Acemetacin

Thuốc Acemetacin
Biệt Dược

Acemetacin

    Đóng gói: Viên nang

    Công ty sản xuất: Tập đoàn Merck

    Quốc gia sản xuất: Đức

Tác giả: Cập nhật: 2:46 pm , 28/06/2024 Tham vấn y khoa: Bs. Lê Thị Phương

Acemetacin là một loại thuốc chống viêm không Steroid được sử dụng trong điều trị các tổn thương viêm và đau, nhất là những tổn thương liên quan đến hệ cơ xương khớp. Để giúp bạn đọc hiểu hơn về công dụng, cách dùng, giá thuốc cũng như cần thận trọng gì khi dùng thuốc chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin hữu ích trong nội dung dưới đây.

Acemetacin là thuốc gì?

Thuốc Acemetacin là một thuốc chống viêm non-steroid (NSAID). Thuốc được sản xuất bởi Merck dưới tên thương mại là Emflex®, và thuốc được bán theo đơn tại Anh quốc.

Acemetacin dùng để điều trị các chứng viêm và đau, đặc biệt là liên quan đến hệ cơ xương. Acemetacin có hoạt tính giúp giảm đau, kháng viêm và kháng bệnh thấp.

Acemetacin hoạt động bằng cách ngăn chặn sự sản xuất của một số chất hóa học trong cơ thể, cụ thể là Prostaglandin gây đau, sưng, viêm, cứng khớp, nhạy cảm và thân nhiệt tăng.

Thuốc Acemetacin được bào chế dưới dạng viên nang, dùng theo đường uống với hàm lượng: Acemetacin 60mg và Acemetacin 90mg.

Acemetacin là thuốc có công dụng giảm đau, giảm viêm hiệu quả
Acemetacin là thuốc có công dụng giảm đau, giảm viêm hiệu quả

Công dụng của thuốc Acemetacin là gì?

Với tác dụng giảm đau, chống viêm thuốc Acemetacin được chỉ định trong điều trị các chứng đau sau:

  • Viêm khớp dạng thấp mạn tính.
  • Acemetacin chỉ định điều trị trong các trường hợp kích ứng cấp tính liên quan với bệnh thoái hoá khớp, đặc biệt là tại các khớp lớn và cột sống.
  • Bệnh Bechterew (viêm cứng cột sống).
  • Điều trị đợt cấp của bệnh thống phong (gout).
  • Giảm đau và chống viêm của trong các trường hợp viêm khớp, cơ và gân, viêm bao gân, viêm bao hoạt dịch.
  • Trị đau lưng và thần kinh tọa.
  • Trị viêm và sưng sau phẫu thuật và tổn thương mô mềm.
  • Viêm tĩnh mạch nông và các tĩnh mạch khác.

Acemetacin khi sử dụng có thể phải mất một vài tuần để giúp người bệnh cải thiện tình trạng viêm nhưng có thể bắt đầu giảm đau sau vài liều đầu tiên.

Cách dùng và liều lượng thuốc Acemetacin như thế nào?

1. Cách dùng thuốc Acemetacin như thế nào?

Trước khi dùng thuốc người bệnh nên đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng có kèm trong hộp thuốc. Đồng thời bạn cần uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ chủ trị.

Bạn uống thuốc sau bữa ăn nhẹ hoặc sau khi bữa ăn chính. Điều này sẽ giúp bảo vệ dạ dày của bạn khỏi các tác dụng phụ như khó tiêu.

Nuốt viên nang với một ly nước, không nhai hoặc mở các viên nang.

2. Liều dùng thuốc Acemetacin

Về liều dùng cụ thể bác sĩ sẽ dựa vào mức độ trầm trọng và bản chất của bệnh. Thông thường liều dùng thuốc sẽ là:

Liều lượng cho người lớn:

  • Liều dùng thông thường: 60mg viên nang, uống 2 lần mỗi ngày. Thời điểm uống tốt nhất là vào buổi sáng và buổi tối. Trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ có thể tăng liều lượng với 3 viên nang mỗi ngày.
  • Liều dùng trị đau sau khi phẫu thuật, đau và viêm kết hợp với rối loạn cơ xương và khớp: Người lớn sẽ uống từ 120mg đến 180mg/ ngày chia thành các liều nhỏ.

Liều lượng thuốc cho trẻ em:

Liều dùng cho trẻ em đến nay vẫn chưa được nghiên cứu và quyết định. Các bậc phụ huynh hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc này cho trẻ.

Tác dụng phụ của thuốc Acemetacin là gì?

Khi dùng thuốc bạn có thể sẽ gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn. Và có nhiều trường hợp tác dụng phụ trở nên nghiêm trọng ở người này nhưng lại chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ ở người khác.

Các tác dụng phụ rất phổ biến của Acemetacin:

  • Tiêu chảy: Nếu gặp phải tình trạng này bạn hãy nói chuyện với bác sĩ ngay;
  • Gặp các vấn đề về tiêu hóa như: Loét, chảy máu hoặc thủng dạ dày mà có thể gây tử vong. Nếu có những dấu hiệu chảy máu, loét hoặc bất kỳ vấn đề tiêu hóa bất thường khác bạn hãy nói chuyện với bác sĩ ngay;
  • Buồn nôn;
  • Đau dạ dày;
  • Nôn.
  • Những tác dụng phụ phổ biến:
  • Kết quả xét nghiệm bất thường;
  • Gặp các vấn đề về não hoặc tại hệ thống thần kinh trung ương;
  • Cảm thấy bị kích động;
  • Cảm giác chóng mặt, buồn ngủ, mệt mỏi, đau đầu;
  • Người nổi mẩn hoặc phát ban da, ngứa;
  • Có hiện tượng co thắt dạ dày;
  • Đầy hơi, khó tiêu, ăn không ngon miệng;
  • Cảm giác không khỏe nói chung;
  • Gặp các vấn đề mẫn cảm hoặc về da như: Viêm da, phát ban, nổi mề đay, ngứa, hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử biểu bì độc, sốc phản vệ, dễ bị bầm tím trên da hoặc màng nhầy mà không rõ nguyên nhân, phù mạch hoặc phản ứng dị ứng, lưỡi bị sưng, phù nề khuôn mặt và mí mắt, suy hô hấp, tình trạng bệnh hen suyễn xấu đi, nhịp tim nhanh hơn – một số bệnh trong đó có thể gây tử vong cho người bệnh.
Tiêu chảy là một tác dụng phụ rất phổ biến của thuốc
Tiêu chảy là một tác dụng phụ rất phổ biến của thuốc

Một số tác dụng phụ hiếm gặp khi dùng Acemetacin:

  • Mờ giác mạc, tác dụng phụ này có thể xảy ra nếu dùng Acemetacin trong một thời gian dài;
  • Gặp một số vấn đề về mắt hoặc thị lực. Tác dụng phụ này cũng xảy ra khi thuốc Acemetacin được dùng trong thời gian dài;
  • Rụng tóc;
  • Các vấn đề về gan;
  • Đi đại tiện ra máu;
  • Phù nề;
  • Nôn ra máu;
  • Người trở nên lú lẫn;
  • Cảm thấy khó chịu.

Những tác dụng phụ rất hiếm gặp khi dùng Acemetacin:

  • Các vấn đề về máu và tủy xương: Khi có các triệu chứng như đau họng, sốt, miệng lưỡi sưng loét, xuất hiện các triệu chứng như cúm, mệt mỏi hoặc chảy máu từ mũi, da bạn hãy nói chuyện với bác sĩ ngay;
  • Đi tiểu tiện ra máu, hiện tượng trong nước tiểu có protein, có đường trong nước tiểu;
  • Những thay đổi trong nhận thức, cảm giác lo âu, mất phương hướng, ảo giác;
  • Đau ngực, đánh trống ngực;
  • Táo bón;
  • Trầm cảm;
  • Gặp các vấn đề về thính giác;
  • Tăng lượng đường trong máu;
  • Tăng tiết mồ hôi;
  • Viêm ở miệng;
  • Các bệnh về thận, hội chứng thận hư;
  • Mất ý thức, tác dụng phụ này có thể dẫn đến hôn mê;
  • Các bệnh về phổi;
  • Các vấn đề về trí nhớ;
  • Các vấn đề sức khỏe tinh thần;
  • Yếu cơ;
  • Ngủ mơ gặp ác mộng, các vấn đề về giấc ngủ;
  • Viêm tụy;
  • Nhạy cảm với ánh sáng;
  • Bị rối loạn tâm thần hoặc có những hành vi giống với rối loạn thần kinh;
  • Huyết áp cao;
  • Đỏ da;
  • Động kinh;
  • Vị giác thay đổi;
  • Ù tai;
  • Người run rẩy;
  • Các bệnh về tiết niệu;
  • Xuất huyết âm đạo (với nữ);
  • Viêm mạch máu;
  • Bệnh Crohn nghiêm trọng thêm;
  • Viêm loét đại tràng nặng thêm;
  • Bị viêm màng não hoặc có các triệu chứng giống viêm màng não ví dụ như sốt, cứng cổ, hoặc có cảm giác mất phương hướng.
Tác dụng phụ rất hiếm gặp như viêm màng não
Tác dụng phụ rất hiếm gặp như viêm màng não

Dù bạn gặp bất cứ tác dụng phụ nào, phổ biến, ít phổ biến hay rất hiếm gặp cũng đều cần sự trợ giúp y tế. Chính vì thế, khi xuất hiện những tác dụng phụ kể trên bạn hãy liên hệ với bác sĩ cũng như chủ động đến cơ sở y tế để được khắc phục kịp thời.

Khi dùng thuốc Acemetacin cần thận trọng những gì?

1. Những điều nên biết trước khi dùng thuốc Acemetacin

Thực tế không phải thuốc nào cũng được sử dụng trong tất cả tình trạng sức khỏe. Bởi vì sẽ có một số loại thuốc không thích hợp cho những người có tình trạng sức khỏe nhất định, chưa kể một số loại thuốc chỉ có thể được sử dụng khi có sự chăm sóc đặc biệt.

Chính vì vậy, trước khi dùng thuốc Acemetacin bạn hãy cho bác sĩ biết nếu:

  • Bạn mắc bệnh hen suyễn hoặc bị bất kỳ rối loạn dị ứng khác.
  • Bạn có tiền sử bị đau dạ dày hoặc loét dạ dày tá tràng, hoặc bạn bị vấn đề rối loạn viêm ruột như: Bệnh Crohn, viêm loét đại tràng.
  • Bạn đang có thai, có kế hoạch mang thai hoặc đang cho con bú.
  • Bạn dưới 18 tuổi hoặc trên 65 tuổi.
  • Bạn có vấn đề về thận hoặc về gan.
  • Bạn bị bệnh tim, bệnh mạch máu hoặc bệnh về tuần hoàn máu.
  • Trước khi dùng thuốc Acemetacin hãy nói cho bác sĩ biết nếu bạn bị huyết áp cao.
  • Bạn có tiền sử bị rối loạn đông máu.
  • Bạn bị rối loạn mô liên kết, ví dụ như lupus ban đỏ;
  • Hãy liệt kê và báo cáo cho bác sĩ biết rằng bạn đang dùng bất cứ loại thuốc nào, gồm cả các loại thuốc không kê toa, ví dụ như các loại thảo dược và thực phẩm chức năng.
  • Bạn đã từng có phản ứng dị ứng với bất kỳ thuốc NSAID khác ví dụ như aspirin, naproxen, diclofenac, và indometacin hoặc với bất kỳ loại thuốc khác.

2. Thận trọng khi sử dụng thuốc Acemetacin

Trong khi sử dụng thuốc Acemetacin bạn cần đặc biệt lưu ý và thận trọng trong các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân bệnh co giật (động kinh), Parkinson hay có tiền căn rối loạn tâm thần. Bởi vì thuốc Acemetacin có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của các bệnh lý này.
  • Không nên dùng thuốc khi lái xe và vận hành máy móc bởi vì thuốc Acemetacin có thể ảnh hưởng lên tốc độ phản ứng đến mức làm rối loạn khả năng điều khiển phương tiện, vận hành máy móc, hay làm việc ở những nơi chênh vênh.
Không nên dùng thuốc khi lái xe và vận hành máy móc
Không nên dùng thuốc khi lái xe và vận hành máy móc

3. Lưu ý khi dùng thuốc cho phụ nữ có thai, đang cho con bú

Hiện vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định những rủi ro khi dùng thuốc Acemetacin cho phụ nữ mang thai hoặc chị em đang trong thời gian cho con bú. Tuy nhiên, theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) thuốc này thuộc nhóm D – Có bằng chứng nguy cơ.

Do vậy, bệnh nhân trước khi dùng thuốc hãy trao đổi với bác sĩ và cân nhắc giữa những lợi ích và nguy cơ mà thuốc mang lại để bảo vệ sức khỏe.

Tương tác thuốc Acemetacin như thế nào?

1. Thuốc Acemetacin có thể tương tác với thuốc nào?

Sự tương thuốc này với thuốc khác có thể làm thay đổi đi khả năng hoạt động của chúng. Mặt khác sẽ làm gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ có thể xảy ra cho người bệnh.

Các thuốc có thể tương tác với Acemetacin đó là:

  • Aspirin
  • Ciclosporin
  • Diflunisal
  • Digoxin
  • Furosemide
  • Haloperidol
  • Lithium
  • Methotrexate
  • Mifepristone
  • Phenytoin
  • Probenecid
  • Sulfinpyrazone
  • Tacrolimus
  • Warfarin

Các nhóm thuốc có thể tương tác với Acemetacin:

  • Salicylat
  • Quinolon
  • Thuốc an thần nhóm SSRI. Thuốc trị tăng huyết áp
  • Thuốc an thần
  • Thuốc lợi tiểu giữ kali
  • Thuốc chống kết tập tiểu cầu
  • Thuốc corticosteroids
  • Thuốc glicozit tim
  • Thuốc lợi tiểu
  • Chất ức chế chọn lọc COX-2
  • Nhóm thuốc gây ra các vấn đề về tiêu hóa hoặc xuất huyết
  • Các thuốc NSAID khác
  • Kháng sinh nhóm Penicillin
  • Thuốc chống đông máu

2. Rượu bia và thức ăn có tương tác với Acemetacin không?

Bình thường, những loại thuốc nhất định không được dùng trong bữa ăn hoặc dùng cùng lúc với một số loại thức ăn vì khi kết hợp có thể xảy ra sự tương tác. Và thuốc dùng với rượu và thuốc lá cũng có thể gây ra tương tác.

Với Acemetacin, rượu có thể gây ra những tương tác đó là các vấn đề tiêu hóa của người bệnh có thể sẽ bị chuyển hướng xấu nếu uống rượu trong thời gian điều trị với thuốc Acemetacin.

Về thực phẩm, các chuyên gia cho biết Acemetacin không tương tác với bất kỳ loại thực phẩm cụ thể nào.

3. Những vấn đề sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc Acemetacin?

Tình trạng sức khỏe của bạn hoàn toàn có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định đến việc sử dụng thuốc Acemetacin. Vì vậy, hãy báo cáo cho bác sĩ biết nếu bạn đang gặp bất cứ vấn đề sức khỏe nào, nhất là khi:

  • Bạn bị thiếu máu;
  • Gặp các vấn đề lưu thông máu;
  • Có khối máu đông;
  • Bạn bị trầm cảm hay có những thay đổi tâm thần;
  • Cơ thể bị phù, đó là tình trạng giữ nước hay cơ thể của bạn bị sưng;
  • Bạn có tiền sử bị nhồi máu cơ tim;
  • Bạn bị bệnh tim, chẳng hạn như suy tim sung huyết;
  • Cao huyết áp (Tăng huyết áp);
  • Báo cho bác sĩ biết nếu bạn bị bệnh thận;
  • Bạn có tiền sử bị bệnh gan hoặc đang mắc bệnh gan ví dụ như viêm gan;
  • Mắc bệnh Parkinson – một rối loạn thoái hóa của hệ thần kinh trung ương gây ảnh hưởng đến khả năng vận động;
  • Đã từng có tiền sử về tình trạng co giật hoặc động kinh;
  • Bạn có tiền sử về loét dạ dày hoặc ruột hoặc xuất huyết;
  • Có tiền sử đột quỵ;
  • Có tiền sử bị hen suyễn nhạy cảm với aspirin;
  • Bạn từng có tiền sử nhạy cảm với aspirin;
  • Phẫu thuật tim, chẳng hạn thực hiện phẫu thuật ghép bắc cầu động mạch vành: Lúc này không được dùng thuốc Acemetacin để làm giảm đau ngay trước hoặc sau phẫu thuật.

Trường hợp khẩn cấp/ quá liều/ quên liều Acemetacin phải làm sao?

1. Trường hợp khẩn cấp/ quá liều nên làm gì?

Nếu gặp phải trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều người bệnh cần nhanh chóng gọi điện cho 115 – Trung tâm cấp cứu hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

Những triệu chứng quá liều mà bạn nên lưu ý đó là:

  • Buồn nôn, nôn;
  • Đau thượng vị, đổ mồ hôi;
  • Rối loạn thần kinh trung ương;
  • Cao huyết áp;
  • Sưng mắt cá chân, lượng nước tiểu giảm trầm trọng;
  • Ức chế hô hấp, người bệnh bị co giật và hôn mê.
Lượng nước tiểu giảm trầm trọng là biểu hiện quá liều khi dùng thuốc cần được thăm khám ngay
Lượng nước tiểu giảm trầm trọng là biểu hiện quá liều khi dùng thuốc cần được thăm khám ngay

2. Lỡ quên một liều Acemetacin phải làm sao?

Nếu chẳng may bạn quên uống một liều thuốc thì hãy uống bổ sung ngay khi nhớ ra. Nhưng nếu thời gian nhớ ra gần với thời điểm uống liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều tiếp theo đúng như liệu trình đã được quy định. Tuyệt đối không uống liều gấp đôi.

Bảo quản thuốc Acemetacin như thế nào?

  • Hãy bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm ướt, ánh sáng, nhiệt độ thích hợp để bảo quản thuốc là 30 độ C. Không bảo quản thuốc Acemetacin trong phòng tắm hoặc ngăn đá tủ lạnh.
  • Bảo quản thuốc ở nơi thích hợp, không để ở những nơi trong tầm mắt và tầm với của trẻ cũng như vật nuôi trong gia đình.
  • Vứt thuốc đúng nơi quy định và đúng cách, không vứt thuốc vào trong toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi được yêu cầu.
  • Khi vứt bỏ thuốc đã hết hạn hoặc không còn sử dụng nữa bạn hãy hỏi ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ hoặc công ty xử lý rác thải địa phương để không làm ảnh hưởng đến môi trường.

Giá thuốc Acemetacin bao nhiêu? Mua thuốc ở đâu?

1. Acemetacin giá bao nhiêu?

Ở mỗi cơ sở kinh doanh thuốc Acemetacin sẽ có mức giá khác nhau. Do vậy, bạn hãy liên hệ đến các nhà thuốc, phòng khám hoặc bệnh viện, những cơ sở có giấy phép kinh doanh thuốc để biết được giá bán chính xác nhất.

2. Thuốc Acemetacin mua ở đâu?

Để mua thuốc bạn có thể dễ dàng tìm đến các quầy thuốc Tây, nhà thuốc của bệnh viện, phòng khám trên cả nước. Khi mua bạn hãy nhìn kỹ thời gian sản xuất và hạn sử dụng thuốc để giúp việc điều trị có hiệu quả.

Trên đây là những thông tin tham khảo về thuốc Acemetacin. Hy vọng rằng bạn đọc đã hiểu hơn về công dụng, liều dùng, cách dùng thuốc sao cho hiệu quả và an toàn. Chúc bạn sức khỏe!

Wiki Bác Sĩ không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Thông tin xem thêm: Nabumetone giảm đau, kháng viêm có hiệu quả không? Thận trọng khi sử dụng

Nguồn tham khảo
Top