Acetylcysteine

Thuốc Acetylcysteine
Biệt Dược

Acetylcysteine

    Đóng gói: Viên nang, Thuốc dạng bột, Dạng dung dịch

    Loại thuốc: Thuốc long đàm, tác dụng lên đường hô hấp

Tác giả: Cập nhật: 2:59 pm , 28/06/2024 Tham vấn y khoa: Bs. Lê Thị Phương

Acetylcysteine thuộc nhóm thuốc tác dụng trên đường hô hấp với nhiều dạng khác nhau. Vậy cụ thể Acetylcysteine là thuốc gì? Công dụng ra sao?… bạn đọc hãy theo dõi bài viết này của chúng tôi để hiểu rõ hơn.

Acetylcysteine là thuốc gì? Công dụng của Acetylcysteine ra sao?

Acetylcysteine hay còn được biết đến với tên gọi khác là Acetylcystein được sử dụng như một thuốc giải độc chứng ngộ độc paracetamol.

Acetylcystein thuộc nhóm thuốc long đàm (đờm), tác dụng trên đường hô hấp. Và thuốc hoạt động bằng cách làm loãng chất nhầy, từ đó làm cho chúng dễ dàng di chuyển qua phổi hơn.

Acetylcysteine là thuốc được sử dụng để làm tan chất nhầy
Acetylcysteine là thuốc được sử dụng để làm tan chất nhầy

Thành phần chính của thuốc là N-Acetylcysteine với các tác dụng đó là:

  • Acetylcystein (N – acetylcystein) là dẫn chất N – acetyl của L – cystein, đây là một amino – acid tự nhiên. Acetylcysteine được sử dụng làm thuốc tiêu chất nhầy và thuốc giải độc khi dùng quá liều paracetamol.
  • Thuốc Acetylcysteine cũng được sử dụng tại chỗ để điều trị tình trạng khô mắt.
  • Acetylcysteine dùng để bảo vệ chống gây độc cho gan do quá liều paracetamol, bằng cách duy trì hoặc khôi phục nồng độ glutathion của gan là chất cần thiết để làm bất hoạt chất chuyển hóa trung gian của paracetamol gây độc cho gan.

Thuốc Acetylcysteine được chỉ định trong trường hợp nào?

Thuốc Acetylcysteine được chỉ định dùng trong các trường hợp sau:

  • Thuốc được dùng làm thuốc tiêu chất nhầy trong bệnh nhầy nhớt như: Mucoviscidosis, xơ nang tuyến tụy; bệnh lý hô hấp có đờm nhầy quánh như viêm phế quản cấp và mạn tính, bệnh hen phế quản, khí phế thủng mãn tính,  và viêm phổi.
  • Acetylcysteine trong nhiều trường hợp được làm dùng làm thuốc giải độc trong quá liều paracetamol.
  • Dùng tại chỗ trong việc điều trị hội chứng khô mắt ví dụ như: Viêm kết giác mạc khô, hội chứng Sjogren kết hợp với tiết bất thường chất nhầy.

Dược lực và dược động học của thuốc Acetylcysteine

1. Dược lực học

Acetylcysteine là một chất điều hòa chất nhầy theo hình thức làm tan đờm.

2. Dược động học

Sau khi thuốc được hít qua miệng hoặc nhỏ thuốc vào khí quản, phần lớn thuốc Acetylcysteine sẽ tham gia vào phản ứng sulfhydryl – disulfid, phần còn lại sẽ được biểu mô phổi hấp thu.

Nếu theo đường uống, thuốc Acetylcysteine sẽ được hấp thu nhanh tại đường tiêu hóa và bị gan khử acetyl chuyển thành cystein và sau đó sẽ được chuyển hóa.

Theo đường uống, thuốc được hấp thu nhanh tại đường tiêu hóa
Theo đường uống, thuốc được hấp thu nhanh tại đường tiêu hóa

Sau khi uống liều 200mg đến 600mg trong khoảng từ 0,5 đến 1 giờ sau sẽ đạt nồng độ đỉnh huyết tương. Khả dụng sinh học khi uống thuốc thấp và cũng có thể do chuyển hóa trong thành ruột và chuyển hóa bước đầu trong gan. Ðộ thanh thải thuốc tại thận có thể chiếm 30% độ thanh thải thuốc trên toàn thân.

Nên dùng thuốc Acetylcysteine như thế nào?

Người bệnh chỉ nên dùng thuốc Acetylcysteine theo chỉ dẫn của bác sĩ. Không dùng nhiều hơn hoặc thường xuyên hơn so với hướng dẫn của bác sĩ chủ trị. Nếu dùng sai bạn sẽ vô tình làm tăng nguy cơ các tác dụng phụ không mong muốn.

Bạn phải chắc chắn hiểu chính xác cách sử dụng của thuốc nếu như sử dụng thuốc tại nhà.

Sau khi dùng thuốc Acetylcysteine bạn hãy cố gắng ho ra dịch nhầy. Nếu trường hợp không được bạn cần phải hút chúng ra, làm vậy sẽ giúp bạn ngăn ngừa dịch nhờn hình thành trong phổi.

Nếu có những bất cứ thắc mắc nào về cách dùng thuốc bạn đừng ngần ngại mà hãy hỏi bác sĩ chủ trị để được giải đáp cụ thể.

Liều dùng thuốc Acetylcysteine như thế nào?

Thông thường, thuốc Acetylcysteine được bào chế dưới dạng gói, hàm lượng 200mg/gói. Ngoài ra, thuốc có những dạng và hàm lượng sau:

  • Viên nang, dạng thuốc uống có hàm lượng: Acetylcysteine 100mg, Acetylcysteine 200mg.
  • Dạng bột, thuốc uống, hàm lượng thuốc: Acetylcysteine 100mg, Acetylcysteine 200mg.
  • Dung dịch: Acetylcysteine 10% (100 mg/mL), Acetylcysteine 20% (200 mg/mL).

Về liều dùng thuốc sẽ có sự khác nhau giữa từng đối tượng. Đặc biệt những thông tin về liều dùng sau đây sẽ không thể thay thế được lời khuyên và hướng dẫn trực tiếp của bác sĩ. Chính vì vậy, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng thuốc. Cụ thể:

(1) Làm thuốc tiêu chất nhầy, Acetylcysteine có thể được dùng với liều lượng như sau:

Áp dụng cách phun mù 3-5 ml dung dịch 20% hoặc 6-10 ml dung dịch 10% qua một mặt nạ hoặc đầu vòi phun, phun từ ba đến bốn lần mỗi ngày. Nếu cần thiết, có thể phun mù 1-10 ml dung dịch 20% hoặc 2-20 ml dung dịch 10%, mỗi lần phun cách nhau từ 2 đến 6 giờ.

Hoặc nhỏ trực tiếp thuốc vào trong khí quản từ 1- 2 ml dung dịch 10-20% mỗi giờ 1 lần. Có thể bạn phải tiến hành hút đờm loãng bằng máy hút.

Hoặc uống thuốc với liều 200mg, uống 3 lần mỗi ngày dưới dạng hạt hòa tan trong nước. Với đối tượng là trẻ em dưới 2 tuổi sẽ uống liều lượng 200mg/ngày chia 2 lần và trẻ em từ 2-6 tuổi uống 200mg, hai lần mỗi ngày.

(2) Liều dùng trong điều trị khô mắt có tiết chất nhầy bất thường:

Acetylcysteine trong điều trị khô mắt có tiết chất nhầy bất thường được dùng tại chỗ ở dạng dung dịch 5% cùng với hypromellose, bạn sẽ nhỏ 1-2 giọt, 3-4 lần mỗi ngày.

Acetylcysteine trong điều trị chứng khô mắt
Acetylcysteine trong điều trị chứng khô mắt

(3) Dùng làm thuốc Acetylcysteine giải độc quá liều paracetamol bằng cách tiêm truyền tĩnh mạch hoặc theo đường uống:

Tiêm truyền tĩnh mạch: Liều đầu tiên sẽ là 150mg/kg thể trọng người bệnh, dưới dạng dung dịch 20% trong 200 ml glucose 5%, tiêm tĩnh mạch trong 15 phút, tiếp theo đó thực hiện truyền nhỏ giọt tĩnh mạch 50mg/kg trong 500ml glucose 5%, trong 4 giờ đồng hồ tiếp theo và sau đó 100mg/kg trong 1 lít glucose 5% truyền trong 16 giờ tiếp theo.

Còn đối với trẻ em thể tích dịch truyền tĩnh mạch phải thay đổi.

  • Dùng thuốc theo đường uống: Liều dùng đầu tiên là 140 mg/kg, dùng dung dịch 5%; tiếp theo cách 4 giờ sẽ uống 1 lần, uống liều 70mg/kg thể trọng và người bệnh uống tổng cộng thêm 17 lần.

Theo nhiều thông báo thì Acetylcystein sẽ mang lại hiệu quả cao khi dùng trong vòng 8 giờ sau khi người bệnh bị quá liều paracetamol, và hiệu quả bảo vệ sẽ giảm đi sau thời gian đó. Trường hợp bắt đầu điều trị chậm hơn 15 giờ thì sẽ không hiệu quả, thế nhưng các công trình nghiên cứu gần đây cho cho rằng, điều trị sau thời gian này vẫn còn có ích.

Thuốc Acetylcysteine có những tác dụng phụ gì?

Acetylcysteine khi dùng cũng có thể gây ra những tác dụng phụ cho người bệnh. Trên thực tế người bệnh ít hiếm khi gặp phản ứng mẫn cảm với thuốc Acetylcysteine.

Các tác dụng phụ thường gặp như: Viêm miệng, sốt, buồn nôn, nôn mửa, chảy nước mũi, lạnh run, buồn ngủ, tức ngực và co thắt phế quản.

Đặc biệt người bệnh nên lưu ý các tác dụng phụ của Acetylcysteine trên lâm sàng bao gồm co thắt phế quản xảy ra không thường xuyên và không thể lường trước được, ngay cả ở những người bệnh hen phế quản hay viêm phế quản kết hợp hen phế quản.

Mặt khác, Acetylcystein là một chất giải độc cho việc dùng quá liều Acetaminophen hay còn được gọi là paracetamol.

Nếu như bạn uống Acetylcystein, nhất là với liều lượng lớn cần thiết để điều trị việc dùng quá liều paracetamol, có thể sẽ gây ra triệu chứng khó chịu như: Buồn nôn, nôn mửa cùng một số triệu chứng tiêu hóa khác. Hiếm khi người bệnh có thể bị phát ban hoặc không kèm theo dấu hiệu sốt nhẹ.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, không phải tất cả người bệnh đều gặp những tác dụng phụ kể trên, có những triệu chứng không được đề cập tại đây. Do vậy, nếu gặp bất cứ triệu chứng khác thường hoặc thắc mắc về tác dụng phụ của thuốc bạn hãy liên hệ với bác sĩ để hiểu rõ hơn.

Khi dùng thuốc Acetylcysteine cần thận trọng những gì?

1. Trước khi dùng Acetylcysteine bạn nên lưu ý gì?

Theo khuyến cáo từ nhà sản xuất bạn không được dùng thuốc Acetylcysteine nếu như:

  • Bị dị ứng với thuốc hoặc bất cứ thành phần nào có trong thuốc.
  • Thuốc chống chỉ định dùng cho người có tiền sử hen bởi sẽ xảy ra nguy cơ phản ứng co thắt phế quản với tất cả dạng thuốc chứa Acetylcysteine.
Thuốc chống chỉ định với người có tiền sử bị hen
Thuốc chống chỉ định với người có tiền sử bị hen

2. Những lưu ý khi dùng thuốc Acetylcystein cho phụ nữ có thai, đang cho con bú

Hiện nay, vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu xác định rủi ro với những chị em đang mang thai hoặc cho con bú khi dùng thuốc này. Theo đó, trước khi dùng thuốc bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ thật kỹ càng để cân nhắc giữa những lợi ích và nguy cơ mà thuốc mang lại.

Và theo nghiên cứu của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) thuốc Acetylcysteine thuộc nhóm B đối với thai kỳ. Tức là nhóm thuốc không có nguy cơ trong vài nghiên cứu đối với phụ nữ mang thai.

Tương tác thuốc Acetylcysteine như thế nào?

1. Thuốc Acetylcysteine tương tác với những thuốc nào?

Nếu xảy ra sự tương tác thuốc sẽ làm thay đổi khả năng hoạt động hoặc làm gia tăng ảnh hưởng các tác dụng phụ. Do vậy, để tránh cũng như giảm thiểu tối đa tương tác giữa Acetylcysteine với các thuốc khác bạn hãy liệt kê các thuốc đang sử dụng cho bác sĩ hay dược sĩ của mình.

Bạn cũng không được tự ý dùng thuốc, không ngừng hoặc thay đổi liều lượng nếu như chưa có sự cho phép của bác sĩ.

Người bệnh lưu ý dùng thuốc với các thuốc sau đây:

  • Sử dụng thuốc Acetylcysteine với bất kỳ thuốc nào trong hai thuốc sau Carbamazepine, Nitroglycerin có thể sẽ làm tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ.
  • Acetylcysteine là một chất khử nên sẽ không phù hợp với các chất oxy – hóa.
  • Người bệnh không dùng đồng thời các thuốc ho khác hoặc bất cứ thuốc nào có khả năng làm giảm bài tiết phế quản trong thời gian điều trị bằng Acetylcysteine.
  • Acetylcysteine có thể phản ứng với 1 số kim loại, nhất là sắt, niken, đồng và với cao su. Do vậy, bạn cần tránh thuốc tiếp xúc với các chất trên, đặc biệt không được dùng các máy phun mù có những thành phần bằng cao su hoặc kim loại.
  • Dung dịch natri acetylcystein tương kỵ về lý hoặc hóa học với những dung dịch có chứa penicilin, oleandomycin, oxacilin, tetracyclin, erythromycin lactobionat, amphotericin B, hoặc natri ampicilin. Chính vì vậy, nếu có ý định dùng một trong những kháng sinh này ở dạng khí dung thì thuốc phải được phun mù riêng.
  • Ngoài ra, dung dịch Acetylcysteine cũng tương kỵ về lý học với dầu iod, hydrogen peroxyd và trypsin.

2. Rượu và thức ăn có tương tác với thuốc Acetylcysteine không?

Có một số loại thuốc không được dùng chung trong bữa ăn hoặc cùng lúc với những món ăn nhất định bởi sẽ xảy ra sự tương tác thuốc.

Tham khảo ý kiến bác sĩ khi dùng chung thuốc với rượu bia
Tham khảo ý kiến bác sĩ khi dùng chung thuốc với rượu bia

Ngoài ra, rượu bia và thuốc lá cũng có thể tương tác với các loại thuốc nhất định. Bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ về việc dùng chung thuốc Acetylcysteine với rượu, bia, thuốc lá.

3. Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc Acetylcysteine?

Những tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc dùng thuốc, trong đó có thuốc Acetylcysteine. Chính vì vậy, bạn hãy báo cáo cho bác sĩ biết nếu bạn đang gặp bất cứ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt:

  • Bạn bị bệnh hen suyễn, bởi nếu bị bệnh mà dùng thuốc Acetylcysteine sẽ càng làm cho tình trạng bệnh của bạn trở nên tồi tệ hơn.
  • Giảm khả năng ho, lúc này chất nhầy chỉ có thể được loại bỏ ra bên ngoài bằng cách hút.

Trường hợp khẩn cấp/ quá liều/ quên liều thuốc Acetylcysteine phải làm sao?

1. Bạn phải làm gì nếu rơi vào trường hợp khẩn cấp/ quá liều?

Nếu rơi vào tình trạng này bạn hãy gọi điện ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đưa bệnh nhân đến trạm Y tế địa phương gần nhất để được xử lý kịp thời.

2. Bạn phải làm gì nếu bỏ quên liều thuốc Acetylcysteine?

Trong trường hợp bạn lỡ quên một liều thuốc thì hãy dùng thuốc càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Nhưng nếu thời gian nhớ ra gần với liều kế tiếp thì bạn hãy bỏ qua liều bỏ quên và dùng liều tiếp theo đúng như kế hoạch.

Khi dùng thuốc bạn tuyệt đối không được dùng gấp đôi liều đã quy định trước đó.

Thuốc Acetylcysteine giá bao nhiêu?

Hiện nay thuốc Acetylcysteine được bán tại các nhà thuốc tư nhân, nhà thuốc bệnh viện trên toàn quốc. Người bệnh có thể tìm mua thuốc với mức giá dao động từ 70.000 – 100.000 đồng.

Bảo quản thuốc Acetylcysteine như thế nào?

  • Người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản trên hộp thuốc. Bởi mỗi loại thuốc sẽ có cách bảo quản riêng.
  • Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng, dưới 30 độ C, tránh ánh sáng trực tiếp, tránh độ ẩm và đặc biệt không bảo quản thuốc trong nhà tắm cũng như ngăn đá tủ lạnh.
  • Giữ thuốc tránh xa tầm tay của trẻ em và thú nuôi trong gia đình.
  • Bạn không nên vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi bạn được yêu cầu làm thế.
  • Với các thuốc quá hạn, không còn sử dụng nữa thì bạn nên hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ hoặc công ty xử lý rác thải tại địa phương để tiêu hủy thuốc an toàn.

Hy vọng những thông tin chúng tôi chia sẻ trên đây sẽ giúp cho bạn hiểu rõ hơn về thuốc Acetylcysteine. Từ đó có thể sử dụng thuốc đúng cách và an toàn. Tuy nhiên, dù thông tin có đầy đủ và chi tiết thì cũng không thể thay thế được lời khuyên trực tiếp từ bác sĩ. Bạn hãy gặp bác sĩ nếu có bất cứ vấn đề sức khỏe nào để được hướng dẫn sử dụng thuốc một cách hiệu quả và an toàn. Chúc bạn sức khỏe!

Wiki Bác Sĩ không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Thông tin xem thêm: Thuốc Salbutamol điều trị các bệnh đường hô hấp dùng như thế nào? Giá bao nhiêu?

Nguồn tham khảo
Bình luận (3)
Sắp xếp
  • Ngọc Linh

    Dùng thuốc nhỏ mắt Acetylcysteine này cùng thuốc rửa mắt có sao không ạ?

  • Đặng Như Tuyết

    Tên biệt dược trị khô mắt tên là gì vậy ạ?

  • Nguyễn Đức Mạnh

    Mang thai sắp sinh có thể dùng được thuốc này không bác sĩ ơi?

Top