung. Một số trường hợp bị viêm phần phụ dai dẳng còn có nguy cơ phát triển hội chứng đau vùng chậu mãn tính.
Có thể thấy, viêm phần phụ sau sinh gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe sinh sản của nữ giới. Bên cạnh đó, tình trạng đau đớn, mệt mỏi, sốt và ra khí hư có mùi hôi cũng ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống. Nữ giới mắc chứng bệnh này thường phải kiêng quan hệ tình dục để tránh lây nhiễm cho bạn tình. Ngoài ra, tình trạng đau và chảy máu khi quan hệ cũng gây ra tâm lý khó chịu cho người bệnh.
Đối với phụ nữ sau khi sinh, viêm phần phụ còn ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và gián tiếp làm giảm chất lượng nguồn sữa. Trong thời gian điều trị, một số trường hợp sẽ phải ngưng cho trẻ bú để đảm bảo an toàn. Vì vậy, việc can thiệp sớm sẽ giúp kiểm soát nhanh bệnh viêm phần phụ và bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ lẫn bé.
Chẩn đoán bệnh viêm phần phụ sau sinh
Khi nhận thấy các triệu chứng bất thường, sản phụ nên đến bệnh viện kiểm tra. Các triệu chứng của viêm phần phụ thường sẽ khởi phát sau khi sinh khoảng 8 – 10 ngày. Nếu phát hiện và điều trị bệnh ngay trong giai đoạn cấp, bệnh sẽ thuyên giảm nhanh và ít khi ảnh hưởng đến sức khỏe.
Các bước chẩn đoán bệnh viêm phần phụ sau sinh:
- Hỏi bệnh: Trước tiên, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, thời điểm và đặc điểm của cơn đau. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ đặt những câu hỏi để sàng lọc khả năng mắc bệnh như có quan hệ tình dục an toàn hay không, tiền sử bị viêm âm đạo, viêm cổ tử cung,…
- Khám âm đạo: Khám âm đạo kết hợp với nắn bụng giúp bác sĩ phát hiện một số tổn thương thực thể để có thể sàng lọc bệnh và tác nhân gây bệnh.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm công thức máu có vai trò quan trọng trong chẩn đoán viêm phần phụ. Vì tác nhân gây bệnh là do vi khuẩn nên khi xét nghiệm máu sẽ thấy CRP và bạch cầu trung tính tăng cao.
- Cấy máu: Cấy máu được chỉ định để phát hiện tác nhân gây bệnh.
- Xét nghiệm dịch cổ tử cung: Xét nghiệm dịch cổ tử cung khi bác sĩ phát hiện các dấu hiệu gợi ý nhiễm Chlamydia và lậu cầu. Xét nghiệm được thực hiện nhằm phát hiện 1 trong 2 tác nhân trên để có phương pháp điều trị hiệu quả.
- Siêu âm: Siêu âm giúp phát hiện áp xe và các khối viêm nhiễm. Bởi đôi khi xét nghiệm không cho kết quả dương tính vì trong một số trường hợp, viêm phần phụ có thể xảy ra do nhiễm tạp khuẩn.
- Nội soi ổ bụng: Nội soi ổ bụng giúp bác sĩ phát hiện các ổ viêm bên trong cơ quan sinh dục và phát hiện các hiện tượng viêm phối hợp như viêm quanh gan dạng màng.
Ngoài ra, những trường hợp có biểu hiện không điển hình sẽ được thực hiện thêm một số chẩn đoán khác để phân biệt với các vấn đề sức khỏe có triệu chứng tương tự như viêm mủ bể thận, viêm ruột thừa cấp, các bệnh tiết niệu, tiêu hóa dưới, thai ngoài tử cung,…
Các phương pháp điều trị bệnh viêm phần phụ sau sinh
Viêm phần phụ sau sinh có thể được điều trị dứt điểm nếu phát hiện và thăm khám sớm. Đối với phụ nữ sau khi sinh, việc điều trị cần được thực hiện càng sớm càng tốt để rút ngắn thời gian điều trị và giúp trẻ được bú mẹ trong thời gian sớm nhất.
Các phương pháp điều trị viêm phần phụ sau sinh:
1. Liệu pháp kháng sinh
Kháng sinh đồ sẽ được xây dựng dựa trên kết quả chẩn đoán. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ xem xét tình trạng cụ thể, tiền sử dị ứng thuốc và khả năng đáp ứng của bệnh nhân để lên phác đồ điều trị phù hợp.
Đối với viêm phần phụ sau sinh, bác sĩ thường ưu tiên dùng kháng sinh phổ rộng trong vòng 2 tuần. Các loại kháng sinh thường được sử dụng bao gồm:
- Nhiễm khuẩn nhẹ: Ceftriaxone 250mg tiêm bắp (1 lần duy nhất) + Metronidazole 400mg/ 2 lần/ ngày (14 ngày) + Doxycyclin 100mg/ 2 lần/ ngày (14 ngày)
- Nhiễm khuẩn nặng: Ceftriaxone 1g tiêm tĩnh mạch/ ngày + Metronidazole 500mg tiêm tĩnh mạch mỗi 12 giờ + Doxycyclin 100mg uống 2 lần/ ngày
Thực tế, phác đồ điều trị sẽ được điều chỉnh tùy theo tác nhân gây bệnh và tiền sử dị ứng thuốc của từng bệnh nhân. Trong trường hợp đã quan hệ tình dục trước khi được chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ xem xét điều trị đồng thời cho bạn đời (nhất là khi tác nhân gây bệnh là các vi khuẩn lây qua đường tình dục)
2. Dẫn lưu áp xe
Trường hợp viêm phần phụ dẫn đến áp xe Douglas (túi cùng Douglas), bác sĩ sẽ chỉ định dẫn lưu áp xe. Tiểu phẫu sẽ được thực hiện qua đường cùng nhằm loại bỏ ổ mủ nhằm giảm đau và tránh tình trạng vỡ ổ áp xe. Song song với dẫn lưu áp xe, bệnh nhân cần sử dụng thuốc theo hướng dẫn để kiểm soát dứt điểm hiện tượng viêm nhiễm.
3. Cắt tử cung
Cắt tử cung được xem xét đối với những trường hợp viêm phần phụ nặng và tiến triển nhanh, nguy cơ đe dọa đến tính mạng. Cắt bỏ tử cung đồng nghĩa với việc không thể mang thai. Do đó, phương án này chỉ được thực hiện trong trường hợp thực sự cần thiết.
4. Các biện pháp hỗ trợ
Ngoài các phương pháp trên, bệnh nhân cũng có thể áp dụng một số biện pháp hỗ trợ như:
- Nghỉ ngơi: Khi bị viêm phần phụ sau sinh, nên nghỉ ngơi để hạn chế cơn đau bùng phát. Nghỉ ngơi cũng sẽ giúp cơ thể phục hồi nhanh và đẩy lùi được tác nhân gây nhiễm trùng.
- Chườm lạnh: Cơn đau ở vùng hố chậu có thể gây ra cảm giác khó chịu và mệt mỏi. Chườm lạnh ở vùng hạ vị giúp giảm đáng kể tình trạng đau nhức, sưng và khó chịu. Tốt nhất nên chườm lạnh từ 10 – 15 phút và thực hiện khoảng 3 – 4 lần/ ngày để kiểm soát cơn đau hiệu quả.
- Dùng thuốc giảm đau: Ngoài kháng sinh, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng các loại thuốc giảm đau, chống viêm để giảm triệu chứng. Thuốc sẽ được dùng trong khoảng 7 – 10 ngày hoặc hơn tùy theo tình trạng cụ thể. Tuy nhiên, các loại thuốc này chỉ có vai trò giảm triệu chứng, hoàn toàn không thể điều trị bệnh dứt điểm như kháng sinh. Do đó, chỉ sử dụng thuốc giảm đau và kháng viêm khi cần thiết.
- Vệ sinh vùng kín đúng cách: Vệ sinh vùng kín đúng cách là biện pháp quan trọng trong điều trị các bệnh phụ khoa. Trong thời gian điều trị, bệnh nhân nên rửa vùng kín hằng ngày với nước ấm và các sản phẩm có độ pH cân bằng. Lưu ý, không nên thụt rửa sâu vào bên trong âm đạo và chỉ sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ 1 lần/ ngày.
- Sinh hoạt điều độ: Hệ miễn dịch kém là yếu tố gia tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa sau khi sinh. Chính vì vậy, phụ nữ sau khi sinh nên có chế độ ăn uống hợp lý và sinh hoạt điều độ để nâng cao sức khỏe.
Phòng ngừa bệnh viêm phần phụ sau khi sinh
Viêm phần phụ sau khi sinh ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và cuộc sống của mẹ bỉm. Ngoài ra, bệnh lý này còn vô tình ảnh hưởng đến nguồn sữa và làm chậm quá trình phát triển của trẻ nhỏ. Do đó, nên chủ động phòng ngừa viêm phần phụ và các bệnh phụ khoa sau khi sinh.
Các biện pháp phòng ngừa viêm phần phụ sau khi sinh:
- Vệ sinh vùng kín sau sinh đúng cách. Tuyệt đối không dùng các sản phẩm có độ pH cao và không thụt rửa sâu vào trong âm đạo.
- Thay băng vệ sinh 2 – 3 giờ/ lần để tránh vi khuẩn phát triển trong sản dịch, sau đó đi ngược dòng vào âm đạo, cổ tử cung và phần phụ.
- Nên kiêng quan hệ tình dục ít nhất 2 – 3 tháng để tử cung phục hồi và tái tạo hoàn toàn.
- Có chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học và điều độ để phục hồi sức khỏe.
- Nếu bị viêm âm đạo, viêm cổ tử cung,… cần kiểm soát trước khi sinh nở để hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn hậu sản.
Viêm phần phụ sau sinh là bệnh phụ khoa khá phổ biến. Nếu được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể thuyên giảm hoàn toàn. Ngược lại, những trường hợp chủ quan sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng và di chứng nghiêm trọng.
Tham khảo thêm: