Điều Trị Rối Loạn Kinh Nguyệt
Điều trị rối loạn kinh nguyệt thế nào phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng đó. Trong khi các phương pháp Tây y có thể giảm nhanh triệu chứng, y học cổ truyền là hướng điều trị ổn định thì các mẹo tự nhiên có lợi thế dễ thực hiện và tiện lợi. Vậy, đâu mới là cách điều trị rối loạn kinh nguyệt toàn diện?
Rối loạn kinh nguyệt là những biểu hiện không bình thường về chu kỳ kinh nguyệt (mau kinh, thưa kinh hoặc vô kinh), lượng máu kinh (cường kinh, thiểu kinh hoặc rong kinh), màu kinh và các triệu chứng khác kèm theo trong chu kỳ kinh nguyệt (đau bụng kinh, đau lưng, đau ngực…). Mỗi chứng rối loạn kinh nguyệt khác nhau sẽ có cách điều trị riêng. Để biết được đâu là phương pháp điều trị rối loạn kinh nguyệt phù hợp với bạn, hãy tham vấn chuyên gia, bác sĩ. Dưới đây là một số gợi ý:
Điều trị rối loạn kinh nguyệt tại nhà
Đối với các triệu chứng rối loạn kinh nguyệt nhẹ tới vừa, chị em hoàn toàn có thể áp dụng những mẹo hoặc phương pháp dân gian điều trị rối loạn kinh nguyệt. Những thay đổi trong lối sống, thói quen sinh hoạt, ăn uống… cũng góp phần hỗ trợ điều trị rối loạn kinh nguyệt hiệu quả.
Dưới đây là những cách điều trị rối loạn kinh nguyệt tại nhà mà bạn có thể thử áp dụng:
Duy trì cân nặng hợp lý
Trọng lượng cơ thể có mối liên hệ mật thiết đến chu kỳ kinh nguyệt. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh phụ nữ bị thừa cân thường có nhiều khả năng bị đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều và vô sinh.
Các nhà khoa học tin rằng thừa cân hay béo phì ảnh hưởng tiêu cực đến trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận (HPA). Đây là trục điều hòa các hormone trong cơ thể. Đó là lý do vì sao chị em nên duy trì một cân nặng lành mạnh.
Tập thể dục đều đặn
Vận động nhiều hơn không chỉ có lợi cho sức khỏe sinh sản mà còn là chìa khóa để đạt được tuổi thọ cao và chất lượng cuộc sống tốt.
Để giảm các triệu chứng đau rối loạn kinh nguyệt, chị em nên tập aerobic khoảng 30 phút mỗi ngày, hoặc thực hành các môn đi bộ, chạy, đạp xe, bơi lội và tập yoga. Nên tập thể dục thể thao vừa sức, vì các môn cường độ cao có thể gây chậm kinh hoặc vô kinh.
Vệ sinh giấc ngủ
Rối loạn kinh nguyệt và chất lượng giấc ngủ kém có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Rối loạn giấc ngủ có thể gây khó ngủ, mất ngủ và ngược lại, ngủ kém khiến triệu chứng rối loạn kinh nguyệt trầm trọng hơn.
Chị em có thể giúp ngăn chặn vòng luẩn quẩn này bằng cách vệ sinh giấc ngủ (thực hành các thói quen ngủ tốt, lành mạnh), ví dụ như:
- Đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày
- Không ngủ trưa quá dài
- Không uống cà phê và ăn no trước khi ngủ ít nhất 2 tiếng
- Hạn chế tiếp xúc với màn hình ánh sáng xanh (smartphone, TV, máy tính bảng) ngay trước khi đi ngủ
Quản lý căng thẳng
Căng thẳng và lo âu có liên quan tới mọi vấn đề sức khỏe. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng tuyến thượng thận tiết ra cả cortisol và progesterone để đối phó với căng thẳng. Việc giải phóng progesterone có thể giúp giảm căng thẳng hoặc lo lắng, nhưng nó cũng có thể gây xáo trộn chu kỳ kinh nguyệt. Bạn có thể quản lý căng thẳng thông qua các hoạt động: Ngồi thiền, hít thở sâu, tập yoga, ngủ đủ giấc, trò chuyện với bạn bè…
Ăn uống chọn lọc
Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp ích rất lớn cho sức khỏe sinh sản của người phụ nữ. Vậy, rối loạn kinh nguyệt ăn gì, không nên ăn gì?
Để điều trị rối loạn kinh nguyệt tự nhiên, chị em nên ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin B6, vitamin K, vitamin E, magie, canxi, chất xơ và chất béo lành mạnh. Đồng thời, cần hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, thực phẩm gây dị ứng, đường tinh luyện, muối, rượu, bia, caffeine….
Châm cứu chữa rối loạn kinh nguyệt
Châm cứu là phương pháp chữa bệnh độc đáo trong y học cổ truyền. Đúng như tên gọi, phương pháp này bao gồm Châm và Cứu. Bác sĩ, lương y hoặc kỹ thuật viên sẽ dùng những cây kim mảnh để đưa vào các huyệt đạo trên cơ thể. Tuy có thể gây cảm giác đau nhẹ, nhưng châm cứu không làm tổn thương hay biến chứng nguy hại.
Châm cứu giúp cân bằng dòng chảy của năng lượng hay khí trong cơ thể, từ đó giúp điều hòa kinh nguyệt và cải thiện các triệu chứng khó chịu trong kỳ kinh, đặc biệt là đau bụng kinh.
Một số nghiên cứu của các nhà khoa học Hà Quốc đã chứng minh châm cứu có thể làm giảm nồng độ FSH (hormone kích thích nang trứng) và khởi động lại chu kỳ kinh nguyệt ở những phụ nữ đã ngừng kinh. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Tây Sydney và Bệnh viện Campbelltown và Camden (Úc) cũng phát hiện ra rằng châm cứu giúp giảm đau bụng kinh rất tốt.
Hướng điều trị rối loạn kinh nguyệt theo y học hiện đại
Nếu rối loạn kinh nguyệt là hệ quả của một bệnh lý nào đó, chị em cần tuân theo phác đồ điều trị mà bác sĩ đã đưa ra.
Dưới đây là những phương pháp điều trị rối loạn kinh nguyệt được các bác sĩ Tây y khuyến nghị:
Điều trị rối loạn kinh nguyệt bằng thuốc tránh thai
Các biện pháp tránh thai nội tiết hiện đang là một lựa chọn y tế hàng đầu để điều trị chứng đau bụng kinh, rong kinh và các rối loạn kinh nguyệt khác.
- Thuốc tránh thai đường uống
Thuốc này chứa estrogen và progesterone nhằm ngăn cản rụng trứng và làm dày chất nhầy ở cổ tử cung nhằm ngăn cản tinh trùng vào tử cung. Cơ chế này giúp giảm đau bụng kinh, đau vùng chậu, rong kinh và giúp điều hòa kinh nguyệt.
Chị em yên tâm là điều trị rối loạn kinh nguyệt bằng thuốc tránh thai không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và không gây tăng cân. Tuy vậy, tác dụng phụ của thuốc tránh thai là làm giảm ham muốn ở nữ, gây buồn nôn, chảy máu bất thường và đau vú.
Bên cạnh đó, Drospirenone – thuốc tránh thai đường uống có chứa progesterone có thể giúp giảm một số triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt PMS, như thay cáu kỉnh, lo lắng và căng thẳng.
- Vòng âm đạo và miếng dán tránh thai
Hai dụng cụ này chứa cùng loại hormone như trong thuốc tránh thai đường uống với cơ chế tác động tương tự. Vòng âm đạo cần được thay mới 1 lần/thang và miếng dán tránh thai được thay mới sau 1 tuần.
- Thuốc tiêm Depo-Provera
Depo-Provera là thuốc tránh thai dạng tiêm với tác dụng trong 3 tháng. Loại hormone được sử dụng là progestin nhằm ngăn cản rụng trứng đồng thời tăng chất nhầy ở lối vào cổ tử cung. Do đó, nó có thể giúp giảm đau bụng kinh và rong kinh.
Đây là một phương pháp tránh thai khá an toàn và tiện lợi. Tác dụng phụ là gây chảy máu trong vài tuần hoặc vài tháng sau khi tiêm mũi Depo-Provera đầu tiên.
- Vòng tránh thai
Dụng cụ tránh thai này nằm bên trong tử cung và giải phóng một lượng nhỏ hormone progestin. Đây là cách điều trị đau bụng kinh, đau vùng chậu, rong kinh… hiệu quả ở mọi đối tượng. Vòng tránh thai có tác dụng trong 5 năm và bạn có thể tháo vòng bất cứ lúc nào.
Một số người có thể bị ra máu bất thường trong 3 – 6 tháng đầu tiên, nhưng triệu chứng này sẽ giảm dần và mất hẳn.
- Cấy que tránh thai
Que cấy là một thiết bị có kích thước bằng que tăm và được luồn dưới da ở mặt trong cánh tay. Nó giải phóng hormone progestin để làm ngừng rụng trứng và ngăn quá trình thụ tinh. Nó cũng có tác dụng giảm các triệu chứng khó chịu trong chu kỳ kinh nguyệt.
Biện pháp này giúp ngừa thai hiệu quả cao tới trên 99% và có tác dụng từ 3 – 5 năm.
Tác dụng phụ của que cấy tránh thai là gây chảy máu thường xuyên nhưng không đáng kể.
Các loại thuốc điều trị rối loạn kinh nguyệt khác
Ngoài các biện pháp tránh thai, bác sĩ có thể yêu cầu dùng một số loại thuốc khác để điều trị triệu chứng rối loạn kinh nguyệt cụ thể. Bao gồm:
- Thuốc chống trầm cảm liều thấp: Paroxetine (Paxil), sertraline (Zoloft), citalopram (Celexa) và fluoxetine (Prozac) có thể được kê đơn để cải thiện tâm trạng. Như đã biết, lo lắng, căng thẳng và trầm cảm là triệu chứng liên quan tới hội chứng tiền kinh nguyệt.
- Chất chủ vận GnRH (Lupron): Chất chủ vận hormone giải phóng gonadotropin có thể kết hợp với liệu pháp nội tiết tố estrogen hoặc estrogen-progestin, để điều trị rối loạn kinh nguyệt ngắn hạn (dưới 6 tháng). Phương pháp điều trị này chỉ được sử dụng cho các triệu chứng rối loạn kinh nguyệt nghiêm trọng bởi nó có nhiều tác dụng phụ, bao gồm bốc hỏa, đau đầu và khô âm đạo.
- Thuốc lợi tiểu: Thuốc lợi tiểu spironolactone (Aldactone) có thể giúp cải thiện triệu chứng tăng cân do giữ nước cơ thể và đầy hơi. Tuy nhiên, nếu lạm dụng và dùng spironolactone lâu dài có thể gây tăng kali huyết, giảm natri huyết, rối loạn kinh nguyệt…
- Thuốc giảm đau: Những loại thuốc không kê đơn như ibuprofen hoặc acetaminophen có thể giảm đau bụng kinh mức độ nhẹ tới trung bình. Aspirin không được khuyến khích sư dụng vì nó có thể gây chảy máu nặng hơn.
Điều trị rối loạn kinh nguyệt bằng phẫu thuật
Thực tế, đa số bệnh nhân rối loạn nội tiết tố vẫn có thể chung sống với bệnh nếu không có biến chứng. Can thiệp phẫu thuật thường được chỉ định trong trường hợp rối loạn nội tiết tố do nguyên nhân thực thể gây rong kinh hay mất máu quá nhiều, không đáp ứng với các phương pháp điều trị nội khoa, y học cổ truyền hoặc tự chăm sóc. Thường áp dụng cho rối loạn nội tiết tố liên quan tới polyp tử cung, u xơ tử cung hoặc lạc tuyến cơ tử cung…
Các phẫu thuật thường gặp là: Siêu âm tập trung, thuyên tắc động mạch tử cung, cắt bỏ u xơ tử cung, cắt bỏ tử cung, nong và nạo tử cung (D&C). Ngoại trừ cắt bỏ tử cung, các phương pháp phẫu thuật khác chỉ tác động tới niêm mạc tử và vẫn bảo tồn tử cung. Tuy nhiên, hầu hết các thủ thuật này đều có thể làm giảm khả năng sinh sản, thậm chí chấm dứt khả năng sinh con của phụ nữ.
Cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi lựa chọn cách điều trị này. Rủi ro chung của chúng là nhiễm trùng, xuất huyết và các biến chứng khác.
Dùng thực phẩm chức năng
Một số chất bổ sung, thực phẩm chức năng hoặc thực phẩm bổ sung có thể giúp ổn định chu kỳ kinh nguyệt, giảm các triệu chứng của rối loạn kinh nguyệt và nhiều lợi ích khác cho sức khỏe sinh sản của phụ nữ.
Có thể kể tới như:
Inositol (vitamin B8): Inositol ảnh hưởng tới việc sử dụng hormone insulin và FSH, bởi vậy đây là vi chất vô cùng quan trọng đối với chức năng buồng trứng. Bổ sung inositol có thể cải thiện tình trạng kinh nguyệt không đều. Đặc biệt, nó còn giúp cải thiện tỷ lệ rụng trứng và mang thai ở phụ nữ đang điều trị vô sinh.
Tinh dầu hoa anh thảo: Loại dầu tự nhiên này có chứa axit gamma-linolenic (GLA), đây là axit béo omega-6 có tác dụng giảm viêm, giảm bốc hỏa, giảm đau vú và cải thiện các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt. Nên bổ sung 3 – 6gr tinh dầu hoa anh thảo mỗi ngày.
Một số thảo dược: Thực phẩm chức năng có thành phần là những thảo dược dưới đây cũng thường được khuyến nghị sử dụng nhằm giảm các triệu chứng rối loạn kinh nguyệt: Quế, nghệ vàng, thiên ma đen, sâm Ấn Độ, sâm maca, nhân sâm…
Mặc dù bạn có thể dễ dàng tìm mua thực phẩm chức năng mà không cần kê đơn, nhưng để đảm bảo an toàn, bạn vẫn nên tham vấn bác sĩ, chuyên gia y tế trước khi sử dụng bất cứ sản phẩm nào.
Với những thông tin trên đây, độc giả đã có thể tự tìm ra câu trả lời cho câu hỏi điều trị rối loạn kinh nguyệt như thế nào là hiệu quả, an toàn nhất. Để không gặp phải những biến chứng do rối loạn kinh nguyệt, chị em nên đi khám chuyên khoa và thực hiện điều trị theo đúng phác đồ, liệu trình mà bác sĩ đưa ra.