Làm Giấy Khai Sinh Không Có Đăng Ký Kết Hôn
Làm giấy khai sinh không có đăng ký kết hôn sẽ có thủ tục phức tạp hơn. Tùy theo trường hợp có tên cha hay bỏ trống tên cha, thủ tục sẽ yêu cầu những giấy tờ khác nhau. Thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này và có sự chuẩn bị kỹ càng khi đăng ký khai sinh cho bé.
Không đăng ký kết hôn có làm giấy khai sinh cho con được không?
Làm giấy khai sinh là thủ tục quan trọng cần được hoàn tất trong vòng 60 ngày kể từ khi trẻ chào đời. Người làm giấy khai sinh thường là cha, mẹ và những người thân thích khác như ông bà, cô, dì, chú, bác hoặc những tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ.
Khi làm giấy khai sinh cho con, bố/ mẹ phải có giấy đăng ký kết hôn nên những cặp đôi chưa đăng ký kết hôn gặp không ít băn khoăn khi thực hiện thủ tục này. Theo quy định tại Điều 14 Luật Hôn nhân và Gia đình được ban hành năm 2014, nam nữ chưa đăng ký kết hôn thì không phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ đối với con cái.
Vì vậy, những cặp đôi chưa đăng ký kết hôn hoặc cha/ mẹ đơn thân có thể làm giấy khai sinh cho con trong vòng 60 ngày. Lúc này, phần tên cha và mẹ sẽ bị bỏ trống, sau đó cha mẹ có thể làm thủ tục nhận cha, mẹ, con để có tên đầy đủ cha mẹ trên giấy khai sinh của bé.
Thủ tục làm giấy khai sinh khi không có đăng ký kết hôn
Thủ tục làm giấy khai sinh khi không có đăng ký kết hôn khác với những trường hợp có giấy đăng ký kết hôn. Tùy theo từng trường hợp mà thủ tục sẽ có nhiều bước khác nhau. Để có sự chuẩn bị chu đáo và tránh tình trạng lúng túng khi làm giấy sinh cho bé, bố/ mẹ có thể tham khảo thông tin hữu ích sau đây:
1. Trường hợp đăng ký khai sinh bỏ trống tên cha
Trong trường hợp đăng ký khai sinh bỏ trống tên cha, thủ tục sẽ diễn ra khá đơn giản. Theo hướng dẫn tại Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, trường hợp chưa xác định được cha thì đăng ký khai sinh họ, quốc tịch, quê quán, dân tộc theo họ, quốc tịch, quê quán, dân tộc của mẹ. Phần ghi về cha trong giấy khai sinh sẽ được để trống.
Trong trường hợp này, mẹ sẽ làm giấy khai sinh cho con tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mẹ đang cư trú (thường trú hoặc tạm trú). Khi làm giấy khai sinh cho trẻ, cần chuẩn bị những giấy tờ sau:
- Tờ khai theo mẫu
- Giấy chứng sinh
- Sổ tạm trú hoặc sổ hộ khẩu của mẹ
Trường hợp không có giấy chứng sinh phải nộp văn bản của người làm chứng về việc sinh hoặc giấy cam kết về việc sinh (trong trường hợp không có người làm chứng). Đối với trường hợp trẻ bị bỏ rơi, người nhận nuôi trẻ phải nộp biên bản xác định trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền cấp.
2. Trường hợp đăng ký khai sinh có tên cha
Trong trường hợp chưa đăng ký kết hôn nhưng muốn giấy khai sinh có cả tên cha và mẹ, gia đình cần phải làm thủ tục nhận cha con. Sau đó, tiến hành đăng ký khai sinh cho con tại địa phương (Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của trẻ).
Thủ tục làm giấy khai sinh không có đăng ký kết hôn có tên cha và mẹ:
- Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định và tờ khai đăng ký khai sinh
- Giấy chứng sinh
- Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con (Văn bản của cơ quan giám định, các cơ quan y tế, tổ chức có thẩm quyền trong và ngoài nước. Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ và con, các bên nhận cha, mẹ và con phải lập văn bản cam kết, đồng thời phải có ít nhất 2 người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con).
Những giấy tờ trên sẽ nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ đang cư trú. Trong trường hợp, nội dung trong giấy khai sinh sẽ bao gồm:
- Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ sẽ được xác định theo thỏa thuận của cha và mẹ. Trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được hoặc không có thỏa thuận, cơ quan sẽ xác định theo tập quán.
- Quốc tịch của trẻ sẽ được xác định theo quy định của pháp luật.
- Quê quán của trẻ sẽ được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ tùy theo thỏa thuận hoặc theo tập quán.
- Ngày tháng năm sinh (dương lịch), nơi sinh và giới tính sẽ được xác định theo Giấy chứng sinh do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp.
3. Trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ
Đối với những trường hợp trẻ chưa xác định được cha mẹ (thường là do bị bỏ rơi), Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ đang cư trú sẽ có trách nhiệm làm giấy khai sinh cho trẻ. Trong trường hợp đăng ký khai sinh có người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con thì Ủy ban nhân dân sẽ kết hợp giải quyết việc nhận con và làm giấy khai sinh.
Để đăng ký nhận con, cần có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con (văn bản của cơ quan giám định, cơ quan y tế,…) hoặc viết giấy cam kết chứng minh mối quan hệ cha, mẹ con, đồng thời phải có 2 người làm chứng về mối quan hệ.
4. Trường hợp có tranh chấp về việc xác định cha – con
Trong trường hợp có tranh chấp về việc xác định cha – con (cha đứa trẻ không đồng ý có tên trong giấy khai sinh), bạn có thể nộp đơn khởi kiện để yêu cầu Tòa án nhân dân giải quyết tranh chấp theo Khoản 2 Điều 101 Luật Hôn nhân gia đình được ban hành vào năm 2014. Sau đó, tòa sẽ gửi bản án và quyết định về việc xác định cha, mẹ, con đế cơ quan đăng ký hộ tịch.
Sau khi đã xác định được mối quan hệ cha, mẹ, con, bạn sẽ chuẩn bị những giấy tờ cần thiết để làm giấy khai sinh cho bé ở Ủy ban nhân dân cấp xã.
Làm giấy khai sinh khi không có đăng ký kết hôn sẽ phức tạp hơn so với những trường hợp có giấy đăng ký kết hôn. Hy vọng qua những thông tin trong bài viết, bạn có thể hoàn tất thủ tục nhanh chóng và tránh những sai sót trong quá trình thực hiện.
Tham khảo thêm: