Paliperidone

Paliperidone
Hoạt Chất

Paliperidone

    Đóng gói: Viên nén và dung dịch tiêm

    Loại thuốc: Thuốc điều trị thần kinh

    Quốc gia sản xuất: Mỹ

Tác giả: Cập nhật: 2:31 pm , 28/06/2024 Tham vấn y khoa: Bs. Lê Thị Phương

Paliperidone là một loại thuốc chống loạn thần không điển hình. Nó sử dụng trong điều trị các bệnh lý như tâm thần phân liệt, rối loạn phân liệt cảm xúc. Loại thuốc này có tác dụng kiểm soát tâm trạng cho người bệnh, hạn chế các suy nghĩ tiêu cực và cân bằng các chất tự nhiên có trong não bộ. Bên cạnh đó, nó cũng có thể sử dụng để điều trị bệnh trầm cảm.

Paliperidone là thuốc gì?

Paliperidone là một loại chất chuyển hóa hoạt động chính của Risperidone. Risperidone được chuyển hóa chủ yếu ở gan, hình thành 9 – hydroxyrisperidone – chất có vai trò chịu trách nhiệm cho hoạt động chính của các chất trong cơ thể.

Risperidone thường đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau khoảng 1 – 2 giờ dùng thuốc. Ngược lại, thuốc Paliperidone lại có thời gian để đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương khá lâu, khoảng 24 giờ sau khi dùng thuốc.

Thuốc điều trị bệnh tâm thần phân liệt Paliperidone
Thuốc điều trị bệnh tâm thần phân liệt Paliperidone

Thuốc Paliperidone được bào chế ở những dạng sau:

  • Dạng viên nén phóng thích mở rộng trong 24 giờ (Invega) bao gồm các hàm lượng chính là: 1,5mg, 3mg, 6mg, 9mg.
  • Dạng dung dịch tiêm bắp như palmitate (Invega Sustenna) thì gồm các hàm lượng chính như sau: 39 mg / 0,25 ml; 78 mg / 0,5 ml; 117 mg / 0,75 ml; 156 mg / 1 ml; 234 mg / 1.5 ml.

Công dụng của thuốc Paliperidone

  • Paliperidone là một loại thuốc chống loạn thần không điển hình. Nó thường được sử dụng trong điều trị một số bệnh lý như tâm thần phân liệt, rối loạn phân liệt cảm xúc.
  • Thuốc Paliperidone hoạt động bằng cách kích thích tăng trưởng các hoạt chất tự nhiên có lợi trong não bộ, giúp người bệnh phục hồi sức khỏe thần kinh. Từ đó, nó có thể làm giảm bớt ảo giác và những suy nghĩ tiêu cực cho người bệnh, chống tình trạng kích động.
  • Paliperidone giúp điều hòa cảm xúc của người dùng, giúp họ sống thoải mái hơn trong cuộc sống và ít khi bị ảnh hưởng bởi bệnh lý. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể chỉ định sử dụng kết hợp Paliperidone cùng một số loại thuốc khác để điều trị bệnh trầm cảm.

Dùng thuốc Paliperidone như thế nào?

  • Thuốc Paliperidone được sử dụng theo đường uống trực tiếp (thuốc dạng viên nén) và đường tiêm bắp cơ (thuốc dạng dung dịch tiêm). Liều dùng của người bệnh sẽ do các bác sĩ trực tiếp chỉ định phù thuộc vào tình trạng bệnh lý của mỗi người.
  • Với thuốc dạng viên nén, người bệnh có thể dùng thuốc kèm hay không kèm thức ăn đều được. Tuy nhiên, các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo nên dùng kèm thức ăn để tránh tình trạng bị kích ứng niêm mạc dạ dày.
  • Khi uống thuốc, người bệnh nên uống Paliperidone cùng một cốc nước đầy để tăng khả năng hấp thụ cho cơ thể. Lưu ý, nên uống thuốc bằng cách nuốt trọn viên, tuyệt đối không nhai hoặc nghiền nhỏ thuốc vì nó có thể làm thuốc phát huy tác dụng mạnh tại chỗ. Điều này có thể khiến người bệnh gặp phải một số rủi ro không mong muốn trong quá trình điều trị.
  • Với thuốc dạng dung dịch tiêm, người bệnh có thể được bác sĩ tiến hành tiêm để điều trị trực tiếp tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều trường hợp người bệnh tự dùng thuốc tại nhà.
  • Khi dùng thuốc ở nhà, trước khi tiêm người bệnh cần vệ sinh sạch sẽ vùng sẽ tiến hành tiêm bằng dung dịch khử trùng và rửa tay với nước sạch. Điều này giúp loại bỏ các loại vi khuẩn xung quanh đồng thời hạn chế tình trạng nhiễm trùng vết tiêm.
  • Người bệnh cũng lưu ý kiểm tra thật kỹ chất lượng dung dịch thuốc Paliperidone trước khi tiêm. Nếu thuốc có sự thay đổi trong màu sắc hoặc lọ thuốc có xuất hiện váng, người bệnh không nên sử dụng lọ thuốc ấy nữa.
  • Nên thay đổi linh hoạt vị trí các lần tiêm để hạn chế tối đa những tổn thương da cho người bệnh.
  • Người bệnh nên tạo cho mình thói quen dùng thuốc vào các thời điểm nhất định trong ngày. Điều này giúp thuốc phát huy công dụng một cách ổn định, đồng thời cũng giúp người bệnh hạn chế được tình trạng quên liều thuốc.
  • Không tự ý thay đổi liều lượng hoặc dừng dùng thuốc đột ngột khi chưa có sự đồng ý từ các bác sĩ chuyên khoa.
  • Sau một thời gian dùng thuốc, nếu tình trạng bệnh lý không có chuyển biến tốt, người dùng cần đến gặp bác sĩ ngay để được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.

Liều dùng thuốc Paliperidone

Mỗi người bệnh sẽ được chỉ định các liều lượng dùng thuốc khác nhau phụ thuộc vào mức độ bệnh lý của mỗi người. Thuốc Paliperidone được phân chia thành các liều lượng như sau:

1. Liều dùng cho người người lớn

Điều trị bệnh tâm thần phân liệt

  • Đối với thuốc dạng viên nén phóng thích kéo dài

– Liều dùng thuốc được bác sĩ khuyên dùng: 6mg/lần/ngày

– Mật độ liều dùng trong ngày là từ 3 – 12mg. Trong một số trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định người dùng tăng/ giảm liều thuốc để phù hợp với mức độ bệnh lý.

– Thực hiện liệu trình đều đặn trong khoảng 5 ngày. Lưu ý, liều lượng thuốc tối đa trong ngày không được vượt quá 12mg.

  • Đối với dạng dung dịch tiêm phóng thích kéo dài

Với những bệnh nhân chưa từng dùng thuốc Paliperidone dạng uống hay tiêm, cơ thể người bệnh cần hấp thụ thuốc dạng uống trước rồi mới có thể sử dụng thuốc Paliperidone dạng tiêm phóng thích kéo dài.

Liều dùng thuốc Paliperidone cho bệnh nhân bị tâm thần phân liệt
Liều dùng thuốc Paliperidone cho bệnh nhân bị tâm thần phân liệt

– Liều khởi đầu: Dùng thuốc Paliperidone với liều lượng 234mg, tiến hành tiêm bắp cho ngày điều trị thứ nhất. Một tuần sau đó, người bệnh dùng thuốc với liều lượng 156mg, lưu ý nên tiêm bắp vào cơ delta.

– Liều duy trì: 117mg thuốc Paliperidone dùng tiêm bắp mỗi tháng. Vị trí tiêm phù hợp là cơ delta hoặc mông.

– Liều lượng tối đa: Khi dùng thuốc là 39 – 234mg. Trong thời gian điều trị, bác sĩ có thể chỉ định tăng hoặc giảm liều lượng linh hoạt để phù hợp hơn với mức độ bệnh lý của mỗi người.

Điều trị bệnh rối loạn phân liệt cảm xúc

– Liều được các chuyên gia khuyên dùng là 6mg (thuốc viên nén)/lần/ngày.

– Liều lượng dùng trong mỗi ngày là 3 – 12mg. Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc tăng liều khoảng 3mg mỗi ngày, việc này thực hiện đều đặn trong khoảng 4 ngày.

*** Lưu ý: Liều dùng thuốc tối đa trong một ngày không được vượt quá 12mg.

2. Liều dùng cho trẻ nhỏ (Đối với trẻ từ 12 – 17 tuổi)

– Liều khuyên dùng: Dùng thuốc Paliperidone dạng viên nén với liều lượng 3mg/lần/ngày.

– Liều lượng khuyến cáo: Nên sử dụng trong một ngày là từ 3 – 12mg. Việc tăng liều thuốc sẽ do bác sĩ trực tiếp chỉ định, tiến hành tăng 3mg/ngày và thực hiện đều đặn trong khoảng 5 ngày.

– Liều dùng thuốc tối đa: Trong một ngày tuyệt đối không được vượt quá 12mg.

– Với trẻ dưới 12 tuổi: Người dùng cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định dùng thuốc cho đối tượng bệnh nhân này.

Tác dụng phụ của thuốc Paliperidone là gì?

Khi dùng thuốc không đúng liều lượng, sai cách hoặc do cơ thể mẫn cảm với thuốc, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ nhẹ như buồn nôn và nôn mửa, bầu vú sưng và tiết dịch bất thường, thường xuyên cảm thấy bồn chồn hoặc run rẩy, buồn ngủ nhiều, suy giảm thị lực, đau đầu chóng mặt, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, tăng cân không kiểm soát, suy giảm ham muốn tình dục, thậm chí là liệt dương.

Tuy nhiên, người bệnh cần dừng sử dụng thuốc Paliperidone ngay nếu thấy cơ thể có các triệu chứng nguy hiểm như:

  • Đau rát họng, khó nuốt
  • Xuất hiện các tổn thương giống như các đốm trắng trong miệng, môi
  • Sốt cao, cơ thể ớn lạnh
  • Căng cứng cơ bắp, khó hoạt động
  • Cơ ở vùng mắt, hàm, cổ, lưỡi chuyển động liên tục
  • Rối loạn nhịp tim
  • Tê rần hoặc mất sức đột ngột ở một bên cơ thể
  • Đau đầu và choáng váng nghiêm trọng
  • Suy giảm thị lực nặng, mờ mắt
  • Gặp vấn đề về giọng nói
  • Việc giữ thăng bằng khi hoạt động trở nên khó khăn
  • Cơ thể run rẩy không kiểm soát
  • Có triệu chứng cúm, ho dai dẳng

Khi thấy cơ thể có các dấu hiệu như trên, người bệnh tuyệt đối không được chủ quan. Lúc này cần đưa người bệnh đến ngay các cơ sở y tế để được cấp cứu một cách kịp thời. Tránh để các triệu chứng đã phát triển quá nghiêm trọng rồi mới chữa trị, điều này có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe sau này của người bệnh.

Bảo quản thuốc Paliperidone như thế nào?

  • Nên để thuốc ở những nơi thoáng mát và có nhiệt độ ổn định
  • Tránh để thuốc ở nơi có độ ẩm cao hoặc bị tác động bởi ánh nắng trực tiếp
  • Với thuốc dạng dung dịch tiêm, người bệnh có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Tuyệt đối không để lên ngăn làm đá hoặc nhà tắm vì nó có thể dẫn đến những biến đổi nhất định trong tính chất thuốc.
  • Để thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi trong gia đình
  • Bảo quản thuốc nguyên vẹn trong bao bì khi không sử dụng đến
  • Sau khi dùng thuốc tiêm, người bệnh nên xử lý gọn gàng các rác thải y tế như lọ thuốc và ống tiêm.
  • Khi thuốc hết hạn sử dụng, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa về vấn đề hủy thuốc sao cho an toàn với môi trường.

Nên làm gì khi dùng thuốc Paliperidone quá/ lỡ liều?

Một số người bệnh sử dụng thuốc Paliperidone trực tiếp tại các cơ sở y tế (thường là dạng dung dịch tiêm), do các bác sĩ giám sát nên việc dùng thuốc quá liều hoặc lỡ liều thường ít khi xảy ra. Tuy nhiên với những người bệnh dùng thuốc tại nhà thì điều này hoàn toàn có nguy cơ xảy ra.

Người bệnh nên làm gì khi dùng thuốc quá/ lỡ liều?
Người bệnh nên làm gì khi dùng thuốc quá/ lỡ liều?

1. Dùng thuốc quá liều nên làm gì?

Khi dùng thuốc quá liều, người bênh có thể gặp phải một số tác dụng phụ nguy hiểm cho sức khỏe. Lúc này cần đưa người bệnh đến ngay các cơ sở y tế để được cấp cứu một cách kịp thời. Hạn chế tối đa việc tự chữa trị tại nhà vì đôi khi nó có thể làm tình trạng của người bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

2. Dùng thuốc lỡ liều phải làm sao?

Để an toàn nhất, khi dùng thuốc lỡ liều người bệnh nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cho liều dùng kế tiếp. Tuyệt đối không được tự ý uống thuốc gấp đôi liều lượng quy định vì nó có thể gây ra một số rủi ro không đáng có trong quá trình điều trị.

Tương tác của thuốc Paliperidone

1. Những thuốc nào tương tác với Paliperidone?

Do bệnh lý mà không ít người phải sử dụng nhiều loại thuốc cùng lúc. Điều này có thể dẫn đến những tương tác thuốc không tốt cho sức khỏe người bệnh.

Để hạn chế điều này, người bệnh cần liệt kê đầy đủ cho bác sĩ biết về các loại thuốc mà bản thân đang sử dụng hoặc có ý định dùng trong thời gian tới. Bác sĩ sẽ dựa vào đó để điều chỉnh liều lượng thuốc sao cho phù hợp với người bệnh. Trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh ngừng sử dụng một số loại thuốc nhất định.

Dưới đây là một số loại thuốc có thể gây tương tác với Paliperidone mà người bệnh nên lưu ý:

  • Thuốc Acecainide
  • Các loại thuốc trị ung thư: Sunitinib; Ajmaline; Lapatinib; Nilotinib; Crizotinib; Dolasetron; Dasatinib; Droperidol; Pazopanib; Granisetron; Halofantrine; Vandetanib; Haloperidol; Vinflunine; Leuprolide; Ondansetron; Sorafenib; Vemurafenib,…
  • Thuốc tác động đến hệ thần kinh
  • Thuốc Carbamazepine
  • Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim: Ziprasidone; Amiodarone; Procainamide; Azimilide; Propafenone; Ibutilide; Disopyramide; Dofetilide; Tedisamil; Flecainide; Bretylium; Sematilide,…
  • Thuốc chống kết tập tiểu cầu
  • Thuốc điều trị bệnh tràm cảm: Amoxapine; Fluoxetine; Buserelin; Protriptyline; Citalopram; Desipramine; Trifluoperazine; Aripiprazole; Prochlorperazine; Escitalopram; Amitriptyline; Clozapine; Imipramine; Nortriptyline; Clomipramine; Promethazine; Asenapine; Ranolazine; Trimipramine; Chlorpromazine,…
  • Các loại thuốc kháng sinh: Azithromycin; Chloroquine; Clarithromycin; Delamanid; Fluconazole; Gatifloxacin; Gemifloxacin; Hydroquinidine,…
  • Các loại thuốc hormone
  • Thuốc giảm đau có chất gây nghiện
  • Thuốc Cyclobenzaprine
  • Tocophersolan;
  • Lomitapide;
  • Eliglustat;
  • Tizanidine;
  • Iloperidone;
  • Ulipristal;
  • Perflutren Lipid Microsphere;
  • Fingolimod;
  • Sodium Phosphate, Sodium Phosphate; Monobasic; Sodium Phosphate, Dibasic,…
  • Tetrabenazine;
  • Ivabradine

2. Thức ăn và bia rượu có tương tác với thuốc Paliperidone không?

Một số loại thức ăn và đồ uống nhất định có thể khiến cho các tính chất của thuốc bị thay đổi. Để tránh điều này, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa về vấn đề dùng thuốc trong thời gian dùng thuốc. Lưu ý, tuyệt đối không uống rượu bia hoặc hút thuốc lá trong khi đang điều trị bằng thuốc Paliperidone.

3. Tình trạng sức khỏe nào gây ảnh hưởng đến thuốc Paliperidone?

Bất kỳ tình trạng sức khỏe nào cũng có thể gây ra ít nhiều ảnh hưởng đến công dụng của thuốc Paliperidone. Do đó, người bệnh nên thông báo cho bác sĩ biết về tình hình sức khỏe hiện tại của mình, đặc biệt là các vấn đề sau đây:

  • Bệnh tiểu đường
  • Có bệnh lý về dạ dày và ruột
  • Bị rối loạn chất béo trong máu
  • Bệnh Parkinson
  • Bệnh ung thư vú
  • Hội chứng thần kinh ác tính
  • Có khối u trong não
  • Các bệnh lý về tủy xương và máu
  • Bị tăng đường huyết
  • Động kinh hoặc có tiền sử động kinh
  • Nồng độ Prolactin trong máu cao
  • Dương vật nam giới bị đau nhức khi cương cứng

Thận trọng khi sử dụng thuốc Paliperidone

Khi dùng thuốc Paliperidone, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Cho bác sĩ biết nếu người bệnh dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc
  • Dùng thuốc đúng liều lượng quy định, không tự ý tăng giảm liều
  • Không sử dụng một ống tiêm cho 2 lần điều trị
Người bệnh không nên dùng những ống tiêm đã qua sử dụng
Người bệnh không nên dùng những ống tiêm đã qua sử dụng
  • Liệt kê đầy đủ các loại thuốc mà người bệnh đang dùng hoặc có ý định dùng trong thời gian tới
  • Thông báo với bác sĩ về các vấn đề sức khỏe mà người bệnh đang gặp phải
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa khi dùng thuốc cho trẻ nhỏ hoặc người cao tuổi.
  • Với những người đang có thai, đang cho con bú hoặc chuẩn bị phẫu thuật, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về vấn đề dùng thuốc sao cho an toàn, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Paliperidone có giá bao nhiêu?

Giá thuốc Paliperidone thường có sự chênh lệch khác nhau giữa các địa điểm bán. Thuốc dạng viên nén dao động trong khoảng 110.000 – 115.000 đồng/ viên. Còn với thuốc Paliperidone dạng dung dịch tiêm thì người bệnh nên đến bệnh viện hoặc các cửa hàng thuốc uy tín để mua trực tiếp với giá cả phù hợp.

Trên đây là những thông tin về loại thuốc điều trị thần kinh Paliperidone. Mong rằng bài viết sẽ giúp người bệnh hiểu rõ hơn về loại thuốc này, từ đó biết sử dujgn đúng cách để điều trị bệnh một cách hiệu quả nhất.

Wiki Bác Sĩ không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Xem thêm: Thuốc Lamictal® có tác dụng điều trị bệnh thần kinh như thế nào? Cách sử dụng và giá bao nhiêu?

Nguồn tham khảo
Top